Các cuộc thử nghiệm lâm sàng giai đoạn đầu đối với vaccine phòng bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 có tên EpiVacCorona đã cho kết quả thành công. Ảnh: TASS
Theo trung tâm trên, hai giai đoạn thử nghiệm lâm sàng đầu tiên đã cho thấy tính hiệu quả và an toàn của vaccine EpiVacCorona trong phòng ngừa virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19. Trung tâm sẽ đưa ra kết luận cuối cùng về tính hiệu quả của vaccine này sau khi hoàn tất các cuộc thử nghiệm lâm sàng.
Trong khi đó, Bộ trưởng Y tế Nga Mikhail Murashko trong tuần này thông báo với Tổng thống Nga Vladimir Putin rằng vaccine này có thể được phê chuẩn trong 3 tuần tới.
Vaccine EpiVacCorona được điều chế dựa trên peptit có khả năng kích hoạt phản ứng miễn dịch. Nga dự định sản xuất lô vaccine EpiVacCorona đầu tiên gồm 10.000 liều, bắt đầu vào tháng 11 tới.
Trước đó, hồi tháng 8, Nga đã tuyên bố phát triển thành công vaccine Sputnik V. Tuy nhiên, nhiều nhà khoa học phương Tây cho đến nay vẫn hoài nghi về tính an toàn và hiệu quả của vaccine, cho rằng cần thời gian dài để đánh giá hiệu quả và mức độ an toàn.
Cùng ngày, Công ty sản xuất thuốc miễn dịch Enlivex Therapeutics Ltd của Israel cho biết phương pháp điều trị bằng thuốc Allocetra cho các bệnh nhân COVID-19 ở thể nặng và nguy kịch đã cho kết quả tích cực trong cuộc thử nghiệm lâm sàng.
Cuộc thử nghiệm được thực hiện đối với 5 bệnh nhân COVID-19 gồm 3 bệnh nhân thể nặng và 2 bệnh nhân nguy kịch. Kết quả cho thấy toàn bộ 5 bệnh nhân phục hồi hoàn toàn sau khi áp dụng phương pháp điều trị này trong khoảng thời gian trung bình không quá 8,5 ngày. Theo công ty Enlivex Therapeutics Ltd, nếu được thông qua, phương pháp điều trị này có thể làm giúp giảm thời gian điều trị đối với bệnh nhân COVID-19 thể nặng hay nguy kịch.
Enlivex Therapeutics Ltd cho biết sẽ chuyển sang thử nghiệm lâm sàng giai đoạn II phương pháp điều trị bằng thuốc Allocetra trên quy mô rộng hơn và trong thời gian càng sớm càng tốt để được cơ quan quản lý y tế nước này phê chuẩn đưa vào điều trị.