Trăn trở mang bài học đến với học sinh
Ngay sau khi UBND tỉnh Hà Tĩnh ban hành công văn cho phép học sinh nghỉ học để phòng tránh dịch bệnh, Sở GD&ĐT chỉ đạo, hướng dẫn, giới thiệu các trường triển khai các công cụ dạy học trực tuyến, sử dụng kho tư liệu trên Internet, khai thác các kênh truyền hình... để truyền thụ các bài giảng hàng ngày đến với học sinh, tuyệt đối không để học sinh “mất bài” hay rỗi rãi rồi suy nghĩ tiêu cực, sa đà vào các trò chơi trên mạng.
Nhiều trường học ở Hà Tĩnh tăng cường sinh hoạt chuyên môn trực tuyến để chuẩn bị cho các giờ dạy online. Ảnh Anh Thư
Theo đó, các nhà trường đã tích cực đổi mới, sáng tạo, phát huy thế mạnh của trường mình để tìm ra nhiều cách làm hay, phù hợp với thực tiễn của đơn vị và thiết thực, hiệu quả cho học sinh. Hầu hết các giáo viên tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông đều tổ chức dạy học trực tuyến cho học sinh qua các phần mềm video conferencing như Webinar, Zoom, Zalo, Facebook Messenger...
Ở tiểu học, giáo viên kết hợp giữa dạy học trực tuyến với gọi điện thoại cho bố mẹ, học sinh hỏi thăm tình hình và hướng dẫn tự học tại nhà; một số trường cử giáo viên đến tận nhà phát bài tập cho học sinh sau đó thu về để chấm, chữa cho các em trong điều kiện không có máy tính kết nối Internet và máy in (như Tiểu học Thịnh Lộc, Lộc Hà; Tiểu học Sơn Giang, Sơn Long - Hương Sơn...).
Nhiều giáo viên tranh thủ thời gian đến các gia đình kiểm tra việc học của học sinh (Trong ảnh: Giáo viên trường THCS Kỳ Ninh - thị xã Kỳ Anh kiểm tra việc học của học sinh tại một gia đình). Ảnh Thúy Ngọc
Tương tự, giáo viên các trường THCS tiến hành dạy học trực tuyến cho học sinh. Mỗi ngày, có hàng ngàn bài giảng được truyền đến học sinh trên các công cụ trực tuyến bởi các thầy cô giáo. Sở GD&ĐT đã phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh phát sóng trực tiếp chương trình “Đến lớp cùng HTTV” dạy ôn thi cho học sinh lớp 9 ở ba môn Toán, Ngữ văn, tiếng Anh.
Tham gia chương trình là những giáo viên giỏi cấp tỉnh, cấp huyện ở TP Hà Tĩnh và các vùng phụ cận. Chương trình phát sóng trực tiếp kết hợp tương tác với người học qua điện thoại hoặc qua Fanpage của Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh. Mỗi lần phát sóng có hàng ngàn học sinh lớp 9 theo dõi.
Được sự hỗ trợ của các thầy cô, các em học sinh cũng tích cực học tập để củng cố kiến thức trong những ngày nghỉ học tránh dịch. Ảnh Thúy Ngọc
Ở cấp học THPT, các nhà trường đã tích cực chủ động đổi mới sáng tạo, áp dụng công nghệ để mang bài học đến cho học sinh, như: Trường THPT Nguyễn Đình Liễn tổ chức nhiều hoạt động đổi mới sáng tạo trong dạy, học, kiểm tra, đánh giá sử dụng các công cụ công nghệ trực tuyến. Bên cạnh dạy cho học sinh qua các phần mềm, các ứng dụng trực tuyến, nhà trường đã kiểm tra, đánh giá chất lượng học tập thường xuyên của học sinh, kiểm tra học sinh lớp 12 theo các chủ đề ôn tập định hướng kì thi THPT quốc gia sắp tới.
Thầy giáo Lê Tiến Dũng - giáo viên Trường THPT Nguyễn Đổng Chi sử dụng máy quay kết nối với máy tính cá nhân, xây dựng thành lớp học “ảo” cho học sinh theo dõi tại nhà
Ở Trường THPT Nguyễn Đổng Chi, có thầy giáo Lê Tiến Dũng vẫn lên lớp hàng ngày. Tại lớp học thân quen tuy vắng bóng học trò, thầy Dũng đã sử dụng máy quay kết nối với máy tính cá nhân, xây dựng thành lớp học “ảo” cho các em học sinh theo dõi tại nhà. Sau mỗi buổi dạy, thầy biên tập lại bài rồi tải lên hệ thống Youtube để cho học sinh có cơ hội học lại hay các đồng nghiệp dùng làm tư liệu tham khảo.
Chung tay cùng cộng đồng đẩy lùi dịch Covid-19
Bên cạnh tâm huyết tìm cách mang bài học đến với học sinh, các cán bộ, giáo viên luôn tích cực tham gia các hoạt động xã hội chung tay đẩy lùi Covid-19. Trên địa bàn huyện Hương Sơn, tất cả các trường mầm non, tiểu học và trung học cơ sở đã quyên góp được số tiền hơn 330 triệu đồng gửi về Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện.
Giáo viên Trường Mầm non Sơn Bằng - Hương Sơn quyên góp rau xanh và tham gia tình nguyện tại điểm cách ly cổng B. Ảnh Tuấn Thông
Các trường trên địa bàn huyện Vũ Quang, một địa phương còn có nhiều khó khăn, cũng đóng góp được 150 triệu đồng; ngành GD&ĐT Thạch Hà 341 triệu đồng, Cẩm Xuyên hơn 300 triệu đồng, thị xã Hồng Lĩnh hơn 400 triệu đồng… Toàn tỉnh có 226 trường học được trưng dụng làm khu cách ly tập trung. Nhiều cán bộ, giáo viên đã tình nguyện ở lại tại các khu cách ly để phục vụ công tác hậu cần, thực hiện công tác thông tin, truyền thông chống dịch bệnh trong cộng đồng, v.v…
Các giáo viên Trường THPT Vũ Quang cùng nhau may khẩu trang tặng các khu cách ly tập trung. Ảnh Sỹ Thông
Ở cấp học THPT, bên cạnh việc tổ chức dạy học, giáo viên còn hướng dẫn học sinh pha chế dung dịch rửa tay để vừa có sản phẩm sử dụng, vừa để học sinh thực hiện các thí nghiệm hóa học.
Học sinh Trường THPT Nghi Xuân đã pha chế thành công hơn 100 lít dung dịch nước rửa tay sát khuẩn trao tặng cho Mặt trận Tổ quốc huyện Nghi Xuân để hỗ trợ các trung tâm cách ly trên địa bàn phòng chống dịch bệnh Covid-19; Trường THPT Hàm Nghi (Hương Khê) vận động các tổ chức, cá nhân và học sinh cũ ủng hộ mua 1.450 chai dung dịch sát khuẩn (trị giá 43,5 triệu đồng) để phát cho cán bộ, giáo viên, học sinh và tặng cho các khu cách ly trên địa bàn huyện.
Trường THPT Kỳ Anh trao tặng 200 chiếc kính chống giọt bắn cho Ban Chỉ đạo chống dịch Covid-19 của 11/11 xã, phường TX Kỳ Anh (Hà Tĩnh). Ảnh Thu Trang
Còn nữa, học sinh Trường THPT Lý Tự Trọng (Thạch Hà) cũng tự làm hơn 200 khẩu trang, hơn 1.000 mũ chống giọt bắn; Đoàn trường THPT Hồng Lĩnh làm được 500 mặt nạ chống giọt bắn; Ban nữ công Trường THPT Vũ Quang tự may được 600 chiếc khẩu trang... Tất cả những món quà thiết thực đó được tặng cho lực lượng làm nhiệm vụ trên tuyến đầu chống dịch và bà con nhân dân.
Thầy Nguyễn Hồng Sinh - Phó Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục Hà Tĩnh cho biết: “Công đoàn ngành đã phát động phong trào chung tay giúp đỡ cộng đồng đẩy lùi đại dịch. Sơ bộ đến nay, các đơn vị trực thuộc Sở (các trường THPT) đã đóng góp được khoảng 350 triệu đồng qua Ủy ban Mặt trận Tổ quốc; chưa kể, mỗi đoàn viên công đoàn đóng góp ít nhất một tin nhắn qua Tổng đài 1400. Ngoài ra, các trường đã tự làm hoặc mua tặng cho các khu cách ly, bệnh viện, khu dân cư hơn 5.000 khẩu trang, 2.000 mũ kính chống giọt bắn, 500 lít nước rửa tay sát khuẩn, hàng chục tạ gạo v.v…”.
Những việc làm ý nghĩa của các cán bộ, giáo viên và học sinh toàn ngành GD&ĐT đã đóng góp cho xã hội, cho cộng đồng để đẩy lùi đại dịch.
Dù cách ly để phòng tránh dịch bệnh nhưng các cán bộ, giáo viên ngành GD&ĐT Hà Tĩnh không hề cách xa học sinh thân yêu và cộng đồng xã hội. Mong sao, dịch bệnh sẽ nhanh chóng bị đẩy lùi để thầy cô và các em học sinh lại tiếp tục đến trường.