VIDEO: Theo chân người dân Nghi Xuân đi bắt bọ vừng
Khi trời nhá nhem tối, người dân xã Xuân Thành lại chuẩn bị những vật dụng như: bạt, vợt, đèn pin, xô nhựa... rồi í ới gọi nhau cùng ra đồng bắt bọ vừng.
Theo chia sẻ của người dân địa phương, để bắt được nhiều bọ vừng cần chọn những cây phi lao mọc đơn lẻ ở các cánh đồng hoặc bãi cát. Đây là những nơi bọ vừng thường trú ngụ.
Người dân Xuân Thành đội đèn săn bọ vừng.
Khi phát hiện được địa điểm, người dân sẽ ra hiệu với nhau bằng tiếng hú. Những âm thanh vui tai này khiến không khí trên cánh đồng trở nên sôi động và náo nhiệt hẳn lên.
Dưới gốc cây phi lao có nhiều bọ vừng, người dân sẽ trải tấm bạt rộng sau đó đặt giàn đèn pin ở giữa tấm bạt, ánh sáng hướng lên phía cây. Tiếp đến, người dân dùng chiếc gậy hoặc dùng tay rung lắc mạnh thân cây, bọ vừng sẽ rơi xuống hoặc bay theo hướng ánh sáng của đèn pin. Một số người chờ sẵn dùng vợt lưới để bắt hoặc nhặt những con rơi xuống cho vào xô nhựa.
Chiếu đèn và trải bạt cuối hướng gió là kinh nghiệm săn bọ vừng của người dân Xuân Thành.
Chị Phạm Thị Liêm (trú thôn Thành Phú, xã Xuân Thành) - “thợ săn” bọ vừng có thâm niên ở địa phương cho biết: “Cứ vào trung tuần tháng 3 đến đầu tháng 4 âm lịch hằng năm là thời điểm có nhiều bọ vừng, gia đình tôi tranh thủ tìm bắt về làm thực phẩm, nếu được nhiều thì bán kiếm thêm thu nhập. Loài côn trùng này chế biến thành các món ăn dân dã được xem là “đặc sản” như nướng, xào lá chanh. Giá bán hiện cũng khá cao, khoảng 200 nghìn đồng/kg”.
Bọ vừng đang được bán với giá khoảng 200 nghìn/kg.
Được biết, vòng đời của bọ vừng kéo dài từ 35-45 ngày với các giai đoạn: trứng, ấu trùng, nhộng và thành trùng (trưởng thành). Trọng lượng của một con bọ vừng trưởng thành từ 3 - 5 gram. Bọ vừng thường xuất hiện vào khoảng từ 18 - 21h hằng ngày.
Bọ vừng được dùng để chế biến nhiều món ăn ngon như nướng, xào lá chanh.
Vừa săn được mẻ bọ vừng lớn, chị Phan Thị Huyền Trang (trú thôn Thành Phú, xã Xuân Thành) vui vẻ nói: “Ở quê tôi, bà con đi bắt bọ vừng về chế biến món ăn đã có từ rất lâu. Gần đây, nhiều người dân trong và ngoài xã biết đến và ưa thích món ăn này nên thường xuyên đặt hàng cho gia đình chúng tôi. Dịp này, cứ khoảng 18 - 22h mỗi ngày, gia đình tôi sẽ có từ 2-3 người đi săn bắt. Mỗi đêm thu hoạch được chừng 7-8 kg bọ vừng”.
Nghề bắt bọ vừng đem lại nguồn thu nhập khá cho với gia đình chị Phan Thị Huyền Trang.
Với người dân xã Xuân Thành, săn bắt bọ vừng không chỉ giúp trừ hại cho cây trồng mà đây còn là nguồn thực phẩm, một món ăn “đặc sản” riêng có. Được biết, năm nay bọ vừng xuất hiện nhiều và trọng lượng, kích thước lớn hơn các năm khác nên người dân rất phấn khởi.