Mưa lớn gây nguy cơ tụt giảm năng suất nông nghiệp

(Baohatinh.vn) - Đã bước sang ngày thứ 3, những trận mưa xối xả vẫn hề không giảm cường độ, đổ dồn dập xuống đồng lúa, hoa màu chuẩn bị đến ngày hái quả. Hàng nghìn ha lúa có nguy cơ tụt giảm năng suất, hàng trăm ha rau, màu mất trắng bởi trận mưa tai ương này…

>> Hoa màu ngập úng, nông dân xót xa!

Cánh đồng xóm 2, xã Cẩm Huy (Cẩm Xuyên) lúa đã trổ rộ phần lớn diện tích. Thời điểm chúng tôi có mặt, trời mưa như trút nước, đánh tơi tả vào những bông lúa vừa đơm bông khiến cho nhiều thửa ruộng bị gãy đổ, bổ rạp xuống nước.

Ngao ngán nhìn trời, anh Trần Đức Toàn cho biết: “Nhà tôi làm 4 sào, mới chỉ mấy ngày trước lúa trổ đều đẹp, thế mà chưa kịp mừng thì mưa ập xuống. Kiểu này chắc trời cho thấy chứ chẳng cho ăn rồi”.

Lãnh đạo Sở NN&PTNT cùng cán bộ kỹ thuật kiểm tra tình hình thiệt hại cây lúa, hoa màu tại địa bàn Cẩm Xuyên trong chiều 24/4

Hiện, Cẩm Xuyên là một trong những địa phương có tỷ lệ trổ bông lớn nhất tỉnh, với khoảng 90% diện tích. Ông Lê Ngọc Hà - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Cẩm Xuyên cho hay: “Trong số này, có khoảng 40% diện tích đã trổ trước mưa khoảng 10 ngày. Đến thời điểm này, lúa đã cúi bông, nguy cơ ảnh hưởng đến năng suất sẽ ít hơn, điều mà chúng tôi lo ngại nhất là 50% (khoảng 4.000 ha- PV) đang trổ và phơi màu. Mưa lớn đã gây ra tố, nếu trời vẫn tiếp tục mưa chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến quá trình thụ phấn của lúa, thiệt hại năng suất là rất lớn”.

Dù chỉ mới xảy ra mưa lớn từ trưa 23/3 đến đêm 24/4, nhưng nhiều đồng lúa, đồng rau của Cẩm Xuyên đã bị ngâm trong nước, gây ra ngập cục bộ. Phương án cứu cây trồng vụ xuân duy nhất mà người nông dân vùng lúa này có thể làm đó là xuống đồng bó lúa để chống đổ ngã và tiêu úng ngay khi mưa ngớt.

Mưa lớn khiến cho nhiều thửa ruộng bị ngập nước, lúa gãy đổ, bổ rạp

Trong những ngày qua, thành phố Hà Tĩnh là địa phương có lượng mưa lớn nhất tỉnh. Lượng mưa đo được ở Thạch Đồng vào sáng 24/4 đạt 325 mm, cao nhất tỉnh. Mưa lớn đã làm nhiều ha lúa, hoa màu ở vùng Thạch Hưng, Thạch Đồng bị ảnh hưởng nặng nề.

Ông Nguyễn Văn Thuyết, thôn Kinh Trung, xã Thạch Đồng cho biết: “Vùng đồng trũng nên gió lốc lớn lắm, chỉ mấy ngày mưa mà lúa nhà tôi đã bổ rạp xuống cả. Khổ nỗi, đã ngâm trong nước rồi, có bó dựng dậy thì ít hôm cũng bị nắng đốt cháy. Mùa này không khéo mà gieo lúa gặt rơm cũng chẳng chơi! Ngay cả đồng rau màu, nào cải, nào dền, rau thơm tưởng sẽ ra chợ bán trong mấy ngày nữa cũng mất trắng rồi!”. Theo tay ông chỉ, những đồng màu, ngoài ruộng có, trong vườn nhà có trắng xóa một màu trắng bạc, tan tác vì mưa.

Phần lớn diện tích dưa của các xã biển ngang huyện Thạch Hà bị hư hại

Ông Bùi Quang Hoàn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: “Đến thời điểm này, các loại cây trồng đang bước vào giai đoạn sinh trưởng quan trọng nhất. Lúa xuân đã trổ bông 60% diện tích, cây lạc đang bước vào giai đoạn phát triển củ; rau màu, dưa đang chuẩn bị thu hoạch. Dù chưa thể khẳng định con số cụ thể về thiệt hại mà trận mưa lớn gây ra, nhưng chắc chắn cây trồng sẽ sụt giảm đáng kể về năng suất. Trong điều kiện này, các địa phương cần tập trung rà soát, kiểm tra đồng ruộng và có phương án tiêu úng kịp thời, nhất thiết phải tháo nước ra khỏi ruộng ngay khi có thể. Đối với những ruộng cao cạn thì thực hiện biện pháp đắp bờ, giữ nước”.

Người ta vẫn bảo “Mưa tháng 3, ra mọi chuyện”, nếu đúng quy luật thì đợt mưa này đúng vào tiết Cốc vũ, thời tiết chuyển mưa rào, có sấm chớp. Đó là lý do mà ngành chuyên môn bố trí lịch nông vụ để cây lúa trổ bông vào khung tiết này (20/4- 5/5), cây trồng sẽ cung cấp lượng đạm quý cho đồng ruộng trổ bông, đơm quả. Sự xuất hiện của những trận mưa vừa qua không trái quy luật, cái bất thường lại nằm ở hình thái của nó. Mưa lớn, thời gian kéo dài và kéo theo nhiệt độ hạ thấp do ảnh hưởng của không khí lạnh. Đối với cây trồng mà nói, điều kiện thời tiết này là bất khả kháng.

Người dân cho biết, ngay khi nước rút, số dưa này sẽ không có khả năng sống sót

Trong khi các địa phương như TP. Hà Tĩnh, Thạch Hà, Cẩm Xuyên mưa tối mắt, tối trời thì lượng mưa ở vùng cao như Hương Sơn, Hương Khê, Đức Thọ lại không đáng kể. Lượng mưa vào 7h sáng 24/4 ở các trạm quan trắc là: Chu Lễ 36,2 mm, Sơn Diệm 16,7 mm, Hòa Duyệt 24,4 mm và Linh Cảm 8mm. Bởi thế mà, lượng nước bổ sung cho hồ đập, giải cứu hạn hán là điều khó xảy ra.

Theo dự báo của Trung tâm KTTV Trung ương, Đài KTTV tỉnh thì hiện tượng thời tiết có mưa, dông sẽ còn kéo dài đến hết tháng 4. Kiểu thời tiết này đang khiến cho cây trồng khó có khả năng quang hợp, phát triển trong giai đoạn sinh trưởng cuối cùng này.

Mất mùa, thất bát đang là nỗi lo nhãn tiền đối với người nông dân Hà Tĩnh !

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói