Công tác huy động vốn thời gian qua tiếp tục được ngành Ngân hàng Hà Tĩnh đẩy mạnh. Theo đó, các tổ chức tín dụng trên địa bàn đã chủ động, linh hoạt triển khai nhiều chính sách hiệu quả, thu hút dòng tiền nhàn rỗi trong dân cư, nhờ đó, nguồn vốn huy động trên địa bàn đã có sự tăng trưởng tốt.
Từ tháng 3/2024 lại nay, lãi suất huy động của nhiều “nhà băng” tại Hà Tĩnh tuy có tăng, song nhìn chung vẫn thấp so với các giai đoạn trước. Tuy vậy, trong bối cảnh thị trường bất động sản, chứng khoán… chưa thật sự phục hồi tích cực thì nhiều người dân Hà Tĩnh vẫn ưu tiên lựa chọn kênh gửi tiết kiệm để đảm bảo an toàn.
Theo Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Hà Tĩnh, ước đến ngày 30/9/2024, tổng nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn đạt khoảng 112.000 tỷ đồng, tăng khoảng 11,41% so với thời điểm cuối năm 2023.
Thời điểm này, cộng đồng doanh nghiệp, hợp tác xã và các hộ sản xuất, kinh doanh tại Hà Tĩnh đang đẩy mạnh các đơn hàng sản xuất, tăng cường hoạt động xuất khẩu... nên cần nguồn vốn đầu tư lớn. Bởi vậy, việc tăng trưởng nguồn vốn huy động từ các tổ chức tín dụng trên địa bàn đã tạo thêm nguồn lực quan trọng để phục vụ nền kinh tế trong những tháng cuối năm.
Với việc chấp hành nghiêm túc các quy định về điều hành lãi suất của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các tổ chức tín dụng trên địa bàn cạnh tranh lành mạnh.
Cụ thể: Lãi suất huy động tiền gửi bằng VNĐ ở mức từ 0,1-0,5%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; từ 1,7-4,1% đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; từ 2,9-4,7%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; từ 4,2-6,3%/năm đối với tiền gửi kỳ hạn từ 12 tháng trở lên.