Mỹ điều tàu sân bay hướng về Triều Tiên

Trong bối cảnh căng thẳng sau vụ không kích Syria, một quan chức quốc phòng Mỹ tiết lộ Washington đang chuẩn bị triển khai nhóm tác chiến tàu sân bay USS Carl Vinson áp sát bán đảo Triều Tiên.

my dieu tau san bay huong ve trieu tien

Tàu sân bay USS Carl Vinson của Mỹ trong lần xuất hiện trên Biển Đông đầu tháng 3-2017 - Ảnh: Reuters

Nói với Reuters, một quan chức Mỹ giấu tên cho biết nhóm tác chiến tàu sân bay USS Carl Vinson sẽ di chuyển từ Singapore tới phía tây bán đảo Triều Tiên.

Biên đội này gồm tàu sân bay USS Carl Vinson cùng các tàu hộ tống, trong đó có các tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường lớp Arleigh Burke tương tự với hai chiếc tàu đã phát động cuộc tấn công bằng tên lửa Tomahawk vào Syria ngày 7-4.

Động thái này xuất phát từ việc CHDCND Triều Tiên trước đó đã bắn thử tên lửa Scud, quan chức này khẳng định. Loại tên lửa sử dụng nhiên liệu lỏng được Bình Nhưỡng bắn thử chỉ bay được khoảng 60km thì rơi xuống biển, theo Reuters.

Đây không phải là lần đầu tiên Mỹ đưa tàu sân bay áp sát vùng biển bán đảo Triều Tiên. Trước đó, trong các cuộc tập trận chung với Hàn Quốc, tàu sân bay Mỹ và các tàu hộ tống đã xuất hiện tại khu vực. Tuy nhiên, trong bối cảnh những căng thẳng xung quanh vụ không kích bằng tên lửa của Mỹ ở Syria vẫn chưa dứt, động thái của Washington là đáng chú ý.

Giới quan sát nhận định, một trong những lý do khiến Mỹ tấn công Syria là nhằm "dằn mặt" Trung Quốc về vấn đề Triều Tiên ngay trong thời điểm Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang thăm Mỹ.

Washington đã từng tuyên bố "chiến lược kiên nhẫn" của Mỹ đối với Triều Tiên đã kết thúc khi Bình Nhưỡng liên tục phát triển và bắn thử tên lửa. Nhóm cố vấn của Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng đã hoàn tất các phương án đối phó Triều Tiên, Reuters cho biết.

Tuy nhiên, theo một số chuyên gia quân sự, khả năng Mỹ tiến hành một vụ không kích tương tự vụ Syria vào Triều Tiên là không cao, do Bình Nhưỡng là một đồng minh thân cận của Trung Quốc, cộng với việc tên lửa của Triều Tiên đủ sức đe dọa các lực lượng của Mỹ và đồng minh ở Đông Á.

Cũng liên quan tới cuộc không kích vào Syria, tối 8-4, hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) đã phát đi một tuyên bố, gọi hành động của Mỹ nhắm vào Syria là "không thể tha thứ" và rằng quyết định phát triển vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng là "là một lựa chọn đúng đắn gấp triệu lần".

Chính quyền Bình Nhưỡng xem Syria do chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad đứng đầu là một đồng minh quan trọng. Hai nhà lãnh đạo Syria và Triều Tiên cũng đã chuyển tải các thông điệp hữu nghị và hợp tác trước khi xảy ra vụ tấn công của Mỹ, KCNA cho biết thêm.

Trong một thông báo cuối ngày 8-4, Hạm đội 3 của Hải quân Mỹ - nơi tàu USS Carl Vinson được biên chế, xác nhận biên đội tác chiến tàu sân bay nói trên đã hủy kế hoạch tới Úc và đang trên đường hướng về vùng biển phía bắc.

Thông báo không nói rõ địa điểm đến nhưng có chi tiết các tàu thuộc nhóm tác chiến sẽ hoạt động ở khu vực tây Thái Bình Dương.

Theo Tuổi trẻ

Đọc thêm

Các giai đoạn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước

Các giai đoạn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ trường kỳ, gian khổ với nhiều giai đoạn lịch sử, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân và dân ta đã anh dũng, kiên cường chiến đấu. Cuộc kháng chiến chống Mỹ giành thắng lợi đã giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, mở ra kỷ nguyên mới cho dân tộc Việt Nam.
Ngày 19/3/1975: Giải phóng Quảng Trị

Ngày 19/3/1975: Giải phóng Quảng Trị

Tại mặt trận Quảng Trị, đêm 18 rạng ngày 19/3/1975, các lực lượng ta đồng loạt tiến công vào tuyến phòng thủ của địch. Đến 18 giờ 30 phút cùng ngày, tỉnh Quảng Trị hoàn toàn được giải phóng.
Chủ quyền Việt Nam là bất khả xâm phạm

Chủ quyền Việt Nam là bất khả xâm phạm

Chẳng cần đến những chiến lược phức tạp hay kế hoạch được vạch ra từ trước, người Việt Nam có một bản năng mạnh mẽ là không bao giờ chấp nhận bất cứ hành vi nào xâm phạm đến chủ quyền đất nước.