Mùa Đông thử thách thứ hai

Với tổng số ca tử vong do COVID-19 vượt ngưỡng 1,5 triệu người trong tuần qua, châu Âu thực sự đối mặt “mùa Đông thử thách” thứ hai sau gần 2 năm dịch bùng phát.

Nguy cơ phải đón thêm một mùa Giáng sinh và Năm mới nữa trong trạng thái hạn chế có vẻ càng trở nên hiện hữu với sự xuất hiện của biến thể mới Omicron, vốn được đánh giá là nguy hiểm hơn đáng kể so với biến thể Delta đang hoành hành.

Mùa Đông thử thách thứ hai

Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân COVID-19 bằng máy bay của quân đội, tại sân bay Memmingen, Bavaria, miền Nam Đức ngày 26/11/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong số 3,87 triệu ca mắc COVID-19 được ghi nhận trên thế giới trong tuần qua, riêng châu Âu chiếm tới 2,5 triệu ca (tăng 15%). Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh châu ÂU (ECDC), hiện tỷ lệ lây nhiễm trung bình tại hầu hết các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) là trên 500 ca/100.000 dân. Đáng chú ý, số ca mắc COVID-19 theo ngày ở Đức, Áo, Hà Lan, Slovakia, CH Séc, Hungary… liên tục chạm các mốc kỷ lục mới trong bối cảnh nhiều nước bước vào mùa Đông.

Giám đốc WHO khu vực châu Âu Hans Kluge cảnh báo, với 49/53 quốc gia có nguy cơ rơi vào cảnh quá tải ở các khu điều trị tích cực, châu Âu có thể ghi nhận thêm 700.000 ca tử vong do COVID-19 vào mùa Xuân tới, đưa tổng số ca tử vong vì căn bệnh này lên 2,2 triệu ca.

Trong khi đó, Thủ tướng Đức Angela Merkel miêu tả tình hình dịch hiện nay tại nền kinh tế lớn nhất châu Âu là “trầm trọng nhất” kể từ khi đại dịch bùng phát đến nay và có thể tiếp tục xấu đi trong những ngày tới, gây sức ép khổng lồ cho hệ thống y tế và vắt kiệt sức của đội ngũ nhân viên y tế.

Trước những diễn biến nghiêm trọng của dịch bệnh, Áo là quốc gia đầu tiên ở Tây Âu tái áp đặt phong tỏa toàn quốc, tiếp đó một loạt nước như Đức, Hà Lan, Italy, Slovakia cũng ban hành nhiều quy định phòng chống dịch. Đáng chú ý, các biện pháp hạn chế được siết chặt đối với những người chưa tiêm chủng, trong bối cảnh chênh lệch về tỷ lệ tiêm vaccine giữa các vùng trong một nước, giữa các nước trong khu vực được xem là “lỗ hổng” khiến biến thể Delta có thể len lỏi và thổi bùng các đợt bùng phát mới.

Trong bối cảnh đó, việc biến thể mới Omicron siêu đột biến từ châu Phi đã xuất hiện tại Bỉ đang đặt châu Âu đứng trước thách thức mới. Liên minh châu Âu (EU) ngày 26/11 đã đề xuất dừng mọi hoạt động đi lại hàng không với khu vực miền Nam châu Phi. Italy, CH Séc ban bố lệnh cấm nhập cảnh và cấm đi lại với các nước miền Nam châu Phi. Anh cũng nhanh chóng ban hành lệnh cấm bay từ Nam Phi, Namibia, Bostwana, Zimbabwe, Lesotho và Eswatini, trong khi Ireland cân nhắc tái khởi động cơ chế cách ly bắt buộc tại khách sạn, sau khi nước này khuyến cáo tránh hoạt động đi lại không thiết yếu tới 7 quốc gia ở miền Nam châu Phi.

Trong bối cảnh dịch bệnh chưa được kiểm soát, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen đã kêu gọi đẩy mạnh tiêm vaccine ở EU, nơi hiện có gần 25% dân số trưởng thành vẫn chưa tiêm phòng đầy đủ. Bà Von der Leyen cho biết EU có đủ lượng vaccine để tiêm phòng và sẽ chuyển 1 tỷ liều cho các quốc gia thành viên vào cuối tuần này.

Bà Von der Leyen cũng ủng hộ việc tiêm nhắc lại vaccine sau 6 tháng. Ngoài ra, để mở rộng nhóm đối tượng được bảo vệ với vaccine, Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) ngày 25/11 đã khuyến nghị tiêm vaccine của hãng Pfizer/BioNTech cho trẻ em từ 5-11 tuổi. Trước đó, việc sử dụng vaccine này cho trẻ ở độ tuổi tương tự đã được Mỹ và Canada chấp thuận. EMA cũng đang xem xét phê duyệt vaccine của Moderna dành cho trẻ em từ 6 tuổi.

Ở các khu vực khác, dịch bệnh có phần lắng dịu hơn, nhưng thông tin về “siêu biến thể” Omicron thực sự đang phủ bóng đen lên nỗ lực chống dịch COVID-19 của nhiều nước, đặc biệt trước thềm mùa lễ hội cuối năm là dịp nhiều người đi du lịch, tụ tập mua sắm hoặc sum họp gia đình. “Biến thể mới có vẻ lan truyền nhanh. Chúng ta cần phải hết sức đề phòng”.

Cảnh báo của Tổng thống Mỹ Joe Biden được đưa ra chỉ một ngày sau khi hàng triệu gia đình trên khắp nước này hân hoan sum họp đón lễ Tạ ơn và tận hưởng cảm giác cuộc sống dần trở lại bình thường. Mỹ, Canada đã áp dụng lệnh tạm thời cấm nhập cảnh với những người đến từ 8 quốc gia miền Nam châu Phi.

Mùa Đông thử thách thứ hai

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Tel Aviv, Israel. Ảnh: AFP/TTXVN

Tại châu Á, Israel - một trong những quốc gia đầu tiên ghi nhận sự xuất hiện biến thể Omicron mặc dù có tỷ lệ tiêm chủng cao, thông báo đóng cửa biên giới đối với du khách đến từ một loạt quốc gia châu Phi, đồng thời yêu cầu cách ly bắt buộc đối với công dân Israel trở về từ các quốc gia này. Trong khi đó, Singapore và Nhật Bản hạn chế người nhập cảnh từ một số quốc gia châu Phi. Ấn Độ cũng đang siết chặt việc kiểm tra và sàng lọc du khách quốc tế đến từ Nam Phi và các nước có nguy cơ cao.

Những diễn biến dịch ở châu Âu - khu vực đi đầu về tiêm chủng cùng với sự xuất hiện của biến thể siêu đột biến Omicron xảy ra khi người dân nhiều nơi bắt đầu cảm thấy mình đã được vaccine bảo vệ và có tâm lý “xả hơi” dịp cuối năm sau thời gian dài phải thực hiện các biện pháp hạn chế. Theo nhà báo Elly Burhaini, phụ trách mảng y tế của tờ Jakarta Post (Indonesia), những gì diễn ra ở châu Âu cho thấy sự cần thiết phải đẩy nhanh việc tiêm mũi tăng cường, đồng thời hạn chế tối đa các hoạt động tập trung đông người trong dịp lễ Giáng sinh và Năm mới sắp tới.

Báo cáo của WHO cho biết các loại vaccine phòng COVID-19 giúp giảm khoảng 40% nguy cơ lây nhiễm biến thể Delta của virus SARS-CoV-2, nhưng không nên quá phụ thuộc vào việc tiêm phòng mà lơ là các biện pháp bảo vệ khác. Cơ quan y tế của Liên hợp quốc bày tỏ lo ngại việc người dân lầm tưởng rằng đại dịch đã chấm dứt sau khi có vaccine và những người đã tiêm phòng nghĩ rằng không cần đề phòng nữa.

Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus kêu gọi những người đã tiêm phòng tiếp tục tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch COVID-19.

Cùng với tiêm phòng và đảm bảo giãn cách, ý thức người dân cũng là yếu tố quan trọng để đảm bảo “sống chung an toàn với COVID-19”, mà bài học của Nhật Bản được xem là điển hình nhất. Thời gian gần đây, Nhật Bản liên tục ghi nhận số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 giảm xuống mức thấp nhất trong hơn một năm và cũng đã ghi nhận ngày không ghi nhận ca tử vong nào do COVID-19.

Theo ông Takeshi Urano - giáo sư chuyên ngành y tại Đại học Shimane, chính tâm lý duy trì cảnh giác của người dân là một trong những điều tạo nên sự khác biệt trong bức tranh chống dịch ở Nhật Bản.

Giáo sư này khẳng định điều giúp Nhật Bản dường như tránh được làn sóng lây nhiễm mới giống như những gì đang diễn ra ở các nước có tỷ lệ bao phủ vaccine cao khác là người Nhật tin rằng làn sóng thứ sáu sắp đến và chưa buông lỏng cảnh giác, như đeo khẩu trang và giãn cách xã hội.

Mùa Đông thử thách thứ hai

Khám sàng lọc sức khỏe trước khi tiêm cho học sinh tại trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh Nghệ An. Ảnh: Bích Huệ/TTXVN

Tại Việt Nam, chiến dịch tiêm vaccine cho trẻ từ 12-17 tuổi chính thức triển khai từ đầu tháng 11/2021 trên toàn quốc, theo lộ trình từ lứa tuổi cao đến thấp, ưu tiên tiêm trước cho nhóm 16-17 tuổi và hạ dần độ tuổi theo tiến độ cung ứng vaccine và tình hình dịch tại địa phương. Việc tiêm chủng cho trẻ em được tiến hành trước tại các địa phương đã trải qua đợt giãn cách xã hội, có tỷ lệ mắc COVID-19 cao; các địa phương có mật độ dân số đông, nguy cơ lây nhiễm cao.

Song song với tổ chức tiêm chủng cho trẻ em 12-17 tuổi, Bộ Y tế yêu cầu các địa phương đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine phòng COVID-19 mũi 1; bao phủ vaccine cho nhóm người từ 50 tuổi trở lên để bảo vệ họ trước nguy cơ mắc bệnh nặng và giảm nguy cơ tử vong nếu không may mắc bệnh. Việc đề cao ý thức, trách nhiệm của người dân cũng là một trong những biện pháp bên cạnh nguyên tắc 5K, vaccine, thuốc điều trị, biện pháp điều trị và công nghệ.

Thế giới đã bước vào mùa Đông thứ hai đối phó với đại dịch COVID-19. Lúc này, ý thức phòng chống dịch của mỗi người càng trở nên quan trọng khi mà virus vẫn không ngừng biến đổi, chưa có thuốc đặc trị hiệu quả và nguồn cung vaccine còn khan hiếm. Chỉ khi tất cả những biện pháp này được triển khai đồng bộ thì mới tạo được một “lá chắn” đủ mạnh để kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, sớm đưa cuộc sống trở lại trạng thái “bình thường mới”. Điều này càng trở nên cần thiết hơn bao giờ hết khi nhiều nước chuẩn bị bước vào dịp nghỉ lễ Giáng sinh và Năm mới.

Theo TTXVN

Chủ đề Phòng chống dịch Covid-19

Đọc thêm

Bạo lực gia tăng tại Colombia

Bạo lực gia tăng tại Colombia

Ngày 19/1, Lực lượng quân đội Colombia cho biết sẽ tăng cường các hoạt động ở khu vực Tây Bắc đất nước để ngăn chặn làn sóng bạo lực bùng phát trong những ngày qua.
WMO cảnh báo khẩn về khí hậu toàn cầu

WMO cảnh báo khẩn về khí hậu toàn cầu

Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) xác nhận rằng năm 2024 là năm nóng nhất từng được ghi nhận, đánh dấu một cột mốc đáng lo ngại về biến đổi khí hậu toàn cầu.