Người lính thủy và những ký ức không thể nào quên

(Baohatinh.vn) - Từ thông tin của Hội CCB tỉnh, chúng tôi đã về thị trấn Cẩm Xuyên, gặp Đại úy Nguyễn Xuân Cừ - từng là thủy thủ của đoàn tàu không số. Ký ức của người lính thủy đã đưa chúng tôi trở về với đoàn tàu không số, với những đồng đội đã cống hiến, hy sinh tuổi xuân vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, giành độc lập, tự do cho Tổ quốc.

69 năm ngày thương binh - liệt sỹ 27/7 (1947-2016):

Chúng tôi tìm đến ngôi nhà cấp 4 giản dị nằm khuất ở tuyến sau của tổ dân phố 12, thị trấn Cẩm Xuyên. Bác Nguyễn Xuân Cừ ra đón chúng tôi từ đầu ngõ phố bằng tình cảm thân thiện, cởi mở của người lính.

nguoi linh thuy va nhung ky uc khong the nao quen

Vợ chồng bác Cừ đang lần tìm kỷ niệm trong từng trang nhật ký hành trình đi biển của đoàn tàu không số.

Sinh năm 1944, quê gốc ở Cẩm Nhượng, năm 1961, bác Nguyễn Xuân Cừ nhập ngũ và được biên chế vào lực lượng bộ đội hải quân, tham gia đoàn tàu không số làm công tác tiếp vận cho chiến trường miền Nam theo tuyến đường mòn Hồ Chí Minh trên biển. Bác Cừ đã cùng với đoàn tàu không số thực hiện thành công nhiều chuyến đi xuyên biển từ Bắc vào Nam, vận chuyển thành công hàng ngàn tấn khí tài, quân lương phục vụ chiến trường.

Chiến tranh đã lùi xa, nhưng những dấu tích về một thời khốc liệt, kỷ niệm một thời lênh đênh trên đại dương để tiếp tế cho chiến trường miền Nam vẫn còn nguyên vẹn trong ký ức người thủy thủ đoàn tàu không số. Hướng mặt về phía biển Đông, gương mặt bác Cừ bỗng trở nên trầm lắng trong giây phút nhớ về đồng đội đã anh dũng chiến đấu, hy sinh với ý chí quyết tâm bảo vệ khí tài tiếp viện cho chiến trường. 11 chuyến hành trình tiếp vận đầy gian khó, cam go nhưng đã đến bờ an toàn, tiếp viện kịp thời cho chiến trường cũng là 11 lần ông cùng đồng đội được làm lễ truy điệu sống trước mỗi chuyến đi xa.

Trong ký ức của bác Cừ, chuyến đi cam go nhất là ngày 24/2/1965, chở đoàn cán bộ cao cấp do Thượng tá Nguyễn Thế Bôn làm trưởng đoàn và vũ khí vào cửa biển Bến Tre. Xuất phát từ ngày 17/2, đến 4h sáng 24/2/1965, trong khi tàu đang vào bến cửa biển Bến Tre thì bị địch phát hiện và nổ súng. Chấp hành lệnh thuyền trưởng Phan Vinh, bác Cừ vững tay lái, vừa chiến đấu, vừa cùng đồng đội tìm cách đưa tàu vào bến an toàn. Trong trận đánh đó, bác Cừ bị thương nhưng vẫn cầm cự chiến đấu với quân thù. Đến lúc tàu cập bến chuyển giao hàng cho bộ đội an toàn, bác Cừ được đơn vị chuyển đến điều trị tại Trạm xá Hải quân (Hải Phòng).

Đến đầu năm 1972, bác Cừ được điều động về công tác tại Quân khu Trị Thiên Huế, cùng tàu QT 402, 404 vận chuyển vũ khí cho đảo Cồn Cỏ. Thực hiện được 3 chuyến đi thì cả 2 tàu bị máy bay Mỹ đánh chìm tại cửa sông Nhật Lệ (huyện Bảo Ninh - Quảng Bình). Sau năm 1972, bác Cừ được Quân khu 4 điều lên xã Cự Nậm (Trạm chuyển thương CT14) tiếp tục vận chuyển vũ khí bằng thuyền máy. Đến tháng 6/1974, được chuyển công tác về TP Vinh (Nghệ An) với cương vị Đại đội trưởng chở vũ khí bằng phương tiện ca nô, xà lan lên miền Tây Nghệ An; tháng 10/1974 làm Thuyền trưởng tàu V666 vận tải đường biển của Cục Hậu cần Quân khu 4; tháng 10/1986, bác Cừ được nghỉ hưu.

Cuộc đời 26 năm quân ngũ của bác Cừ luôn gắn bó với sóng nước, mang theo niềm vinh dự, tự hào đã góp phần làm nên chiến thắng của đoàn tàu không số trên biển Đông. Trở về với đời thường, bác Cừ luôn gặp khó khăn do vết thương thường xuyên tái phát. Mặc dù vậy, bác đã cố gắng vượt qua những thử thách bằng ý chí của người lính đã từng vào sinh ra tử, cùng với vợ nuôi dạy các con nên người. Gia đình bác có 3 người con (2 trai, 1 gái), trong đó, 2 người con trai là bộ đội hải quân xuất ngũ; các con của bác đều đã có gia đình. Được biết, vừa qua, được sự quan tâm của Nhà nước, bác Cừ đã được làm chế độ giám định lại thương tật để công nhận thương binh.

Câu chuyện đời binh nghiệp bác Cừ chia sẻ với chúng tôi kết thúc cũng là thời khắc mặt trời sắp gác núi. Chia tay chúng tôi, cựu thủy thủ đoàn tàu không số đọc câu di huấn của Bác Hồ như lời gửi gắm tới thế hệ cháu con: “Ngày xưa, ta chỉ có rừng, có đêm, ngày nay, ta có trời, có biển. Biển ta tươi đẹp, giàu tài nguyên, chúng ta hãy giữ gìn lấy nó, giữ gìn chủ quyền của Tổ quốc thiêng liêng”...

Chủ đề Chủ trương - Chính sách

Đọc thêm

Ai bị tạm dừng hưởng lương hưu từ ngày 1/7/2025?

Ai bị tạm dừng hưởng lương hưu từ ngày 1/7/2025?

Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) năm 2024 cũng quy định 3 trường hợp người đang hưởng lương hưu, trợ cấp hằng tháng bị tạm dừng hưởng chế độ như luật hiện hành nhưng có một số điều chỉnh.
5 trường hợp được hỗ trợ khi tinh giản biên chế, dôi dư trong sắp xếp đơn vị hành chính ở Hà Tĩnh

5 trường hợp được hỗ trợ khi tinh giản biên chế, dôi dư trong sắp xếp đơn vị hành chính ở Hà Tĩnh

Tại Kỳ họp thứ 23, HĐND tỉnh Hà Tĩnh khóa XVIII đã thông qua Nghị quyết chính sách hỗ trợ đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, người hoạt động không chuyên trách và các đối tượng khác tinh giản biên chế, dôi dư trong quá trình sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh.
Hỗ trợ trường hợp tinh giản biên chế, dôi dư trong sắp xếp đơn vị hành chính

Hỗ trợ trường hợp tinh giản biên chế, dôi dư trong sắp xếp đơn vị hành chính

Chính sách hỗ trợ đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, người hoạt động không chuyên trách và các đối tượng khác tinh giản biên chế, dôi dư trong quá trình sắp xếp đơn vị hành chính là nội dung quan trọng sẽ được đại biểu bàn thảo tại Kỳ họp thứ 23, HĐND tỉnh Hà Tĩnh.