“Chúng ta đang cạnh tranh với các quốc gia khác về vũ khí siêu vượt âm. Mỹ từng dẫn đầu cách đây 10 năm, có hai dự án và hai nguyên mẫu nhưng chúng đều kém hiệu quả. Chúng ta làm gì sau khi thất bại? Bỏ nhiều năm nghiên cứu lý do thất bại và hủy các dự án đó”, Phó chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ John Hyten nói trong hội thảo ở thủ đô Washington DC hôm qua.
Tướng Hyten thừa nhận Mỹ sẽ mất nhiều năm và nguồn lực lớn để giành lại vị trí hàng đầu trong công nghệ này. Ông kêu gọi các bên liên quan đẩy nhanh tiến trình khôi phục dự án vũ khí siêu vượt âm, đồng thời xây dựng năng lực tác chiến trên không gian thay vì “ngồi yên và nghiên cứu chúng”.
Tướng Hyten trong hội thảo tại Washington hôm 18/1. Ảnh: CSIS.
Vũ khí siêu vượt âm có tốc độ khoảng 6.000-12.000 km/h, hoạt động theo nguyên lý đánh đổi tốc độ hồi quyển cực lớn của đầu đạn để tăng tầm bắn và khả năng xuyên thủng lớp phòng thủ tên lửa của đối phương.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper hồi tháng 12/2019 cho biết Washington đang đầu tư nhiều nguồn lực để bám đuổi Moskva trong phát triển vũ khí siêu vượt âm, tỏ ý lo ngại Nga phát triển những vũ khí chiến lược thế hệ mới có khả năng vô hiệu hóa các hệ thống phòng thủ hiện nay.
Trong đề xuất ngân sách cho năm tài khóa tiếp theo được công bố hồi tháng 3/2019, Bộ Quốc phòng Mỹ yêu cầu chi 2,6 tỷ USD cho chương trình phát triển vũ khí siêu vượt âm.
Nga tháng trước đưa hệ thống vũ khí siêu vượt âm Avangard vào biên chế, trong khi siêu tên lửa Kinzhal đã đạt khả năng sẵn sàng chiến đấu từ năm 2018. Tổng thống Nga Vladimir Putin cho rằng điều này đã đảo ngược trật tự thế giới trước đây, đánh dấu lần đầu Moskva dẫn trước thay vì phải chạy đua và tìm cách đối phó với Washington.