Trước khi chính thức bị Raptor Aviation rao bán, chiếc tiêm kích 2 chỗ ngồi MiG-29UB được đăng ký vận hành tại thành phố Henderson, bang Nevada, nằm không xa thao trường huấn luyện và thử nghiệm lớn nhất của Không quân Mỹ.
Albert Heidinger, đại diện Raptor Aviation cho biết: "Chúng tôi đã nhận được một vài đề xuất nghiêm túc".
|
Thông tin chi tiết về chiếc MiG-29UB được rao bán. |
Dù không tiết lộ khách hàng cụ thể với chiếc tiêm kích này nhưng theo tuyên bố của công ty rao bán, bên muốn có chiếc MiG-29UB có thể là người đam mê hàng không giàu có, các công ty tư nhân chuyên đóng vai quân đỏ trong hoạt động tập trận của Mỹ hoặc không quân ở những quốc gia đang vận hành dòng MiG-29...
Theo thông tin được Raptor Aviation công khai khi rao bán, tiêm kích MiG-29UB hai chỗ ngồi được sản xuất năm 1986 tại nhà máy Kalyazinsky, phía bắc Moskva. Phi cơ còn tương đối mới với tổng cộng 818 giờ bay từ khi sản xuất, mới được đại tu ở nhà máy sửa chữa máy bay Lviv của Ukraine.
Chiến đấu cơ MiG-29UB được sơn màu xanh xám với biểu tượng ngôi sao của Không quân Vũ trụ Nga và số hiệu 37 sau quá trình sửa chữa. Toàn bộ hệ thống cảm biến và điều khiển hỏa lực đều được tháo bỏ để đáp ứng tiêu chuẩn hàng không Mỹ.
Phản ứng với việc Mỹ rao bán MiG-29UB, chuyên gia quân sự Tom Demerly nhận xét: "Một tiêm kích thế hệ 4 có uy lực, vừa trải qua nâng cấp được bán với mức giá 4,65 triệu USD là thương vụ có lời cho người mua.
Những phi cơ MiG-29 mới có giá 11-20 triệu USD, trong khi tiêm kích FC-1 Trung Quốc có tính năng kém hơn cũng đắt gấp gần 5 lần chiếc MiG-29UB được rao bán".
Nói về nguyên nhân khiến Mỹ rao bán chiếc chiến đấu cơ mà phải rất vất vả Mỹ mới có được, vị chuyên gia này cho rằng, có thể nguyên nhân đến từ việc MiG-29 không phải là tiêm kích chủ lực trong Không quân Nga, do đó việc nghiên cứu hoặc dùng MiG-29 trong huấn luyện với Mỹ không còn thực sự cần thiết.