Miễn dịch ở người đã tiêm vaccine liều cơ bản và mắc COVID-19 sẽ suy giảm: Cần thiết tiêm mũi 3, mũi 4!

Đây là thông tin được đưa ra tại cuộc gặp mặt báo chí cung cấp thông tin y tế năm 2022 do Bộ Y tế tổ chức chiều ngày 27/6.

Gần 53% số tử vong do COVID-19 là chưa tiêm vaccine phòng COVID-19

Thông tin tại buổi họp báo, PGS.TS Dương Thị Hồng - Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, tại Việt Nam, chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 được triển khai rộng khắp hơn 1 năm qua với trên 228 triệu mũi tiêm đã được tiêm chủng, công tác đảm bảo an toàn tiêm chủng luôn được ưu tiên tại tất cả các cơ sở y tế, góp phần hiệu quả trong công tác phòng, chống dịch, giúp giảm rõ rệt ca mắc bệnh, nhập viện, nặng và tử vong.

Miễn dịch ở người đã tiêm vaccine liều cơ bản và mắc COVID-19 sẽ suy giảm: Cần thiết tiêm mũi 3, mũi 4!

PGS.TS Dương Thị Hồng - Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương nêu rõ: Với tình hình dịch COVID-19 hiện nay ở Việt Nam và việc triển khai tiêm mũi 3 đạt tỷ lệ trên 65% ở người từ 18 tuổi trở lên, rất cần thiết và là thời điểm phù hợp để tiêm nhắc mũi thứ 4. Ảnh: Trần Minh

Mặc dù số ca mắc và tử vong do COVID-19 trên cả nước hiện nay đã có xu hướng giảm rõ rệt nhưng các địa phương vẫn tiếp tục ghi nhận những trường hợp phải điều trị tại bệnh viện do tình trạng mắc bệnh nặng và vẫn ghi nhận các ca tử vong do COVID-19; nhiều người phải điều trị những biến chứng hậu COVID-19.

Thông tin tại họp báo, TS Vương Ánh Dương - Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết tại Việt Nam, Hệ thống quản lý điều trị COVID-19 của Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế ghi nhận: Trong số 32.212 trường hợp tử vong do COVID-19 có tới 52,8% số tử vong là chưa tiêm vaccine phòng COVID-19; 29.8% đã tiêm 1 mũi hoặc 2 mũi vaccine và chỉ có 7,3% đã tiêm 3 mũi.

“Số liệu này một lần nữa khẳng định tính cần thiết phải thực hiện tiêm mũi nhắc lại lần 1 ( mũi 3 ) cho những người đã hoàn thành 2 mũi tiêm cơ bản” - TS Dương nói.

Bên cạnh đó, các nghiên cứu trên thế giới và trong đó có nghiên cứu của Việt Nam cũng chỉ ra kháng thể kháng SARS-CoV-2 sau tiêm mũi 3 sẽ suy giảm đáng kể khoảng 15 tuần sau khi tiêm, đặc biệt là kháng thể kháng biến chủng Omicron. Do vậy việc tiêm mũi 4 đặc biệt hữu ích đối với những người: Người từ 50 tuổi trở lên; Người từ 18 tuổi trở lên có suy giảm miễn dịch từ thể vừa đến thể nặng;

Người từ 18 tuổi trở lên thuộc nhóm nguy cơ cao phơi nhiễm với COVID-19 như cán bộ y tế, cán bộ tuyến đầu (lực lượng công an, quân đội, giáo viên, người làm việc trong lĩnh vực giao thông vận tải, người cung cấp dịch vụ thiết yếu, người làm việc tại các cơ sở dịch vụ du lịch, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ), công nhân, người làm việc các khu công nghiệp.

Người đã từng mắc COVID-19 vẫn có khả năng tái nhiễm và mắc các biến chứng

Tại cuộc họp báo, PGS.TS Dương Thị Hồng nêu rõ: Về khả năng bảo vệ của vaccine khi chỉ tiêm liều cơ bản, thông tin tại buổi họp báo cho thấy Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hoa Kỳ khuyến cáo tiêm nhắc lại vaccine phòng COVID-19 để ngăn ngừa và phòng, chống dịch COVID-19.

Miễn dịch ở người đã tiêm vaccine liều cơ bản và mắc COVID-19 sẽ suy giảm: Cần thiết tiêm mũi 3, mũi 4!

Thông tin tại họp báo cho thấy: Các bằng chứng khoa học cho đến hiện nay đã chỉ ra rằng, hiệu quả bảo vệ của vaccine để phòng mắc COVID-19 là trên 50%. Ảnh: Trần Minh

Các nghiên cứu trên thế giới đã ghi nhận hiệu quả bảo vệ của mũi tiêm cơ bản vaccine phòng COVID-19 giảm dần theo thời gian trong vòng 6 tháng sau khi tiêm và trong điều kiện xuất hiện các biến chủng mới. Đối với biến chủng Omicron, hiệu quả bảo vệ giảm rất nhanh do nồng độ kháng thể cần thiết để trung hòa vi rút ở mức cao hơn so với các biến chủng virus SARS-COV-2 trước đây. Do vậy những người đã tiêm mũi cơ bản nếu không tiêm mũi nhắc vẫn có nguy cơ mắc bệnh.

Chuyên gia của chương trình tiêm chủng mở rộng cũng thông tin về khả năng tái nhiễm ở những người đã từng mắc COVID-19 và nguy cơ xuất hiện các biến chủng mới.

Theo đó, người đã từng mắc COVID-19 vẫn có khả năng bị tái nhiễm và mắc các biến chứng của bệnh, bao gồm cả trẻ em và người lớn. Một số nghiên cứu gần đây cho thấy người tái nhiễm vẫn có nguy cơ mắc bệnh mức độ nghiêm trọng và phải điều trị hồi sức tích cực.

Vì sao cần phải tiêm mũi 3, mũi 4 vaccine phòng COVID-19?

Tại buổi họp báo, GS.TS Phan Trọng Lân- Cục trưởng Cục Y tế dự phòng nêu rõ, mặc dù số mắc và tử vong do COVID-19 trên toàn cầu có xu hướng giảm, tuy nhiên, ở một số khu vực dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp, xuất hiện các biến chủng mới. Hiện nay nhiều quốc gia đã dỡ bỏ một phần hoặc hoàn toàn các biện pháp phòng chống dịch nên nguy cơ dịch quay trở lại là hoàn toàn có thể.

Tại Việt Nam song với việc Việt Nam kiểm soát tốt sự lây lan dịch bệnh, cuộc sống người dân trở lại bình thường, hiện nay đã xuất hiện tâm lý chủ quan, từ chối không đi tiêm vaccine tại nhiều địa phương. Nhiều người dân đã mắc COVID-19 không đồng ý tiêm các mũi vaccine tiếp theo do nghĩ đã được miễn dịch bảo vệ, cho rằng liều bổ sung, liều nhắc lại là không cần thiết.

Bên cạnh đó, cả nước có hơn 15 triệu người (khoảng 22,3%) đã tiêm mũi bổ sung vaccine phòng COVID-19, nhiều người trong số này không muốn tiêm mũi nhắc tiếp theo.

Theo kết quả của một số nghiên cứu gần đây, những người đã tiêm vaccine liều cơ bản và bị mắc COVID-19, miễn dịch bắt đầu giảm ở tuần 10-19 sau tiêm. Nếu những người này được tiêm nhắc vaccine phòng COVID-19 thì sẽ khôi phục khả năng miễn dịch, duy trì hiệu lực bảo vệ trước nguy cơ nhiễm vi rút SARS-COV-2.

Kết quả nghiên cứu tại Pháp cho thấy nếu được tiêm liều nhắc, những người này được bảo vệ khỏi tái nhiễm virus lên đến 81%. Kết quả nghiên cứu tại Hoa Kỳ cho thấy, những người từng mắc COVID-19 nếu chỉ tiêm 2 liều thì hiệu quả phòng nhập viện do tái nhiễm là 34,6%, nhưng nếu được tiêm liều nhắc thì hiệu quả này lên đến 67,6%.

Tại cuộc họp, đại diện WHO khuyến cáo sau 4-6 tháng cần tiêm người tăng cường trong đó ưu tiên cho những đối tượng nguy cơ cao.

Theo WHO, giai đoạn này rất quan trọng để Việt Nam thực hiện tiêm liều tăng cường cho người dân. “Chúng ta không thể coi COVID-19 là bệnh nhẹ vì ngay cả tiêm vaccine rồi vẫn mắc bệnh. Trong khi đó các quốc gia vẫn đang lưu hành các biến thể mới. Trên toàn cầu các biến thể mới ngày càng gia tăng làm tăng số mắc trên toàn cầu”- chuyên gia WHO lưu ý.

TS Vương Ánh Dương cho biết thêm: Các bằng chứng khoa học cho đến hiện nay đã chỉ ra rằng, hiệu quả bảo vệ của vaccine để phòng mắc COVID-19 là trên 50%.

Cụ thể, một nghiên cứu gần đây do Tạp chí y khoa hàng đầu thế giới NEJM công bố, cho thấy hiệu quả bảo vệ sau tiêm mũi thứ 4 có thể ghi nhận ở cả 5 cấp độ của bệnh, bao gồm hiệu quả bảo vệ khỏi mắc bệnh, mắc bệnh có triệu chứng, mắc bệnh phải nhập viện, mắc bệnh nhập viện thể nặng nguy kịch và mắc bệnh dẫn đến tử vong, cụ thể như sau:

Hiệu quả bảo vệ khỏi mắc COVID-19 là 52%;

Hiệu quả bảo vệ khỏi mắc ở thể nhẹ có triệu chứng là 61%;

Hiệu quả bảo vệ khỏi nguy cơ nhập viện do mắc COVID-19 là 72%;

Hiệu quả bảo vệ khỏi mắc COVID-19 ở thể nặng, nguy kịch là 64%;

Hiệu quả bảo vệ khỏi nguy cơ tử vong do mắc COVID-19 là 76%.

Theo SK&ĐS

Chủ đề Phòng chống dịch Covid-19

Đọc thêm

Áp thấp tan dần, bão USAGI có gió giật cấp 15

Áp thấp tan dần, bão USAGI có gió giật cấp 15

Theo Đài Khí tượng thủy văn Hà Tĩnh, hồi 7 giờ sáng nay, vị trí tâm bão USAGI ở trên vùng biển phía Bắc đảo Lu Dông (Philippin); sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 (117-133km/h), giật cấp 15
Bệnh tuyến giáp ở nam giới có nguy hiểm?

Bệnh tuyến giáp ở nam giới có nguy hiểm?

Thông thường các bệnh về tuyến giáp phổ biến hơn ở nữ giới. Nguyên nhân là do sự khác biệt về cấu tạo và chức năng sinh lý khiến tỷ lệ mắc bệnh tuyến giáp ở nữ cao hơn nam giới. Vậy, ở nam giới thường mắc các bệnh tuyến giáp như nào?
Tin nhanh diễn biến cơn bão số 8

Tin nhanh diễn biến cơn bão số 8

Đài Khí tượng thủy văn Hà Tĩnh cho biết, vùng biển phía Bắc khu vực Bắc Biển Đông gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8-9, giật cấp 11, sóng biển cao 2,0-4,0m.
Dị ứng thời tiết có nguy hiểm không?

Dị ứng thời tiết có nguy hiểm không?

Dị ứng thời tiết xuất hiện quanh năm, đặc biệt là thời điểm giao mùa gây cảm giác rất khó chịu cho người bệnh. Dị ứng thời tiết có nguy hiểm không?
Chế độ ăn cho người bệnh suy giáp bẩm sinh

Chế độ ăn cho người bệnh suy giáp bẩm sinh

Với bệnh nhân suy giáp bẩm sinh, ngoài việc tuân thủ dùng thuốc theo phác đồ điều trị, chế độ dinh dưỡng cũng đóng một vai trò quan trọng đối với chức năng tuyến giáp, giúp cải thiện các triệu chứng của bệnh, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Tin mới nhất về cơn bão Toraji

Tin mới nhất về cơn bão Toraji

Đài Khí tượng thủy văn Hà Tĩnh cho biết, từ 72 đến 120 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, sau có khả năng đổi hướng Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được 5-10km.
Biển Đông sắp xuất hiện cơn bão mới

Biển Đông sắp xuất hiện cơn bão mới

Theo thông tin từ Đài Khí tượng thủy văn Hà Tĩnh, do tác động của Toraji, từ đêm 10/11, vùng biển phía Đông khu vực Bắc Biển Đông gió mạnh cấp 6-7, sau tăng lên cấp 8, vùng gần tâm bão đi qua cấp 9-10, giật cấp 12.