Mỹ tăng cường sức ép với Thổ Nhĩ Kỳ về kế hoạch mua S-400

Bộ Ngoại giao Mỹ cảnh báo Thổ Nhĩ Kỳ sẽ phải đối mặt với các biện pháp trừng phạt nếu hoàn tất việc tiếp nhận hệ thống phòng không S-400 của Nga.

Phát biểu trong một buổi họp báo, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus khẳng định nước này sẵn sàng hợp tác với Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng Washington vẫn duy trì quan điểm rằng Ankara sẽ đối mặt với những hậu quả tiêu cực nếu hoàn thành việc tiếp nhận S-400.

Mỹ tăng cường sức ép với Thổ Nhĩ Kỳ về kế hoạch mua S-400

Hệ thống S-400 tại lễ diễu binh kỉ niệm Ngày Chiến thắng tại Nga. Ảnh: THX/TTXVN

Bà Ortagus nêu rõ, các hậu quả sẽ bao gồm việc Thổ Nhĩ Kỳ bị đình chỉ mua và tham gia chương trình phát triển máy bay chiến đấu F-35, cùng với đó là những biện pháp trừng phạt trong khuôn khổ Đạo luật Đáp trả các đối thủ của Mỹ thông qua trừng phạt (CAATSA).

Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan cũng đã có cuộc điện đàm về thương vụ S-400.

Trên mạng xã hội Twitter, Giám đốc truyền thông của Văn phòng Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Fahrettin Altun cho biết, trong cuộc điện đàm, ông Erdogan đã nhắc lại đề nghị thành lập một nhóm chuyên viên chung để giải đáp những quan ngại của Mỹ về việc Thổ Nhĩ Kỳ mua hệ thống tên lửa phòng không S-400,

Trong khi đó, tuyên bố của người phát ngôn Nhà Trắng Judd Deere không đề cập tới đề xuất của Tổng thống Erdogan về nhóm chuyên viên chung. Theo quan chức trên, ngoài thương vụ gây tranh cãi, hai bên còn thảo luận vấn đề thúc đẩy thương mại song phương và nhất trí sẽ gặp nhau bên lề Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), dự kiến diễn ta từ ngày 28 - 29/6 tới tại Nhật Bản.

Cuộc điện đàm diễn ra trong bối cảnh Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Hulusi Akar mới đây cho biết việc chuyển giao hệ thống S-400 của Nga cho Ankara "có thể bị trì hoãn đến sau tháng 6". Hồi tháng 4, chính Bộ trưởng Akar đã bày tỏ hy vọng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ được tiếp nhận S-400 vào tháng 6. Hầu hết các hệ thống tên lửa này sẽ được sử dụng để bảo vệ thủ đô Ankara và thành phố Istanbul.

Kế hoạch mua các tên lửa phòng không S-400 là nguyên nhân khiến quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ trở nên căng thẳng. Washington nhiều lần cảnh báo việc Ankara tích hợp công nghệ tên lửa của Nga với các máy bay chiến đấu do Mỹ sản xuất sẽ gây ra mối đe dọa cho máy bay F-35, gây "nguy hiểm" cho nền quốc phòng phương Tây.

Washington cũng cảnh báo Ankara có thể đối mặt với các biện pháp trừng phạt liên quan tới vấn đề này. Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định hệ thống S-400 sẽ tách biệt với cơ sở hạ tầng của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tại Thổ Nhĩ Kỳ và không liên quan tới F-35.

Theo VOV.VN

Đọc thêm

Các giai đoạn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước

Các giai đoạn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ trường kỳ, gian khổ với nhiều giai đoạn lịch sử, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân và dân ta đã anh dũng, kiên cường chiến đấu. Cuộc kháng chiến chống Mỹ giành thắng lợi đã giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, mở ra kỷ nguyên mới cho dân tộc Việt Nam.
Ngày 19/3/1975: Giải phóng Quảng Trị

Ngày 19/3/1975: Giải phóng Quảng Trị

Tại mặt trận Quảng Trị, đêm 18 rạng ngày 19/3/1975, các lực lượng ta đồng loạt tiến công vào tuyến phòng thủ của địch. Đến 18 giờ 30 phút cùng ngày, tỉnh Quảng Trị hoàn toàn được giải phóng.
Chủ quyền Việt Nam là bất khả xâm phạm

Chủ quyền Việt Nam là bất khả xâm phạm

Chẳng cần đến những chiến lược phức tạp hay kế hoạch được vạch ra từ trước, người Việt Nam có một bản năng mạnh mẽ là không bao giờ chấp nhận bất cứ hành vi nào xâm phạm đến chủ quyền đất nước.