Núi Hồng - Sông La

Cover-mm.jpg

Hai người con nằm lại nơi chiến trường - nỗi đau ấy mãi mãi đeo đẳng trong tâm can người mẹ liệt sỹ Nguyễn Thị Liên (TX Kỳ Anh, Hà Tĩnh). Biến đau thương thành hành động, mẹ đã dành cả cuộc đời mình cho cách mạng, đóng góp xây dựng quê hương.

Unit.png
Title Page (1).jpg

Mùa xuân này, mẹ Nguyễn Thị Liên (SN 1920, trú tại thôn Đông Trinh, phường Kỳ Trinh, TX Kỳ Anh) bước sang 100 tuổi có lẻ. Dù ở cái tuổi mà người đời cho rằng quá hiếm, nhưng mẹ vẫn nhanh nhẹn, hằng ngày tự chăm sóc bản thân và kể cho cháu, chắt nghe những câu chuyện cuộc đời mình.

Khi tròn 20 tuổi, cô gái Nguyễn Thị Liên (quê xã Thạch Điền, nay là xã Nam Điền, huyện Thạch Hà) gặp gỡ và nên duyên cùng chàng trai Trần Kiện ở làng Đông Trinh, xã Hoàng Trinh, huyện Kỳ Anh (nay là phường Kỳ Trinh, TX Kỳ Anh).

127d2104327t58174l0.jpg
Mẹ Liên luôn xứng đáng là “cây cao bóng cả”, tấm gương sáng về người cao tuổi “sống khỏe, sống có ích” cho người dân noi theo.

Ông Trần Kiện (? - 1984) sinh ra trong một gia đình nghèo khó. Thế nhưng, với tư tưởng tiến bộ, chàng trai trẻ đã đi theo ánh sáng của cách mạng. Khi Cách mạng tháng Tám thành công, ông tham gia công tác tuyên giáo, dân vận tại địa phương, tích cực vận động bà con giáo xứ Dũ Lộc (xã Hoàng Trinh cũ) đồng thuận theo chủ trương, đường lối của Đảng, của Bác Hồ. Còn bà Liên tích cực với hoạt động của hội phụ nữ, công tác y tế tại địa phương. Cả hai ông bà đều tham gia phong trào bình dân học vụ, xóa mù chữ cho bà con trong vùng.

Trong suốt thời kỳ chiến tranh chống Mỹ cứu nước, dù cuộc sống vất vả, thiếu thốn nhưng vợ chồng ông bà vẫn sẵn sàng nhường nhà, nhường cơm cho cán bộ, chiến sỹ mỗi khi có đơn vị bộ đội dừng chân; tận tình chăm sóc những chiến sỹ bị thương được đưa về tuyến sau điều trị.

Ông bà sinh được 7 người con trai (2 người không may mất khi còn nhỏ), trong đó, 3 người con trai là: Trần Nhật Lệ (SN 1953), Trần Mạnh Trí (1956 - 1975), Trần Trung Tín (1958 - 1977) noi gương cha mẹ, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, lần lượt khoác balo lên đường ra chiến trường bảo vệ đất nước. Chiến tranh bước vào giai đoạn khốc liệt, gia đình bặt tin các anh từ đó. Khi nhận được tin con cũng là lúc mẹ phải chịu nỗi đau xé lòng. Lần lượt những tờ giấy báo tử được gửi về.

Tháng 3/1975, người con thứ 2 của mẹ là Trần Mạnh Trí hy sinh tại chiến trường miền Nam, được công nhận là liệt sỹ. Tháng 1/1977, người con thứ ba là Trần Trung Tín cũng hy sinh khi tham gia cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới Tây - Nam của Tổ quốc. Các anh đều hy sinh khi mới mười chín đôi mươi - độ tuổi thanh xuân tươi đẹp nhất của cuộc đời. Chỉ duy nhất người con trai cả Trần Nhật Lệ may mắn sống sót trở về nhưng phải mang trên mình nhiều di chứng của những tháng ngày chiến đấu trong mưa bom, bão đạn.

127d2100045t99944l0.jpg
Rưng rưng dòng lệ, mẹ thắp hương cho chồng và 2 người con trai đã hy sinh.

Nhắc đến những người con đã nằm lại trên chiến trường, mẹ Liên rưng rưng: “Ngày tiễn các con ra chiến trường, chúng nó đều hứa đất nước hòa bình sẽ về với mẹ. Vậy mà, ba đứa ra đi thì hai đứa chẳng bao giờ trở về nữa. Chiến tranh ác liệt, gia đình tôi cũng không thể tìm thấy phần mộ của các con, đó là nỗi đau không bao giờ có thể nguôi ngoai được”.

Lặng nhìn xa xăm, nỗi đau ngập đầy trong đôi mắt đã dần mờ đục của người mẹ già. Chiến tranh đã lùi xa vào dĩ vãng nhưng “ba lần tiễn con đi, hai lần khóc thầm lặng lẽ...”, nỗi đau đó vẫn đeo đẳng theo mẹ suốt cả cuộc đời.

Title Page.jpg

Khi còn trẻ, mẹ Nguyễn Thị Liên vừa tham gia công tác dân vận, vừa là một nữ y tá của trạm y tế xã. Với những kiến thức về ngành y được đào tạo, cùng với kinh nghiệm trong nghề bốc thuốc nam được cha mẹ truyền lại, mẹ trở thành y tá có tay nghề, đảm nhận công tác cứu chữa cho người dân địa phương và bộ đội bị thương chuyển về tuyến sau điều trị.

Năm 1961, mẹ tự hào là một trong những cán bộ y tế cơ sở tiêu biểu của Hà Tĩnh đi tham dự hội nghị cán bộ y tế toàn quốc tại thủ đô Hà Nội. Trong dịp này, mẹ Liên đã có may mắn, vinh dự lớn lao là được gặp Bác Hồ.

146d1153507t2171l8-bac-ho-voi-nganh-y-1.jpg
Kỷ niệm được gặp Bác Hồ vẫn luôn in đậm trong tâm trí mẹ Nguyễn Thị Liên (ảnh minh họa từ internet).

Hàng chục năm trôi qua nhưng những hình ảnh về Bác vẫn in đậm trong tâm trí của mẹ. Mẹ kể: “Bác mặc bộ quần áo bà ba màu nâu, tóc bạc, vầng trán cao, đôi mắt sáng, vẫy tay chào chúng tôi. Khi ra về, Bác chỉ vào đĩa kẹo trên bàn đại biểu rồi thân tình nói với tôi và một đại biểu nữ là lấy ít kẹo về cho các cháu ở nhà. Sự gần gũi, giản dị đó của Bác khiến chúng tôi vô cùng cảm động và thêm kính trọng Người. Cuộc gặp gỡ đó dù không được tiếp xúc lâu với Bác nhưng đã trở thành niềm tin, động lực cho tôi nỗ lực cống hiến trong suốt thời gian công tác về sau”.

Hai lần nhận tin báo tử của con, người mẹ ấy tưởng chừng như ngã quỵ, nhưng với lý tưởng cống hiến cho Tổ quốc, mẹ đã biến đau thương thành hành động, càng nỗ lực để hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Hình ảnh người cán bộ y tế cơ sở với thân hình nhỏ nhắn nhưng nhanh nhẹn, “mát tay” đã trở nên quen thuộc với người dân trong vùng. Ngoài thời gian làm công việc chuyên môn, mẹ hăng hái tham gia các phong trào tại địa phương; tích cực lao động sản xuất, góp phần xây dựng hậu phương vững chắc cho tiền tuyến.

127d2103436t14679l0.jpg
Mẹ vẫn thường xuyên khám bệnh, bốc thuốc miễn phí, nhường cơm sẻ áo cho những người hàng xóm nghèo.

Đất nước hòa bình, dù cuộc sống khó khăn nhưng mẹ vẫn thường xuyên khám bệnh, bốc thuốc miễn phí, nhường cơm sẻ áo cho những người hàng xóm nghèo. Mẹ Liên cùng chồng sống một cuộc đời thanh bạch bên nhau cho đến năm 1984, ông qua đời. Nay tuổi đã cao, mẹ vẫn là nhân tố tích cực trong phong trào xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh tại địa phương, động viên con cháu chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Trong thời điểm dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, mẹ không ngần ngại trích tiền chế độ của mình để ủng hộ công tác phòng chống dịch tại địa phương. Năm 2022, mẹ đã hiến hàng chục m2 đất và tiền của để góp phần giúp tổ dân phố Đông Trinh mở rộng tuyến đường trục chính.

127d2104103t59139l0.jpg
Mẹ Liên và Bí thư Đảng ủy phường Kỳ Trinh trò chuyện trên tuyến đường trục chính mẹ từng hiến hàng chục m2 đất.

Khi được các cấp, ngành xét duyệt hỗ trợ 70 triệu đồng để làm nhà ở, mẹ đã từ chối. Mẹ chia sẻ rằng: “Tôi đã ở tuổi xế chiều rồi, cũng chẳng có mưu cầu gì lớn lao nữa, xin được nhường sự quan tâm, hỗ trợ đó cho những hộ gia đình khác khó khăn, có nhu cầu cấp thiết hơn”.

Ông Nguyễn Đức Thắng - Bí thư Đảng ủy phường Kỳ Trinh cho biết: “Mẹ Nguyễn Thị Liên là mẹ liệt sỹ hiếm hoi còn sống trên địa bàn. Cả cuộc đời mẹ đã cống hiến cho cách mạng, cho đất nước. Nay về già, mẹ vẫn luôn xứng đáng là “cây cao bóng cả”, là tấm gương sáng về người cao tuổi “sống lâu, sống khỏe, sống có ích” cho người dân noi theo”.

Thắp nén hương thơm lên bàn thờ chồng và các con trong ngày đầu xuân mới, mẹ liệt sỹ Nguyễn Thị Liên rưng rưng niềm tiếc thương vô hạn. Trong ánh mắt của mẹ xen lẫn nỗi đau và niềm tự hào. Mẹ đã sống một cuộc đời sáng ngời lý tưởng cách mạng, hiến dâng những người con ưu tú cho nền độc lập, tự do của Tổ quốc. Sự hy sinh đó đã góp phần tô thắm thêm phẩm chất cao đẹp, khắc sâu thêm niềm tự hào về truyền thống phụ nữ Việt Nam “Anh hùng - Bất khuất - Trung hậu - Đảm đang” như 8 chữ vàng mà Bác Hồ trao tặng.

BÀI, ẢNH: KIỀU MINH - THU TRANG

THIẾT KẾ: TÙNG NGUYỄN

Đọc thêm

Diễn xướng “Duyên tình biển mặn”

Diễn xướng “Duyên tình biển mặn”

Tiết mục: Diễn xướng “Duyên tình biển mặn” (soạn lời và chỉnh lý: Văn Mạnh, Sỹ Chinh) do Đoàn nghệ thuật Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh Hà Tĩnh biểu diễn tại Liên hoan Di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO vinh danh tại Hà Tĩnh.
Chợ phiên - nét văn hóa truyền thống

Chợ phiên - nét văn hóa truyền thống

Tháng Chạp về, khi đào, mai bắt đầu ươm nụ trên những làng quê Hà Tĩnh, lòng tôi lại háo hức chờ đợi những buổi chợ phiên truyền thống, để được hòa mình trong không gian văn hóa quê hương.
Tỏa sáng di sản y học cổ truyền Hải Thượng Lãn Ông

Tỏa sáng di sản y học cổ truyền Hải Thượng Lãn Ông

Kế thừa, phát huy giá trị di sản y học cổ truyền của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, các bệnh viện, Hội Đông y Hà Tĩnh và cả nước ngày càng nâng cao hiệu quả hoạt động, khẳng định vai trò trong công tác chữa bệnh cứu người.
“Tấm căn cước” quý giá

“Tấm căn cước” quý giá

Nơi ấy, trên bản đồ hình chữ S của nước Việt ngàn năm là dải đất nhỏ hẹp, “đòn gánh gánh hai đầu đất nước”. Nơi ấy, bên dòng sông Lam trong xanh và núi Hồng sừng sững, những cư dân nhiều đời đã làm nên bao huyền thoại, tạo dựng một vùng văn hóa giàu bản sắc: văn hóa Hồng Lam. Đó là “tấm căn cước” quý giá, riêng có của Hà Tĩnh.
Dấu ấn cố hương trong “Thượng Kinh ký sự”

Dấu ấn cố hương trong “Thượng Kinh ký sự”

Tác phẩm “Thượng kinh ký sự” của Đại danh y Lê Hữu Trác bên cạnh trường đoạn nói về nỗi nhớ nơi ẩn cư ở quê mẹ ở Hương Sơn (Hà Tĩnh) là trường đoạn nói về nỗi nhớ cố hương da diết với rất nhiều hoài niệm.
Noel ấm áp, an lành

Noel ấm áp, an lành

Những ngày này, nhiều làng quê Hà Tĩnh lại rộn ràng không khí chờ đón lễ Noel. Dẫu không phải người xứ đạo nhưng tôi đã thấy mùa Giáng sinh ấm áp đang lan tỏa trong mình.
“Hành giả” Stêphannô Nguyễn Khắc Dương

“Hành giả” Stêphannô Nguyễn Khắc Dương

Trong cộng đồng Thiên Chúa giáo Việt Nam hiện nay, Stêphannô Nguyễn Khắc Dương, quê ở xã An Hòa Thịnh (Hương Sơn, Hà Tĩnh) là một tu sĩ được rất nhiều giám mục, linh mục, chức sắc tôn giáo, đồng bào có đạo biết đến và rất kính trọng.
Đoàn kết lương giáo - tô điểm quê hương

Đoàn kết lương giáo - tô điểm quê hương

Với tinh thần “Sống tốt đời, đẹp đạo”, đồng bào công giáo Hà Tĩnh đã tích cực gắn kết lương giáo, chung sức xây dựng, điểm tô cho bức tranh quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Thành Sen - thành phố bên bờ biển

Thành Sen - thành phố bên bờ biển

Một chiều như mọi chiều, tôi lại chạy xe chầm chậm trên những con phố cổ xưa của Thành Sen để ngắm nhìn những sắc màu mới đan xen màu ký ức. Xuôi về phía biển, một cảm giác vừa lạ lẫm, vừa hân hoan dào lên trong tôi - thành phố Hà Tĩnh đã mở rộng về bốn phía, làm dậy lên bao xúc cảm.