Nâng cao chất lượng đánh giá cán bộ - tiền đề để làm tốt công tác quy hoạch cán bộ tại Trường Đại học Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Trong quá trình thực hiện công tác quy hoạch cán bộ, Trường Đại học Hà Tĩnh đã chú trọng bổ sung các cán bộ có đủ đức, đủ tài, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, có triển vọng trong tương lai.

Thời quan qua, Trường Đại học Hà Tĩnh đã quán triệt thực hiện nghiêm túc các quy định của Trung ương, của tỉnh về công tác đánh giá cán bộ. Từ sau 2018, ngay khi Trung ương, Tỉnh ủy có những quy định, hướng dẫn mới về công tác đánh giá cán bộ, Trường Đại học Hà Tĩnh đã kịp thời phổ biến, quán triệt và hướng dẫn cụ thể cho chi bộ, đơn vị, cán bộ, đảng viên triển khai thực hiện.

Nâng cao chất lượng đánh giá cán bộ - tiền đề để làm tốt công tác quy hoạch cán bộ tại Trường Đại học Hà Tĩnh

Tiến sỹ Đoàn Hoài Sơn - Hiệu trưởng Trường Đại học Hà Tĩnh trao giấy khen cho các sinh viên đạt danh hiệu “Sinh viên giỏi” tại lễ tổng kết và trao bằng tốt nghiệp năm 2022.

Đặc biệt, trong công tác đánh giá cán bộ chú trọng khối lượng, định lượng công việc, đánh giá thực chất việc thực hiện nhiệm vụ. Đối với cán bộ lãnh đạo quản lý ngoài những nội dung trên, còn phải đánh giá: kết quả lãnh đạo, quản lý, điều hành bằng kết quả cụ thể, lượng hóa bằng sản phẩm, trách nhiệm của cá nhân trong tham gia cùng tập thể lãnh đạo và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ chính trị; quan hệ, phối hợp với cấp ủy và tập thể lãnh đạo, quản lý; việc quy tụ, đoàn kết nội bộ và sự tín nhiệm của cán bộ, đảng viên, quần chúng; vai trò của người đứng đầu nhằm phát hiện sớm nguồn cán bộ có phẩm chất, năng lực, uy tín, có triển vọng phát triển để đào tạo, bồi dưỡng, đưa vào nguồn cán bộ kế cận, đáp ứng yêu cầu phát triển của trường trong thời gian tới.

Trước khi có Quy định 50-QĐ/TW, ngày 27/12/2021 của Bộ Chính trị về công tác quy hoạch cán bộ, Đảng ủy, Ban Giám hiệu Trường Đại học Hà Tĩnh đã bám sát Hướng dẫn 15-HD/BTCTW, ngày 05/11/2012 của Ban Tổ chức Trung ương về công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý theo tinh thần Nghị quyết số 42-NQ/TW, ngày 30/11/2004 của Bộ Chính trị khóa IX; Kết luận số 24-KL/TW ngày 05/6/2012 của Bộ Chính trị khóa XI và các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo của Tỉnh ủy Hà Tĩnh về công tác quy hoạch cán bộ để triển khai thực hiện một cách nghiêm túc, hiệu quả. Đưa ra khỏi quy hoạch cán bộ các đối tượng vi phạm kỷ luật, không hoàn thành nhiệm vụ, quá tuổi quy hoạch. Bổ sung vào quy hoạch cán bộ các cán bộ có đủ đức, đủ tài, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, có triển vọng trong tương lai.

Từ sau khi có Quy định 50-QĐ/TW và các văn bản hướng dẫn của cấp trên, Đảng ủy trường đã xây dựng Hướng dẫn 372-HD/ĐU, ngày 23/3/2022 về công tác quy hoạch cán bộ, trong đó xác định rõ điều kiện tiêu chuẩn của các đối tượng đưa vào quy hoạch, đặc biệt ưu tiên các đối tượng được đánh giá có năng lực, chiều hướng phát triển tốt, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, không đưa vào quy hoạch cán bộ các đồng chí đang bị kỷ luật, không hoàn thành nhiệm vụ; đưa ra khỏi quy hoạch cán bộ các đồng chí quá tuổi, bị xử lý kỷ luật từ hình thức khiển trách trở lên hoặc bị kết luận không đảm bảo tiêu chuẩn chính trị của chức danh quy hoạch.

Giai đoạn 2018 đến 2022, Đảng ủy Trường Đại học Hà Tĩnh đã thực hiện 1 lần quy hoạch, 5 lần rà soát, bổ sung quy hoạch cán bộ và đã có: 15 lượt CBVC được đưa vào quy hoạch 4 chức danh diện BTV Tỉnh ủy quản lý (Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng, Chủ tịch và Phó Chủ tịch Hội đồng trường); 29 lượt CBVC được đưa vào quy hoạch 4 chức danh diện BTV Đảng ủy Khối quản lý (Bí thư, Phó Bí thư, Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Đảng bộ); 94 lượt CBVC được đưa vào quy hoạch các chức danh diện trường quản lý (trưởng, phó các đơn vị trực thuộc trường); xem xét tiếp tục để lại quy hoạch 82 lượt CBVC còn đủ tiêu chuẩn điều kiện, đưa ra khỏi quy hoạch 84 CBVC không còn đủ tiêu chuẩn, điều kiện và đề xuất đưa vào quy hoạch 83 lượt CBVC có phẩm chất, đạo đức, năng lực, triển vọng vào những vị trí cần.

Các chức danh diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Đảng ủy Khối quản lý đều được phê duyệt đúng theo kết quả trình của trường. Đảng ủy trường cũng đã ban hành quyết định phê duyệt đối với các chức danh diện Ban Thường vụ Đảng ủy Trường quản lý.

Chất lượng quy hoạch cán bộ được minh chứng trong thực tiễn khi cán bộ được quy hoạch tiếp tục tích cực tham gia học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, lý luận chính trị, thể hiện năng lực trong thực hiện nhiệm vụ. Từ năm 2018-2022, đã có 72 lượt CB,VC đi học nâng cao trình độ lý luận chính trị, có 56 lượt CBVC đi học nâng cao trình độ chuyên môn và có rất nhiều CB,VC tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn.

Số liệu này cho thấy, khi làm tốt công tác quy hoạch cán bộ, làm tốt công tác đánh giá cán bộ sẽ phát huy được khả năng, năng lực, sở trường của cán bộ đồng thời là động lực, khuyến khích cán bộ nâng cao ý thức học tập, bồi dưỡng kiến thức về mọi mặt để đáp ứng yêu cầu phát triển của cơ quan, đơn vị.

Nâng cao chất lượng đánh giá cán bộ - tiền đề để làm tốt công tác quy hoạch cán bộ tại Trường Đại học Hà Tĩnh

Giảng viên tiếng Anh thuộc Khoa Ngoại ngữ (Đại học Hà Tĩnh) chia sẻ nội dung về kết hợp dạy học trực tuyến và trực tiếp trong giảng dạy tiếng Anh.

Trong thời gian tới, Trường Đại học Hà Tĩnh tiếp tục làm tốt công tác quy hoạch cán bộ, trong đó tiền đề là công tác đánh giá cán bộ. Theo đó, các giải pháp để tiếp tục làm tốt công tác đánh giá cán bộ trong thời gian tới, gồm:

Thứ nhất, cần đánh giá cán bộ một cách toàn diện, chú trọng lấy kết quả hoàn thành nhiệm vụ theo vị trí việc làm, chức trách được giao làm thước đo. Dựa trên cơ sở tiêu chuẩn chung để xác định tiêu chuẩn cụ thể, phải lượng hóa tiêu chuẩn, tiêu chí cho từng vị trí việc làm, từng chức danh cán bộ để đánh giá cán bộ trên mọi mặt mới rõ mặt mạnh, mặt yếu, tồn tại, hạn chế của cán bộ. Bởi vì hiện nay, các tiêu chí, tiêu chuẩn còn chung chung, chưa phản ánh đúng thực chất phẩm chất chính trị, đạo đức, kết quả công việc, năng lực thực tiễn cán bộ. Thậm chí việc lấy 2 tiêu chí định lượng cơ bản là chất lượng sản phẩm và tiến độ hoàn thành sản phẩm đem ra “đo” vẫn còn nhiều lúng túng. Giống như việc muốn “đo” nhưng lại “không có thước đo chuẩn”. Điều này dễ dẫn đến tình trạng “cào bằng” năng lực cán bộ trong đánh giá. Người có năng lực trung bình đôi khi cũng được đánh giá tương đương người có năng lực tốt. Vì vậy, việc lấy hiệu quả công việc làm thước đo chủ yếu để đánh giá cán bộ đôi khi chỉ mang tính ước lệ nếu không xác định tiêu chuẩn, tiêu chí đánh giá theo từng vị trí việc làm, từng chức danh cán bộ.

Thứ hai, đánh giá cán bộ phải xem xét cả một quá trình, không chỉ xem xét một thời điểm, một thời gian ngắn hoặc hiện tại; không chỉ xét đến quá khứ mà còn dự đoán khả năng trong tương lai, nghĩa là phải đánh giá cán bộ cả một quá trình, phải đánh giá toàn diện, trên các mặt đạo đức, lối sống, sự cống hiến, xả thân, trách nhiệm của cá nhân đối với lợi ích tập thể.

Thực tế cho thấy, thời gian qua, do tác động của mặt trái cơ chế thị trường và quá trình hội nhập, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, của thiên tai, của sự khủng hoảng kinh tế, do sự đổi mới của nền giáo dục Việt Nam... dẫn tới sự khó khăn dồn dập đối với một cơ sở giáo dục đại học địa phương khi tuyển sinh sinh viên vào học rất khó khăn, khi cán bộ ít cơ hội để phát triển, niềm tin của cán bộ đối với tương lai phát triển của trường bị lung lay, thậm chí có những cán bộ đã từ bỏ, thôi việc và lựa chọn những đơn vị khác có tiềm năng hơn, từ chối thực hiện nghĩa vụ cống hiến và xây dựng trường sau khi hoàn thành chương trình học tập nâng cao trình độ, trong khi chính họ là những cán bộ nguồn trong quy hoạch, là đội ngũ kế cận tương lai cho sự phát triển của trường. Đây là một vấn đề đặt ra, trong công tác đánh giá, quy hoạch cán bộ, bởi lẽ, mọi việc đều có sự chuyển biến, con người cũng có thể thay đổi, cho nên, nhận xét về một con người không thế cố định bất biến mà phải trong quá trình vận động, biến đổi.

Thứ ba, cấp ủy, người đứng đầu cơ quan, đơn vị cần phải coi quan trọng, đổi mới tư duy, đầu tư nghiên cứu, xem xét đa chiều, đánh giá thực chất khi đánh giá cán bộ. Bởi con người là một tổng thể các mối quan hệ: cấp trên - cấp dưới; bạn bè - đồng nghiệp; làng xóm - anh em; gia đình - xã hội ... Mỗi nơi, mỗi góc độ con người sẽ thể hiện tính cách, quan điểm khác nhau.

Xem xét con người cần phân biệt hiện tượng với bản chất, phải nhìn từ nhiều phía, từ nhiều sự việc cụ thể để phân tích tìm ra đâu là mặt bản chất của người cán bộ, không thể dừng lại ở những hiện tượng cụ thể, riêng rẽ, nhất thời.

Và một thực tế đặt ra nữa, đó là một số cấp ủy, người đứng đầu coi công tác đánh giá cán bộ là việc làm định kỳ, hằng năm, năm nào cũng làm. Họ chưa coi việc khảo sát, đánh giá cán bộ, viên chức là căn cứ quan trọng phục vụ cho các bước sau này liên quan đến đề bạt, bổ nhiệm, luân chuyển, bố trí cán bộ. Kèm theo đó là bệnh thành tích, căn bệnh mà một số lãnh đạo cấp uỷ, người đứng đầu cho rằng, nếu làm chặt chẽ, thực chất trong đánh giá cán bộ sẽ ảnh hưởng đến thành tích chung của tập thể, nơi mình đang trực tiếp quản lý và đơn vị mình thành tích sẽ thua đơn vị bạn.

Đây là một việc khó, một công việc quan trọng nó quyết định sự thành bại của một cơ quan, đơn vị, một quốc gia. Bởi vậy, cấp ủy, người đứng đầu cơ quan, đơn vị cần phải coi quan trọng, đổi mới tư duy trong công tác đánh giá cán bộ.

Thứ tư, nâng cao năng lực đơn vị tham mưu về công tác cán bộ, nâng cao chất lượng đội ngũ làm công tác cán bộ, phải chọn người “Đủ tầm - Có tâm” để làm công tác cán bộ. Trước hết, người làm công tác cán bộ cần nắm vững quan điểm của Đảng về tiêu chuẩn cán bộ, đánh giá cán bộ phải trên cơ sở tiêu chuẩn hóa từng chức danh cán bộ, phải nhìn thấu bản chất, năng lực thực tế, chứ không chỉ qua lời nói, sự nhanh nhẹn bề ngoài, hay bằng cấp, học hàm, học vị...

Người làm công tác cán bộ phải có thái độ đúng đắn, khách quan, công tâm, vô tư, phải có tấm lòng trong sáng, toàn tâm, toàn ý vì lợi ích chung của tập thể. Đặc biệt người có thẩm quyền đánh giá cán bộ không được sử dụng lăng kính chủ nghĩa cá nhân, cục bộ, bè phái nếu không sẽ bị nhìn nhận không đúng sự thực, sẽ bị méo mó, yêu nên tốt- ghét nên xấu; kẻ khéo nịnh bợ, luồn lọt, cùng phe cánh thì được ưu ái trọng dụng, còn cán bộ có đức, có tài, cương trực, thẳng thắn thì có thể bị thành kiến, trù dập.

Thực tế, có những cán bộ tuy có bằng cấp cao nhưng trong thực tế khi giải quyết các công việc họ lại lúng túng, thiếu linh hoạt, kinh nghiệm trong công việc hạn chế, ngay cả khả năng soạn thảo văn bản cũng yếu không đáp ứng với yêu cầu vị trí đảm nhận.

Phó Trưởng phòng Tổ chức-Hành chính, Trường Đại học Hà Tĩnh

Chủ đề Chủ trương - Chính sách

Đọc thêm

Trách nhiệm và kỳ vọng từ những lá đơn xin nghỉ hưu trước tuổi ở Hà Tĩnh

Trách nhiệm và kỳ vọng từ những lá đơn xin nghỉ hưu trước tuổi ở Hà Tĩnh

Thực hiện chủ trương sáp nhập đơn vị hành chính, sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy, từ hơn tháng nay, trên địa bàn Hà Tĩnh đã có hàng trăm cán bộ, công chức, viên chức, người lao động viết đơn xin nghỉ việc trước tuổi. Đó không đơn thuần là lời tạm biệt sau nhiều năm cống hiến mà còn thể hiện tinh thần trách nhiệm vì việc chung, là những kỳ vọng gửi đến thế hệ kế cận.
Đảng bộ Hà Tĩnh sau gần 35 năm tái lập tỉnh, thực hiện công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế

Đảng bộ Hà Tĩnh sau gần 35 năm tái lập tỉnh, thực hiện công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế

Sau gần 35 năm tái lập tỉnh, Hà Tĩnh tiếp tục cùng cả nước thực hiện toàn diện công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế. Những thành tựu đạt được của Đảng bộ, Nhân dân tỉnh nhà tiếp tục khẳng định tinh thần đoàn kết, thống nhất, phát huy ý chí, khát vọng, giá trị văn hóa cùng sức mạnh của con người Hà Tĩnh.
Quá trình phát triển của Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh

Quá trình phát triển của Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh

Cuối tháng 3/1930, tại bến đò Thượng Trụ (xã Thiên Lộc, Can Lộc) diễn ra hội nghị thành lập Đảng bộ lâm thời tỉnh Hà Tĩnh. Đảng bộ Hà Tĩnh ra đời đánh dấu bước ngoặt có ý nghĩa quyết định, mở ra bước phát triển mới với những thắng lợi to lớn của phong trào cách mạng tỉnh nhà.
Thiêng liêng lời tuyên thệ nơi đảo xa

Thiêng liêng lời tuyên thệ nơi đảo xa

Đối với mỗi cán bộ, chiến sỹ, không có gì ý nghĩa hơn khi được làm lễ kết nạp vào hàng ngũ của Đảng Cộng sản Việt Nam ở Trường Sa - nơi tiền tiêu thiêng liêng của Tổ quốc.
Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh

Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh

Đảng Cộng sản Việt Nam không ngừng tăng cường xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Đảng ta không ngừng đưa ra những quyết sách phù hợp, xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh.
[Tổng Bí thư các thời kỳ] Chủ tịch Hồ Chí Minh

[Tổng Bí thư các thời kỳ] Chủ tịch Hồ Chí Minh

Vai trò của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong việc tổ chức, sáng lập ra Đảng Cộng sản Việt Nam là vô cùng to lớn. Song, vấn đề có ý nghĩa đặc biệt quan trọng là Người đã xây dựng và rèn luyện Đảng ta thành một đảng kiên cường, giàu bản lĩnh và kinh nghiệm trong lãnh đạo cách mạng cũng như xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh.