Thời tiết mưa gió luôn gây khó khăn cho việc lái xe trên đường. Không chỉ làm giảm tầm nhìn và gây trơn trượt, trời mưa còn ảnh hưởng trực tiếp đến các bộ phận trên xe, đặc biệt là kính lái. Dưới đây là cách xử lý những sự cố thường gặp nhất khi lái xe trời mưa. Độc giả click từng phần để xem hướng dẫn chi tiết.
Kính lái bị mờ
Khi đi trời mưa hoặc mùa đông, nhiệt độ thấp trên kính lái khiến lượng hơi nước bên trong xe ngưng tụ bám phía trong kính lái, gây mờ. Nguyên lý để kính hết mờ tức phải giải phóng được lượng nước này, điều này sẽ giải quyết đơn giản khi sử dụng điều hòa, tức AC ON.
Nhiều tài xế tranh cãi việc sử dụng điều hòa nóng hay lạnh thì xe hết mờ kính lái, thực tế là nóng hay lạnh đều được. Ngay khi vừa bước lên xe, cách nhanh nhất để hết mờ kính là bật sưởi kính hoặc nếu không có sưởi kính thì bật điều hòa, gió to và chọn chế độ hất gió lên kính.
Khoảng vài chục giây đến một phút kính sẽ khô hoàn toàn, sau đó điều chỉnh cho hướng gió về cabin, không hất vào kính nữa. Lúc này bật điều hòa, nóng hay lạnh sao cho người trên xe thấy thoải mái là được, kính sẽ không bị mờ nữa. Lưu ý dùng chế độ lấy gió trong, vì gió ngoài sẽ mang theo lượng lớn hơi nước gây mờ kính.
Gương chiếu hậu bị nhòe
Khi lái xe trời mưa, để nhìn thấy phía sau, tài xế phải xuyên qua một lớp kính cửa sổ rồi mới tới gương chiếu hậu. Lượng nước đọng trên kính cửa sổ và gương chiếu hậu khiến khó khăn tăng gấp đôi. Một số xe có chế độ sấy gương chiếu hậu có thể giải quyết vấn đề này, nhưng nếu không có sấy gương, cần phải làm gì?
Nếu mưa nhỏ, tài xế có thể chủ động dừng xe, lấy khăn lau sạch nước trên gương và cửa sổ. Nhưng mưa lớn thì cách này không hiệu quả. Theo kinh nghiệm của nhiều tài xế già, có thể lấy ruột thuốc lá hoặc thuốc lào xát lên gương để tạo một lớp chống bám nước, tạo hiệu ứng lá sen.
Hiện nay có thêm cách nhiều cửa hàng rửa xe khuyên dùng là mua lọ hóa chất xịt thẳng lên bề mặt gương và lau đều, lớp hóa chất này cũng giúp tạo hiệu ứng lá sen.
Cuối cùng, nếu mưa quá lớn và kéo dài, việc quan sát khó khăn hơn nhiều thì tốt nhất là tấp xe vào lề, bật cảnh báo nguy hiểm, chờ mưa ngớt rồi tiếp tục hành trình.
Mưa quá lớn không thể quan sát
Khi di chuyển trời mưa, sẽ khó tránh khỏi tình trạng mưa quá lớn, dù kính trong, gạt mưa làm việc hết công suất nhưng lớp mưa dày đặc khiến tầm nhìn vẫn bị hạn chế, không thể quan sát phía trước.
Lúc này, hãy bật đèn cảnh báo nguy hiểm (hazard), bật đèn sương mù hoặc đèn pha chế độ chiếu gần để xe trước và xe sau có thể thấy bạn, vì chắc chắn họ cũng đang gặp khó khăn tương tự. Giảm tốc độ, giữ khoảng cách với xe trước. Trong điều kiện mưa lớn, khi bạn nhìn rõ cả biển số và đuôi xe trước thì có thể bạn đã quá gần.
Nếu đường có nhiều làn, chủ động tách sang làn khác tạo khoảng cách cho tất cả các xe. Cố gắng không phanh gấp, nếu phanh gấp, xe sau sẽ khó có thể phản ứng kịp, rất dễ gây tai nạn đâm đuôi.
Cuối cùng, phương án tối ưu nhất luôn là dừng xe chờ mưa ngớt, nếu như không có việc quá gấp phải đi.
Trượt bánh, mất lái khi trời mưa
Nước mưa tạo thành một màng ngăn cách bánh xe và mặt đường, giảm độ bám đường. Vì vậy đi trời mưa thường đánh lái cho cảm giác không chính xác như trời khô, rất dễ trượt.
Tài xế, nhất là những người mới lái chưa cứng tay không nên chạy nhanh và đánh lái gấp khi trời mưa, nếu có thể hãy chạy trên một làn, hạn chế đánh lái tối đa. Khi cần chuyển làn thì giảm tốc và đánh lái góc nhỏ để từ từ chuyển làn chứ không chuyển ngay lập tức.
Sống trâu, lằn đường, ổ gà cũng là kẻ thù của ôtô khi trời mưa. Tại Việt Nam từng có nhiều vụ tai nạn chết người do chạy nhanh trời mưa, lao lên sống trâu, lằn đường dẫn tới mất lái, đâm vào xe khác hoặc lề đường. Giảm tốc tới an toàn, giữ vững tay lái khi đi qua loại mặt đường như vậy.
Tuyệt đối không được phanh gấp, lực lớn vì ở bề mặt trơn trượt, một động tác như vậy có thể khiến xe quay ngang, dẫn tới tai nạn.