Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (USINDOPACOM) của Mỹ ngày 1/5 cho biết phát hiện “tín hiệu radar không xác định ở vùng lân cận đảo Hawaii ngày 28/4”.
“Bộ chỉ huy Không quân Thái Bình Dương điều ba tiêm kích F-22 đánh giá tình hình và xác định đó là một vật thể hình cầu”, USINDOPACOM thông báo. “Chúng tôi theo dõi quá trình di chuyển của vật thể và đánh giá nó không gây ra mối đe dọa nào”.
Phát ngôn viên Lầu Năm Góc sau đó nói khí cầu bay ở độ cao hơn 10.000 m. “Chưa rõ chủ sở hữu của khí cầu. Không có dấu hiệu cho thấy tác nhân nước ngoài hoặc đối thủ điều khiển vật thể”, người này cho biết.
Tiêm kích tàng hình F-22 Mỹ bay trên khu vực quần đảo Hawaii tháng 12/2019. Ảnh: USAF
Lầu Năm Góc khẳng định khí cầu nói trên không bay qua khu vực đặt cơ sở quốc phòng quan trọng hoặc các địa điểm nhạy cảm khác của Mỹ . Khí cầu này không phải mối đe dọa quân sự, không làm mất an toàn hàng không hoặc gây nguy hiểm cho dân thường dưới đất.
Lần gần nhất Mỹ điều tiêm kích giám sát khí cầu chưa xác định là vào ngày 25/3. Các phi công sau đó báo cáo phát hiện một khí cầu cỡ nhỏ và đánh giá vật thể không phải mối đe dọa quân sự hay gây nguy cơ mất an toàn hàng không.
Trước đó, Mỹ điều hai tiêm kích F-22 bắn rơi khí cầu Trung Quốc ngày 4/2 trên vùng biển ngoài khơi thành phố Myrtle Beach, bang Nam Carolina. Washington cho rằng đây là khí cầu do thám trong khi Bắc Kinh khẳng định đây là khí cầu thời tiết đi lạc. Trung Quốc chỉ trích Mỹ “phản ứng thái quá” khi bắn hạ khí cầu, dù đã được đề nghị xử lý vấn đề một cách bình tĩnh, chuyên nghiệp và kiềm chế.
Phe Cộng hòa và một số nghị sĩ Dân chủ cho rằng chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden phản ứng chậm khi vụ bắn hạ diễn 7 ngày sau khi khí cầu vào lãnh thổ Mỹ. Họ nhận định lời kể của các lãnh đạo Lầu Năm Góc mâu thuẫn nhau, cho thấy Tổng thống Biden và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin trì hoãn hành động.
Vị trí quần đảo Hawaii của Mỹ (chấm đỏ) ở Bắc Thái Bình Dương. Đồ họa: Google Maps