Ngư dân Hà Tĩnh vững vàng trong gian khó...

(Baohatinh.vn) - Hà Tĩnh có hơn 16.000 hộ có lao động gắn với hoạt động đánh bắt, khai thác hải sản và dịch vụ hậu cần nghề cá; nhiều tổ chức, hộ gia đình, cá nhân hoạt động trong các ngành, nghề liên quan đến biển nên sự cố môi trường vừa qua đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống dân sinh. Dẫu đang đối mặt với nhiều khó khăn nhưng mỗi ngư dân, diêm dân, hộ buôn bán hải sản vẫn vững vàng bám trụ và tin tưởng mọi việc sẽ lại tốt đẹp trong nay mai...

Ông Biện Ngọc Châu – chủ tàu cá HT20013T3 (thôn Sơn Bằng – Thạch Kim - Lộc Hà): Gần 3 tháng nay, đánh bắt về không tiêu thụ được nên mỗi chuyến biển một tuần, mỗi người được xấp xỉ 500 nghìn đồng. Mặc dù được chính quyền quan tâm hỗ trợ gạo nhưng về lâu dài vẫn rất khó khăn. Mong các cấp, ngành liên quan bằng các giải pháp hữu hiệu nhất sớm trả lại môi trường biển để tàu thuyền phấn khởi ra khơi đánh bắt, khai thác. Nếu trước mắt chưa giải quyết được thì tạo điều kiện, hướng dẫn cũng như có chính sách ưu tiên ngư dân chuyển đổi nghề.

Ngư dân Nguyễn Văn Tiến (xã Xuân Hội - Nghi Xuân): Tuy có khó khăn sau sự cố cá chết nhưng không vì thế mà chúng tôi mất niềm tin vào ngày mai

Ngư dân thôn Thắng Lợi, xã Kỳ Xuân (huyện Kỳ Anh) cho rằng, mùa này đi đánh bắt được nhiều cá nhưng thuyền nhỏ đánh gần bờ rất khó tiêu thụ, tàu đánh bắt xa bờ thì về bán với giá rẻ, thua lỗ. Tìm ra nguyên nhân rồi thì đền bù cũng quan trọng, nhưng hơn cả là khi nào lại được đi biển như xưa?

Ngư dân Cẩm Nhượng (Cẩm Xuyên) vẫn ra biển thì trên bờ vẫn luôn có cá tươi...

... dù không đắt hàng như trước...

Chị Trần Thị Tứ - chủ cơ sở đông lạnh Toàn Tứ (Xuân Phượng – Thạch Kim): Nguyên nhân rồi đây sẽ được làm rõ nhưng điều chúng tôi mong muốn nhất vẫn là việc khắc phục sau đó như thế nào? Các cơ quan chức năng sớm làm rõ mức độ ảnh hưởng, khoanh vùng bị ảnh hưởng để người tiêu dùng tin tưởng vào các nguồn hải sản sạch khác. Mong các ngân hàng tiếp tục tạo điều kiện cho chúng tôi giản nợ, hỗ trợ lãi suất trong thời điểm khó khăn này.

Công ty CP XNK Thủy sản Nam Hà Tĩnh chủ yếu sử dụng nguồn nguyên liệu đánh bắt xa bờ và xuất khẩu ra các thị trường ngoài nước, nhưng sự cố môi trường biển vẫn có những tác động tiêu cực nhất định đến tình hình SXKD của doanh nghiệp. Công ty đang tập trung khắc phục khó khăn, duy trì sản xuất ổn định và hi vọng sau khi công bố nguyên nhân, các cơ quan chức năng tiến hành các biện pháp khắc phục thì tình hình sẽ sáng sủa hơn.

Diêm dân thôn Nam Hà, Tây Hà (Kỳ Hà) mong muốn Nhà nước tiếp tục có sự hỗ trợ trong việc thu mua muối cho bà con. Vì sau sự cố môi trường xảy ra việc tiêu thụ gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra, cần tiếp tục có các động thái công bố chất lượng, tiêu chuẩn muối để bà con diêm dân chưa sản xuất, tự tin, mạnh dạn sản xuất trở lại, các tiểu thương trở lại thu mua như những mùa trước.

Anh Tô Xuân Duy - chủ hộ kinh doanh ăn uống ở biển Kỳ Xuân: Từ khi xảy ra sự cố môi trường đến nay, ngày nhiều được vài trăm ngàn. Mong sao khi công bố nguyên nhân rồi, môi trường biển được trả lại trong sạch để người dân tự tin ăn hải sản, các quán hàng yên tâm kinh doanh

Người dân TP Hà Tĩnh muốn thấy lại những quầy hàng hải sản tấp nập khách hàng chứ không phải những gian tôm cá nước ngọt hay rau xanh "chiếm chỗ" như hiện nay

Chủ đề Đánh bắt - Nuôi trồng thủy hải sản

Chủ đề BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói