Ngày nóng nhất trên Trái Đất

Theo dữ liệu sơ bộ từ Cơ quan Biến đổi khí hậu Copernicus (C3S), nhiệt độ toàn cầu ngày 22/7 đạt mức cao nhất trong lịch sử, phá vỡ kỷ lục vừa được thiết lập mới một ngày trước đó.

Có nhiều bằng chứng cho thấy ngày 22/7 là ngày nóng nhất trên Trái đất kể từ khi bắt đầu Kỷ Băng hà cách đây hơn 100.000 năm. Ảnh: Manila Times.
Có nhiều bằng chứng cho thấy ngày 22/7 là ngày nóng nhất trên Trái đất kể từ khi bắt đầu Kỷ Băng hà cách đây hơn 100.000 năm. Ảnh: Manila Times.

Các nhà khoa học cho rằng chuỗi phá kỷ lục này lại là một dấu hiệu đáng lo ngại về tình trạng biến đổi khí hậu do con người gây ra, đẩy hành tinh đến những hiện tượng cực đoan hơn.

Cụ thể, vào ngày 22/7, nhiệt độ trung bình hàng ngày trên toàn cầu đã đạt 17,15 độ C, mức cao kỷ lục kể từ năm 1940 đến nay. Con số này vượt quá kỷ lục trước đó là 17,09 độ C được thiết lập chỉ một ngày trước đó (21/7) và 17,08 độ C được thiết lập một năm trước đó (6/7/2023).

Các chuyên gia cho rằng sự khác biệt nhiệt độ này là rất lớn, hơn cả mức chênh lệch thông thường.

Kỷ lục sẽ còn tiếp tục bị phá vỡ

Trước khi thông tin này được công bố và phân tích, giám đốc Copernicus Carlo Buontempo đã tuyên bố Trái đất đang đi vào “thời kỳ chưa từng có”. “Khi khí hậu tiếp tục nóng lên, chúng ta chắc chắn sẽ thấy các kỷ lục bị phá vỡ trong những tháng và năm tới”, ông nhận định.

Trước tháng 7/2023, kỷ lục nhiệt độ trung bình hàng ngày của Trái đất là vào tháng 8/2016 với 16,8 độ C. Nhưng đến năm 2023, nhiệt độ toàn cầu đã vượt qua mức kỷ lục cũ đó tổng cộng 53 lần.

“Điều thực sự đáng kinh ngạc là sự chênh lệch giữa nhiệt độ trong 13 tháng qua và các kỷ lục nhiệt độ trước đó rất lớn”, giám đốc Copernicus nói.

Bảng ghi nhận nhiệt độ hàng ngày giai đoạn 1970-2024. Ảnh: Copernius.
Bảng ghi nhận nhiệt độ hàng ngày giai đoạn 1970-2024. Ảnh: Copernius.

Các nhà nghiên cứu của Copernicus cho rằng nhiệt độ có thể sẽ giảm trở lại trong những ngày tới. Khi mùa hè ở Bắc bán cầu kết thúc và La Niña sắp diễn ra, các nhà nghiên cứu dự đoán nhiệt độ Trái đất sẽ bắt đầu giảm xuống.

Các nhà khoa học mới chỉ theo dõi nhiệt độ toàn cầu trong vài thế kỷ qua. Tuy nhiên, có nhiều bằng chứng cho thấy ngày 22/7 là ngày nóng nhất trên Trái đất kể từ khi bắt đầu Kỷ Băng hà cách đây hơn 100.000 năm.

Các nhà khoa học cổ khí hậu sử dụng các vòng cây, lõi băng, trầm tích hồ và các vật liệu cổ xưa khác để nghiên cứu về môi trường Trái đất trong quá khứ. Kết quả cho thấy rằng sức nóng khủng khiếp trong những năm gần đây gần như không thể xảy ra trong khoảng thời gian đó.

Giải thích về kỷ lục nhiệt độ liên tục bị phá vỡ, các chuyên gia tại Copernicus cho biết nhiệt độ trung bình toàn cầu thường đạt đỉnh hàng năm vào khoảng cuối tháng 6 đến đầu tháng 8, trùng với mùa hè ở Bắc bán cầu.

Trong khi đó, mùa ở bán cầu bắc sẽ đóng vai trò lớn ảnh hưởng đến nhiệt độ chung toàn cầu. Những phần đất liền rộng lớn ở bán cầu bắc ấm lên nhanh hơn tốc độ các đại dương ở bán cầu nam hạ nhiệt.

“Phân tích của chúng tôi cho thấy tình trạng nhiệt độ gia tăng đột ngột có liên quan đến nhiệt độ ở phần lớn Nam Cực cao hơn mức trung bình. Điều này từng góp phần khiến nhiệt độ toàn cầu đạt kỷ lục vào đầu tháng 7/2023”, Copernicus nhận định.

2024 sẽ còn nóng hơn 2023

Các chuyên gia còn nói thêm trong nửa đầu tháng 7/2024, nhiệt độ trung bình toàn cầu luôn ở mức gần ngưỡng kỷ lục 17,15 độ C. Ghi nhận tương tự cũng diễn ra vào cùng kỳ năm ngoái, đồng thời nhiệt độ trung bình toàn cầu thường đạt đến đỉnh điểm vào thời điểm này trong năm. Do đó, việc nhiệt độ trung bình toàn cầu lập kỷ lục mới là có thể đoán trước được.

Nắng nóng xảy ra khắp nơi trên toàn thế giới. Ảnh: Pexels.
Nắng nóng xảy ra khắp nơi trên toàn thế giới. Ảnh: Pexels.

Song, những năm trở lại đây, nắng nóng chưa từng có được ghi nhận ở hầu hết châu lục. Nhiều vùng châu Á đang hứng chịu cảnh oi bức giữa những ngày nắng như thiêu đốt và những đêm nóng nực đến nguy hiểm.

Nhiệt độ ở miền Tây nước Mỹ đã gây ra các vụ cháy rừng vượt tầm kiểm soát. Dữ liệu của Copernicus cho thấy vào ngày 21/7 xung quanh phần lớn Nam Cực, nhiệt độ cao hơn bình thường tới 12 độ C.

Theo National Centers for Environmental Information, 613 điểm trên khắp hành tinh đã ghi nhận nhiệt độ hàng ngày cao kỷ lục chỉ trong 7 ngày qua.

Sức nóng không ngừng khiến các nhà khoa học ngày càng tin chắc rằng năm nay có thể còn nóng hơn năm ngoái. Nhà khoa học khí hậu Zeke Hausfather ước tính rằng có đến 95% khả năng năm 2024 sẽ lập kỷ lục nhiệt độ mới.

Nhiệt độ trung bình trong năm sẽ vượt quá 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Con số này vượt qua ngưỡng tăng nhiệt độ của các nhà khoa học.

Andrew Pershing, Phó chủ tịch tại tổ chức phi lợi nhuận Climate Central, cho rằng: “Thật đáng lo ngại nhưng không có gì ngạc nhiên khi nhân loại đang trên đà đạt mức kỷ lục nhiệt độ trong năm nay. Chúng ta vẫn tiếp tục thải thêm ô nhiễm carbon vào bầu khí quyển, vì vậy nhiệt độ toàn cầu sẽ tiếp tục tăng”.

ZNews

Đọc thêm

Ông Trump bất ngờ nhận tin vui

Ông Trump bất ngờ nhận tin vui

Luật sư Steve Sadow của ông Trump ca ngợi quyết định hủy bỏ 2 cáo buộc lần này của Thẩm phán hạt Fulton của bang Georgia Scott McAfee là một chiến thắng.
Pháp sẽ có chính phủ mới trong tuần tới

Pháp sẽ có chính phủ mới trong tuần tới

Tân Thủ tướng Pháp Michel Barnier cho biết, trong tuần tới, nước này sẽ có chính phủ mới. Hiện ông đang khảo sát các ứng cử viên để điều hành các bộ và cần nhận được sự ủng hộ của Quốc hội treo tại nước này.
Ông Donald Trump khiến đồng minh thất vọng

Ông Donald Trump khiến đồng minh thất vọng

(NLĐO) - Một số quan chức, nhà tài trợ và cố vấn Đảng Cộng hòa cho biết ông Donald Trump đã làm hỏng cuộc tranh luận với Phó Tổng thống Kamala Harris dù ông Trump tự khen ngợi màn thể hiện của chính mình.
Đồng yên Nhật tăng cao nhất kể từ đầu năm

Đồng yên Nhật tăng cao nhất kể từ đầu năm

Đồng yên Nhật đạt mức cao nhất kể từ đầu năm so với đồng USD, giữa lúc ứng cử viên tổng thống Mỹ Kamala Harris và Donald Trump bắt đầu cuộc tranh luận đầu tiên trước cuộc bỏ phiếu vào tháng 11.
Bầu cử Mỹ 2024: Hai ứng cử viên bước vào màn tranh luận trực tiếp đầu tiên

Bầu cử Mỹ 2024: Hai ứng cử viên bước vào màn tranh luận trực tiếp đầu tiên

Sáng 11/9 (giờ Việt Nam, tối 10/9 theo giờ Mỹ), Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris và ứng cử viên đảng Cộng hòa Donald Trump đã tiến hành cuộc tranh luận trực tiếp đầu tiên tại Trung tâm Hiến pháp Quốc gia (NCC) ở Philadelphia, Pennsylvania. Giới quan sát nhận định trong “màn so găng đầu tiên” này, ứng cử viên nào chiếm thế áp đảo sẽ có thể tạo đà tâm lý thuận lợi cũng như giành ưu thế đáng kể trong cuộc đua vào Nhà Trắng vào tháng 11 tới.