Đại sứ Nga tại Mỹ Sergei Kislyak. Ảnh: Sputnik
Theo Reuters, Đại sứ quán Nga tại Washington, D.C. viết trên tài Twitter chính thức của cơ quan đại diện ngoại giao này cho biết Tham tán công sứ Denis V. Gonchar sẽ giữ vị trí Đại biện lâm thời của Nga cho tới khi người kế nhiệm ông Kislyak tới nhận nhiệm vụ.
Tân Đại sứ Nga tại Mỹ được cho là Thứ trưởng Ngoại giao Nga Anatoly Antonov. Tuy nhiên, Điện Kremlin chưa phê chuẩn quyết định bổ nhiệm ông Antonov.Trước đó, ngày 21/7, tờ Washington Post đưa tin các cơ quan tình báo Mỹ đã nghe được cuộc nói chuyện của ông Kislyak với cấp trên về các vấn đề liên quan đến chiến dịch tranh cử, trong đó có các vấn đề quan trọng với Moskva.
Cơ quan tình báo Mỹ cũng nghe được cuộc nói chuyện của ông Kislyak với Bộ trưởng Bộ Tư pháp Mỹ Jeff Sessions trong thời điểm cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2016 đang diễn ra.
Ở một diễn biến liên quan, cuối tháng trước, nhiều cơ quan truyền thông Mỹ đưa tin Đại sứ Sergey Kislyak đã bị triệu về nước và sẽ sớm rời khỏi vị trí ở Washington. Tin tức về việc ông Sergey Kislyak quay trở lại Nga được công bố đầu tiên trên tờ BuzzFeed News.
Tờ báo này đăng tin dựa trên trích dẫn từ 3 nguồn tin thân cận với vụ việc. Thông tin việc về nước của ông Kislyak có vẻ khá bất ngờ vì trước đó Nga có ý định bổ nhiệm ông nắm giữ một vị trí cấp cao tại Phái đoàn thường trực của Nga bên cạnh Liên hợp quốc ở New York.
Theo tờ Jerusalem Online, Moskva lúc đó vẫn chưa có bất kỳ bình luận, giải thích hay xác nhận ngày về của Đại sứ Kislyak. Tuy nhiên, Hội đồng Doanh nghiệp Nga – Mỹ thông báo sẽ tổ chức một buổi tiệc chia tay cho ngài Kislyak vào 11/7 tại Khách sạn St. Regis, cách Nhà Trắng 2 dãy phố.
Cho tới nay, thông tin ông Kislyak trở về Nga đã được xác nhận và đây là thời điểm khép lại nhiệm kỳ 10 năm của ông trên cương vị Đại sứ Nga tại Mỹ. Ông Kislyak là một nhân vật chủ chốt trong cuộc điều tra căng thẳng do công tố viên đặc biệt và ủy ban quốc hội Mỹ tiến hành tìm hiểu về sự can thiệp của Nga trong cuộc bầu cử 2016.
Mọi rắc rối bắt đầu từ tháng 2, khi cựu Cố vấn An ninh Quốc gia Michael Flynn xin từ chức sau khi xuất hiện báo cáo ông bí mật gặp gỡ Đại sứ Kislyak vào tháng 12/2016 bàn về lệnh trừng phạt Nga.
Một tháng sau, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Jeff Sessions công bố tự rút khỏi cuộc điều tra liên bang nhằm vào ban vận động tranh cử của Tổng thống Trump. Ông cũng thừa nhận đã có lần nói chuyện với Đại sứ Kislyak trong thời gian vận động tranh cử, tuy nhiên lại chối bỏ thông tin trong phiên điều trần trước Ủy ban Tình báo Thượng viện.
Trong khi đó, con rể của ông Trump – cố vấn cấp cao Jared Kushner cũng bị tố cáo bí mật liên lạc với Đại sứ Kislyak trong tháng 12 về việc thiết lập một kênh liên lạc ngầm với điện Kremlin.
Đại sứ Kislyak cũng ở Nhà Trắng cùng với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov một ngày sau khi Tổng thống Trump ra quyết định sa thải Giám đốc FBI James Comey – người lúc đó đang đảm trách nhiệm vụ điều tra.
Theo tờ Washington Post, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã "chia sẻ thông tin tình báo mật" với hai đại diện Nga trong cuộc gặp đó, song Nhà Trắng đã lên tiếng bác bỏ thông tin này.