Các nguồn tài trợ thường được dùng để mua sắm bàn ghế.
Trước thềm năm học 2022 - 2023, việc thực hiện vận động, tài trợ mua bàn ghế cho học sinh tại Trường Tiểu học Kỳ Trinh (thị xã Kỳ Anh) đã tạo dư luận không tốt, ảnh hưởng đến công tác huy động xã hội hoá giáo dục chung. UBND thị xã Kỳ Anh và Phòng GD&ĐT thị xã đã làm rõ sự việc, nghiêm khắc phê bình tập thể, ban giám hiệu nhà trường, các giáo viên liên quan, đồng thời yêu cầu tập thể và các cá nhân liên quan nghiêm túc kiểm điểm, chấn chỉnh.
Cô Nguyễn Thị Tường Vân - Phó Trưởng phòng GD&ĐT thị xã Kỳ Anh cho biết: “Thực tế cho thấy, với cơ sở vật chất đã xuống cấp thì việc thực hiện huy động, tài trợ từ nguồn xã hội hóa nhằm tạo thêm nguồn lực đầu tư, hỗ trợ mua sắm trang thiết bị dạy và học ở Trường Tiểu học Kỳ Trinh là cần thiết, đúng đắn và phù hợp. Tuy nhiên, quá trình thực hiện, ban giám hiệu, các giáo viên, hội phụ huynh của trường chưa bám sát quy định về nguyên tắc trong vận động, tiếp nhận tài trợ, gây hiểu nhầm về chủ trương của tỉnh trong việc huy động hỗ trợ, tài trợ đầu năm học”.
Từ sự việc đáng tiếc nói trên, trong những ngày đầu năm học mới, Sở GD&ĐT tiếp tục tăng cường chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, phòng GD&ĐT thực hiện nghiêm tinh thần chỉ đạo tại Công văn số 5027/UBND-VX ngày 31/7/2019 của UBND tỉnh “về việc hướng dẫn vận động, tiếp nhận, quản lý và sử dụng các khoản tài trợ cho cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh” (sau đây gọi tắt là Công văn 5027).
Thực hiện chỉ đạo của ngành, trong quá trình triển khai nhiệm vụ năm học, các phòng GD&ĐT đã ban hành các văn bản, đồng thời thường xuyên nhắc nhở, quán triệt chủ trương chung đến các nhà trường.
Nguồn tài trợ cũng được đầu tư các trang thiết bị, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục.
Tại Phòng GD&ĐT Thạch Hà, việc ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện các khoản thu năm học 2022 - 2023 đã được thực hiện từ sớm. Công văn cũng hướng dẫn cụ thể các bước thực hiện vận động tài trợ.
Cô Nguyễn Thị Thanh Nga - Trưởng phòng GD&ĐT Thạch Hà thông tin: "Các trường chỉ được vận động hoặc tiếp nhận các khoản tài trợ để thực hiện nội dung: trang bị thiết bị, đồ dùng phục vụ dạy học, cải tạo, sửa chữa, xây dựng các hạng mục công trình phục vụ hoạt động giáo dục. Kế hoạch tổ chức, vận động, tiếp nhận tài trợ của các nhà trường phải được hội đồng trường thông qua, được UBND xã, phường, thị trấn đồng ý và phòng GD&ĐT thẩm định, phê duyệt”.
Theo Nghị quyết số 41/2021/NQ-HĐND tỉnh ngày 16/12/2021, hiện nay, định mức chi cho sự nghiệp giáo dục đảm bảo tối đa 81% cho các khoản tiền lương, phụ cấp và các khoản có tính chất lương như: bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp của giáo viên; chi thường xuyên cho các khoản giảng dạy học tập (gồm văn phòng phẩm, điện, nước…) tối thiểu 19%.
Ngân sách Nhà nước không đáp ứng đủ cho các nhu cầu sửa chữa, mua sắm thiết bị phục vụ dạy học nên việc xã hội hóa huy động nguồn lực để nâng cao chất lượng giáo dục, đáp ứng yêu cầu đổi mới là điều hết sức cần thiết. Tuy nhiên, để quá trình thực hiện vận động và nhận tài trợ tạo được đồng thuận trong phụ huynh, việc phát huy vai trò của người đứng đầu trong các cơ sở giáo dục là điều hết sức quan trọng.
Cô Trần Thị Thu Cúc - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thạch Quý (TP Hà Tĩnh) chia sẻ: “Công văn 5027 giao quyền cho thủ trưởng các cơ sở giáo dục làm trưởng ban vận động tài trợ, chịu trách nhiệm chính trong toàn bộ quá trình vận động, tiếp nhận, quản lý và sử dụng tài trợ. Quá trình vận động tài trợ của trường được triển khai theo đúng các bước. Ngoài ra, việc huy động tài trợ cũng được cân đối giữa nhu cầu nguồn lực tăng cường vật chất trong trường học với đời sống, thu nhập của phụ huynh để có kế hoạch vận động phù hợp”.
Trường Tiểu học Thạch Quý hiện đang tiến hành các bước vận động tự nguyện để bổ sung trang thiết bị dạy học.
Đồng hành với các phòng GD&ĐT, các nhà trường trong việc thực hiện vận động tài trợ, chính quyền các địa phương cũng tăng cường chỉ đạo để tránh tình trạng lạm thu. Ông Nguyễn Tiến Dũng - Phó Chủ tịch UBND huyện Can Lộc cho biết: “Ngoài việc nhắc nhở ngành GD&ĐT thực hiện theo Công văn 5027, chúng tôi cũng chỉ đạo UBND các xã, thị trấn phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của thành viên ban vận động tài trợ; tăng cường đôn đốc, giám sát, kiểm tra việc tổ chức thực hiện tài trợ, tạo sự đồng thuận trong Nhân dân”.
Nhằm đảm bảo các điều kiện về trang thiết bị, đáp ứng yêu cầu giảng dạy và học tập trong năm học mới, các cơ sở giáo dục trên địa bàn đang triển khai vận động tài trợ đối với phụ huynh. Sự vào cuộc đồng bộ của ngành GD&ĐT, chính quyền các địa phương trong việc thực hiện và tăng cường kiểm soát ngay từ thời điểm khởi động thu đầu năm học mới là giải pháp quan trọng, tránh để xảy ra tình trạng lạm thu.
Vận động các khoản tài trợ tại các nhà trường để chăm lo cho sự nghiệp giáo dục là điều hết sức cần thiết trong điều kiện nguồn ngân sách không đáp ứng đủ cho các nhu cầu sửa chữa, mua sắm thiết bị phục vụ dạy học. Tuy nhiên, để thực hiện vấn đề này một cách công khai, minh bạch, đúng quy trình, quy định về quản lý thu, chi tài chính, ngoài việc chỉ đạo thực hiện nghiêm các bước hướng dẫn, quy định trong Công văn 5027, Sở GD&ĐT cũng chỉ đạo tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra để kịp thời chấn chỉnh, xử lý những sai sót, tạo đồng thuận trong phụ huynh.