Trước khi giặt
Vi khuẩn sinh sôi nẩy nở trong môi trường ẩm ướt và dơ bẩn, đây cũng là nguyên nhân gây nên mùi khó chịu cho quần áo trong những ngày mưa. Vì vậy, bạn cần thường xuyên vệ sinh máy giặt để không tích tụ vi khuẩn.
Nhiều người không giặt quần áo trong những ngày nồm mà chờ trời nắng ấm mới đem ra giặt. Tuy nhiên, không nên để quần áo dơ chất đống mà thay vào đó nên giặt càng sớm càng tốt.
Không nên chất đống quần áo trong những ngày nồm ẩm.
Việc chất đống quần áo càng tạo điều kiện để vi khuẩn sinh sôi nhanh hơn. Nếu quần áo quá bẩn thì nên ngâm trước cho ra hết chất bẩn để giặt được sạch và nhanh.
Giặt quần áo vào sáng sớm
Thời điểm giặt quần áo tốt nhất là vào sáng sớm để quần áo có thời gian khô trong ngày. Bạn không nên phơi quần áo vào ban đêm vì lúc này độ ẩm tăng cao, kể cả đã phơi ở nơi có mái che thì quần áo cũng vẫn có mùi khó chịu, dễ gây các bệnh về da như nấm, hắc lào....
Dùng nước xả vải 1 lần xả
Sử dụng loại nước xả vải chuyên biệt giúp quần áo khô nhanh hơn. Các loại nước xả vải với mùi hương nhẹ và có đặc tính giúp nhanh khô quần áo được bán nhiều trong các siêu thị, các cửa hàng tạp phẩm.
Nước xả vải được các chuyên gia khuyên dùng để giữ hương thơm cho quần áo.
Theo các chuyên gia, dù giặt tay hay giặt máy, thì quần áo cần phải ngâm nước xả trong vòng 10 -15 phút để cho mùi hương thấm sâu vào trong từng thớ vải, giúp cho quần áo của bạn và gia đình thơm lâu hơn, tránh được những mùi ẩm mốc, khó chịu do các vi khuẩn thường xuất hiện trong mùa mưa gây ra.
Giặt những mẻ nhỏ và ưu tiên bộ đồ quan trọng
Khi giặt những mẻ nhỏ, bạn sẽ có ít quần áo cần phải sấy hơn, vì vậy quá trình sấy khô sẽ trở nên nhanh và dễ dàng hơn.
Độ ẩm cao lại không có nắng khiến quần áo rất khó và lâu khô. Hãy nhắc nhở mọi thành viên trong gia đình nên suy nghĩ trước khi ném quần áo vào máy giặt. Bạn hãy để ít nhất hai chiếc giỏ đựng đồ bẩn. Một giỏ dành cho những bộ quần áo cần giặt gấp như áo đồng phục, áo sơ-mi,…
Các loại quần áo chưa còn lại cho vào giỏ khác để giặt sau. Ngoài ra, vì độ ẩm cao nên có giỏ dành riêng cho quần áo trắng để tránh dính màu.
Giặt quần áo bằng nước ấm
Nếu giặt bằng tay hay máy giặt không có chế độ sấy, sau khi giặt xong, bạn nên nhúng quần áo vào nước nóng khoảng 60 độ rồi vắt ráo. Tính chất bốc hơi nhanh của nước nóng giúp quần áo nhanh khô hơn.
Vắt quần áo nhanh khô
Khi đến giai đoạn vắt sấy, bạn nên thả ba quả bóng tennis vào bên trong máy giặt để phân phối đều nhiệt.
Cho bóng tennis vào máy giặt sẽ khiến quá trình làm khô quần áo thực hiện nhanh hơn.
Với phương pháp này, quần áo thực sự khô nhanh hơn, cắt giảm khoảng mười phút trong khi bình thường phải mất đến đến 35 phút. Tuy nhiên, bạn phải chịu đựng tiếng ồn lục cục, nghe như tiếng bắp rang bơ nổ lách tách trong lò vi sóng.
Phơi quần áo bằng móc và phơi ngược
- Để quần áo mau khô, hãy phơi bằng móc và tốt nhất là để quần áo rũ thẳng xuống cho phẳng phiu. Các bạn cũng lưu ý, không được phơi chồng quần áo lên nhau. Trước khi phơi, nên lau dây phơi để tránh làm cho quần áo bị dính bẩn và lem sau mỗi trận mưa.
Phơi ngược giúp quần áo dày nhanh khô hơn.
- Đối với những chiếc quần áo vải dày như quần bò, quần âu, các bạn dùng kẹp treo ngược ống quần lên trên để phần thắt lưng và miệng túi quay xuống dưới. Cách làm này sẽ giúp quần áo dày nhanh khô hơn.
- Bên cạnh đó, việc là cả hai mặt áo quần trước khi phơi giúp bay hơi phần lớn lượng nước thừa còn lại.
Đảm bảo khoảng cách phơi ít nhất là 5cm giữa 2 móc
Với khăn bàn, chăn mền và ga trải giường, hãy trải rộng và vắt trên lan can, tay cầu thang hay lên lưng một loạt ghế xếp thành dãy. Nguyên tắc là phơi làm sao để không khí dễ lùa qua các lớp vải. Lưu ý nên để khoảng cách giữa hai móc ít nhất phải là 5cm.
Phơi quần áo trong nhà
Thật lý tưởng nếu nhà bạn có diện tích sân rộng hoặc sân thượng để phơi quần áo. Nhưng với những gia đình khác, việc tìm một khoảng không gian đủ rộng rãi để phơi tất cả quần áo đã giặt vào ngày tiết trời nồm ẩm là bài toán khá nan giải.
- Lựa chọn vị trí phơi quần áo trong nhà cũng rất quan trọng. Bạn không nên phơi quần áo trong nhà bếp hay nhà vệ sinh. Nếu phơi quần áo trong nhà bếp thì sẽ dễ ám mùi thức ăn, đặc biệt là các loại quần áo mùa đông như áo dạ, áo len. Nếu phơi quần áo trong nhà tắm thì càng ẩm thấp khiến quần áo khó khô, thậm chí còn kinh khủng hơn với mùi hôi khó tả.
Tận dụng thật tốt những khoảng không trong nhà để phơi quần áo.
- Đừng băn khoăn nếu không có dây phơi quần áo trong nhà. Các bạn có thể tạo ra những giá phơi đồ tạm thời bằng cách buộc một sợi dây nối giữa hai chiếc ghế cao, hoặc hai chiếc đinh cao đóng trên hai bức tường đối diện.
- Khi thời tiết có nắng gió hãy tranh thủ mang quần áo ra sân vườn, sân thượng ngoài trời để phơi. Lúc này bạn cũng vẫn nên để ý thời tiết, nếu thấy mưa thì lại mang ngay vào trong nhà.
Sấy và là
- Các bạn có thể tận dụng những khu vực có độ nhiệt cao như đằng sau tủ lạnh hoặc TV để hong không giày và quần áo nhỏ.
- Nhiều người có thói quen hong khô quần áo bằng quạt, nhưng cách làm này chỉ khiến hơi nước xung quanh ngưng tụ lại nhiều hơn.
Là quần áo trước khi mặc giúp trang phục có mùi dễ chịu hơn.
- Là quần áo trước khi mặc vừa giúp lên dáng quần áo đẹp hơn mà còn giúp bay bớt hơi ẩm trong quá trình cất giữ. Khi đó, trang phục có mùi thơm hơn, sạch sẽ, mát mẻ hơn.
Lưu trữ quần áo
- Vào mùa mưa phùn, quần áo rất khó để khô. Tuy vậy, bạn cũng không nên sốt ruột mà cất quần áo vẫn còn hơi ẩm vào tủ. Điều này chỉ khiến cho nhanh mốc và hỏng quần áo, không những thế, ẩm mốc còn có thể dễ dàng lây lan ra cả tủ. Bạn nên cẩn thận phơi, sấy cho thật khô trước khi cất giữ.
-Cất chăn, ga, gối, đệm dự trữ vào túi hút chân không để tránh ẩm mốc, hôi thối và hạn chế nấm mốc sinh sôi nảy nở.
-Cho vài viên chống ẩm hoặc túi hạt hút ẩm vào tủ quần áo để giữ môi trường trong tủ luôn khô ráo.