Nghị lực vượt khó của cựu TNXP Lê Thị Xuân luôn khiến mọi người nể phục.
Khổ đau dồn dập
Tháng 8/1968, bà Lê Thị Xuân lên đường nhập ngũ ở tuổi 23. Thời gian này, bà được giao bám trụ tại nhiều chiến trường huyền thoại như: Ngã ba Đồng Lộc, Đèo Ngang, Bến Thủy... với nhiệm vụ thông đường cho xe qua. Đến cuối năm 1972, qua bao vất vả, gian nguy, bà hoàn thành nghĩa vụ, trở về quê hương và chỉ được nhận trợ cấp 1 lần, không có chế độ gì thêm.
Nơi mảnh đất quê hương cằn khô sỏi đá, người cựu TNXP tiếp tục phải chiến đấu trên mặt trận mới. Quanh năm lam lũ “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” mà cuộc sống vẫn nghèo khổ.
Ly hôn với người chồng đầu, một mình bà chịu đựng khó khăn, tủi cực nuôi dạy 3 con khôn lớn. Nhưng, bất hạnh lại lần nữa ập đến khi trong 2 năm, 2 người con gái trưởng thành của bà lần lượt ra đi ở tuổi mười chín đôi mươi. Niềm đau ấy khiến người phụ nữ kiên cường bỗng chốc tiều tụy, suy sụp như kẻ vô hồn.
Đồng cảm với hoàn cảnh người phụ nữ đáng thương, năm 1990, ông Phạm Văn Vinh tìm đến và xây dựng cuộc sống cùng bà. Ông bà sinh thêm 2 người con, 1 trai, 1 gái. Năm 2008, sau 3 năm ốm nằm liệt giường, ông Vinh cũng bỏ bà ra đi. Hai đứa con phải nghỉ học giữa chừng và vào Nam kiếm sống. Bà Xuân trở lại cuộc sống cô đơn, nghèo khó trong túp lều nhỏ.
Chưa bao giờ thôi hy vọng
Năm 2009, cảm thương số phận của bà, Hội Cựu TNXP huyện Hương Khê đã hỗ trợ 10 triệu đồng để làm nhà ở. Niềm vui lẫn trong nước mắt, bà vay mượn đồng đội, hàng xóm, người giúp công, người giúp của, cuối cùng, nữ cựu TNXP cũng có được căn nhà nhỏ vững chãi, không còn nỗi lo ngày mưa bão.
Năm 2011, sau những năm đi làm ăn xa, các con của bà tích góp được ít vốn trở về. Bà vay thêm ngân hàng, cùng con xây dựng 200m2 chuồng để nuôi 600 con gà, 40 con lợn và đầu tư cải tạo vườn tạp, trồng cây ăn trái.
Bao nhiêu mồ hôi, công sức của mẹ con bà Xuân đang chuẩn bị đơm hoa kết trái, thì bỗng chốc tan biến. Hai lần đàn gia súc bị dịch bệnh, lúc chết hết hơn phân nửa, lúc sạch chuồng trại, nhưng bà không nản chí mà tự động viên mình tiếp tục vươn lên. Không có điều kiện để làm mô hình lớn như trước, bà và các con tiếp tục dành dụm đầu tư chăn nuôi nhỏ, đồng thời, tranh thủ lợi thế đất đai, mở rộng diện tích vườn để trồng cây ăn quả...
“Đến bây giờ, đầu đã 2 thứ tóc, tôi vẫn không hiểu vì sao ông trời lại chọn tôi để thử thách nhiều đến thế. Nếu không có những tháng ngày tôi luyện bản thân từ chiến trường và nghĩa tình của đồng đội, hàng xóm, chắc tôi không thể sống được tới bây giờ” - bà Xuân ngậm ngùi.
Bà Xuân chỉ mong sao mình khỏe mạnh để làm chỗ dựa, động viên con cháu
Như đóa hoa giữa đời
Ở tuổi ngoài 70, tuy sức khỏe đã yếu, nhưng niềm tin và nghị lực của bà luôn khiến mọi người khâm phục. Đi qua tận cùng khổ cực của cuộc sống, giờ bà chỉ mong có sức khỏe để động viên con cháu học hành, làm ăn. Bà vẫn thường căn dặn: “Những khó khăn, vất vả mẹ đã trải qua được thì các con cũng phải cố gắng phấn đấu vươn lên”.
Gần cả cuộc đời không có nổi một ngày vui, nhưng chưa bao giờ bà Xuân thôi hy vọng. Cuộc sống lấy của bà đi nhiều thứ nhưng đã cho bà những đứa con ngoan ngoãn, chịu khó, nay đã trưởng thành và có gia đình ổn định; cuộc sống tuy vất vả nhưng luôn hiếu thảo với mẹ; biết yêu thương, đùm bọc lẫn nhau.
Nhìn bà, tôi nhớ đến lời bài hát “Sống như những đóa hoa” của nhạc sỹ Tạ Quang Thắng: “... Và tôi sống như đóa hoa này/ Tỏa ngát hương thơm cho đời/ Sống với nỗi khát khao rằng/ Được hiến dâng cho cuộc đời/ Hôm nay dẫu có gian nan/ Thì ngày mai là ngày tươi sáng hơn”...