Nga tuyên bố bắn hạ 6 tên lửa ATACMS Mỹ cung cấp cho Ukraine

Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố 6 tên lửa chiến thuật ATACMS Mỹ cung cấp cho Ukraine đã bị bắn hạ, có thể ở bán đảo Crimea.

"10 máy bay không người lái Ukraine, 6 tên lửa chiến thuật ATACMS do Mỹ sản xuất và hai quả bom dẫn đường Hammer do Pháp sản xuất đã bị lực lượng phòng không bắn hạ", Bộ Quốc phòng Nga hôm qua tuyên bố.

Bộ Quốc phòng Nga không cho biết tên lửa bị bắn hạ ở đâu, nhưng Sergei Aksyonov, thống đốc Crimea do Nga bổ nhiệm, trước đó đăng trên tài khoản Telegram bức ảnh ông mô tả là đạn con chưa nổ của tên lửa ATACMS.

"Nếu mọi người nhìn thấy nó, đừng nhặt lên cũng đừng đến gần, hãy thông báo cho Bộ Tình trạng Khẩn cấp hoặc Bộ Nội vụ", Aksyonov cho hay, song không nêu rõ thời điểm và số lượng tên lửa bị bắn hạ.

Mỹ và Ukraine hiện chưa lên tiếng về thông tin này.

Quả đạn con được cho là thuộc tên lửa ATACMS do Thống đốc Crimea đăng ngày 30/4. Ảnh: Telegram/Sergei Aksyonov
Quả đạn con được cho là thuộc tên lửa ATACMS do Thống đốc Crimea đăng ngày 30/4. Ảnh: Telegram/Sergei Aksyonov

Thông tin được đưa ra sau khi giới chức Mỹ cho biết số lượng đáng kể tên lửa đạn đạo ATACMS với tầm bắn 300 km đã được chuyển đến Ukraine trong tháng 4. Loạt tên lửa này nằm trong gói viện trợ quân sự khẩn cấp cho Ukraine trị giá 300 triệu USD được Tổng thống Joe Biden phê duyệt tháng trước.

Quân đội Ukraine lần đầu sử dụng ATACMS khi tập kích sân bay Dzhankoy trên bán đảo Crimea ngày 17/4, sau đó là cuộc tấn công ban đêm nhằm vào mục tiêu Nga ở mặt trận tây nam Ukraine.

Việc có nên chuyển tên lửa ATACMS tầm bắn 300 km cho Ukraine hay không từng là chủ đề tranh luận suốt nhiều tháng trong chính quyền Tổng thống Biden. ATACMS tầm trung, với tầm bắn thấp hơn, đã được cung cấp cho Ukraine vào tháng 9 năm ngoái.

Lầu Năm Góc ban đầu từ chối chuyển mẫu ATACMS tầm bắn 300 km do lo ngại Ukraine tập kích sâu vào lãnh thổ Nga, làm leo thang chiến sự và dẫn đến xung đột trực tiếp giữa Moskva và Washington, cũng như ảnh hưởng tới năng lực sẵn sàng chiến đấu của quân đội Mỹ.

Mỹ thay đổi quyết định sau khi cáo buộc Nga sử dụng tên lửa đạn đạo Triều Tiên hồi cuối năm 2023 và mở chiến dịch tập kích hạ tầng thiết yếu của Ukraine.

Liên quân Mỹ - Hàn bắn tên lửa đạn đạo ATACMS hồi năm 2022. Ảnh: Reuters
Liên quân Mỹ - Hàn bắn tên lửa đạn đạo ATACMS hồi năm 2022. Ảnh: Reuters
vnexpress.net

Đọc thêm

Đảng cầm quyền Hàn Quốc trước nguy cơ phân rã

Đảng cầm quyền Hàn Quốc trước nguy cơ phân rã

Sau khi Quốc hội Hàn Quốc ngày 14/12 thông qua dự luật luận tội Tổng thống Yoon Suk Yeol do ông đã ban bố thiết quân luật đêm 3/12, nhiều nhà lãnh đạo của đảng Quyền lực Quốc dân (PPP) cầm quyền đã nộp đơn từ chức, trong khi sự chia rẽ nội bộ giữa những người ủng hộ và phản đối việc luận tội Tổng thống Yoon có xu hướng ngày càng gia tăng, khiến PPP đứng trước nguy cơ bị phân rã.
Bệnh lạ khiến 31 người tử vong tại CHDC Congo

Bệnh lạ khiến 31 người tử vong tại CHDC Congo

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), từ ngày 24/10 đến ngày 5/12, CHDC Congo ghi nhận 406 ca mắc bệnh chưa rõ nguyên nhân với các triệu chứng như sốt, đau đầu, ho, sổ mũi và đau nhức cơ bắp.
Hàn Quốc bắt giữ cựu Bộ trưởng Quốc phòng

Hàn Quốc bắt giữ cựu Bộ trưởng Quốc phòng

Các công tố viên Hàn Quốc đã bắt giữ cựu Bộ trưởng Quốc phòng nước này Kim Yong-hyun, trong khuôn khổ cuộc điều tra về cáo buộc phản quốc sau lệnh thiết quân luật vào tuần trước.