Chiều một ngày cận tết, chúng tôi đến thăm nhà chị Trần Thị Yến và rất ngạc nhiên khi người phụ nữ này đi làm đồng từ sáng sớm vẫn chưa về. Trong nhà, người mẹ già 85 tuổi và đứa con trai học lớp 8 đang mong ngóng chị về nấu bữa cơm trưa. Em trai chị Yến là Trần Văn Sơn (SN1983) bị bệnh thần kinh thì đi lang thang chưa biết lúc nào về.
Căn nhà tình nghĩa này được chính quyền và bà con lối xóm đóng góp xây dựng từ năm 2015...
... nhưng nay đã xuống cấp, ẩm thấp.
Bản thân bị dị tật từ nhỏ, lại không được minh mẫn, chị Yến không thể nhớ rõ thời điểm cùng mẹ già và người thân di cư từ xã Xuân Hải (Nghi Xuân) lên định cư tại xã Xuân Hồng (Nghi Xuân). Chỉ biết rằng, họ hàng, nội ngoại giờ chẳng còn một ai.
Thường ngày chị Yến cùng mẹ già và con trai ngủ trên một chiếc giường cũ chật hẹp.
Cha chị Yến đã mất cách đây khá lâu, người anh trai sinh năm 1974 bỏ nhà đi biền biệt không rõ còn sống hay đã chết. Hơn 10 năm trước, sau một trận ốm, anh Trần Văn Sơn (em trai) bỗng dưng phát bệnh tâm thần.
“Ban đầu, Sơn chỉ nằm trên giường quấn chăn bông kín mít bất cứ mùa đông hay mùa hè. Những năm lại đây, Sơn trở bệnh nặng hơn, suốt ngày đi lang thang quên cả đường về” - chị Yến buồn bã nói.
Người mẹ già 85 tuổi và cậu em trai bị bệnh tâm thần của chị Yến
Cháu Trần Hiếu (SN 2008) ra đời là niềm hy vọng duy nhất của chị. Là mẹ đơn thân, đối diện với muôn vàn khó khăn nhưng chị đã nỗ lực vượt qua để làm việc, chăm lo cho con trai. Thế nhưng, trớ trêu thay, càng lớn, đôi chân của cháu Hiếu càng yếu và nhận thức cũng hạn chế.
Nhà không có bàn, mỗi tối, chị Yến lại cùng con làm bài tập trên những chiếc ghế
Khi Hiếu đến tuổi đi học, chị Yến không muốn cho con đến trường vì sợ con phát triển không bình thường, sẽ tự ti với bạn bè. Hơn nữa, với gia cảnh éo le của gia đình chị, các khoản chi phí để nuôi con ăn học là quá sức. Chia sẻ với hoàn cảnh gia đình, hàng xóm, đại diện trường học đã tới tận nhà để vận động cho Hiếu được tới trường, giúp em hòa nhập cộng đồng.
“Khi học cấp 1, Hiếu không thể đi lại được. Hằng ngày, tôi phải cõng con tới trường, giờ tan học lại đến để cõng con về. Lên cấp 2, cháu tập vận động nhưng rất yếu, hơn nữa nhà cách trường 5 km, tôi phải đưa con ra đầu ngõ xin các bạn đi nhờ xe để đến trường” - chị Yến chia sẻ.
Đôi chân bị dị tật, ngày ngày chị Yến vẫn hỗ trợ con đến trường.
Thầy Nguyễn Đại Thắng – Phó Hiệu trưởng Trường THCS Lam Hồng cho biết: “Hiếu là học sinh đặc biệt nên nhà trường, giáo viên đều rất quan tâm hỗ trợ em trong học tập cũng như hoạt động phong trào. Hằng năm, ngoài việc không thu các khoản vận động tài trợ, nhà trường còn tặng toàn bộ sách vở; ưu tiên các suất quà dịp lễ, tết. Đồng thời, vận động các bạn học gần nhà hỗ trợ em tới trường; giúp em hòa nhập cộng đồng”.
Chị Yến hàng ngày vẫn phải chăm bón mấy sào ruộng, nhưng sức khỏe yếu, một mình chị không kham nổi phải thuê mướn nên thu nhập cũng chẳng đáng là bao.
Cuộc sống gia đình khó khăn, nhiều bữa ăn chỉ có cơm rau
Số tiền 2 triệu đồng chế độ dành cho người khuyết tật của Nhà nước là nguồn sống chủ yếu của 4 con người già yếu, bệnh tật.
Mọi công việc của gia đình đều trông chờ vào đôi tay chị Yến
Nước mắt chực rơi, chị Yến lo lắng khi sức khỏe ngày một yếu thì không biết ai sẽ là người chăm sóc cho những người thân đau ốm, tật nguyền.
Ông Nguyễn Thanh Hải - Trưởng thôn 5 cho biết: “Gia đình chị Yến thuộc diện hộ khó khăn đặc biệt. Thời gian qua, chính quyền, đoàn thể và bà con lối xóm thường xuyên quan tâm giúp đỡ, hỗ trợ nhưng cũng chỉ được một phần rất nhỏ. Qua Báo Hà Tĩnh, mong các nhà hảo tâm, các mạnh thường quân cùng chung tay, san sẻ tình thương để gia đình chị có thêm nguồn lực và nghị lực vượt qua nghịch cảnh”.
Mọi sự giúp đỡ xin gửi về: Chị Trần Thị Yến (SN 1976, thôn 5, xã Xuân Hồng, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh). Hoặc Báo Hà Tĩnh: Địa chỉ: số 223, đường Nguyễn Huy Tự, TP Hà Tĩnh. Số tài khoản: 0201000445566, tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCB) - Chi nhánh Hà Tĩnh. Nội dung ủng hộ: “Ủng hộ hoàn cảnh MS2302 - chị Yến” |