Các thực tập sinh điều dưỡng, hộ lý Việt Nam tại lễ khai giảng khóa đào tạo tiếng Nhật ở ngoại thành Hà Nội ngày 28/11/2012. (Ảnh: Kyodo News)
Được biết, vào cuối tuần này, một nhóm gồm 167 thực tập sinh điều dưỡng, hộ lý Việt Nam cũng sẽ đến Nhật Bản theo chương trình trên.
Từ năm 2012 đến nay, hàng năm, Bộ Lao động, thương binh và xã hội phối hợp với các cơ quan chuyên môn của Nhật Bản tuyển chọn, đào tạo và đưa đi hàng trăm chỉ tiêu/năm.
Chương trình đưa điều dưỡng, hộ lý theo Hiệp định VJEPA là chương trình được Chính phủ hai nước tài trợ toàn bộ từ chi phí học tiếng Nhật tại Việt Nam, chi phí đi lại, ăn ở trong quá trình học tiếng thường kéo dài 1 năm. Ngoài ra còn được trợ cấp sinh hoạt phí trong thời gian học tiếng, được hỗ trợ chi phí vé máy bay.
Hoạt động đón nhóm thực tập sinh điều dưỡng Việt Nam đến Nhật Bản vào sáng nay được diễn ra sau khi hai nước đã đồng ý nới lỏng các hạn chế đi lại với điều kiện người nhập cảnh phải thực hiện nghiêm túc và đầy đủ các biện pháp ngăn ngừa sự lây lan của virus SARS-CoV-2 gây dịch Covid-19.
Bên cạnh Việt Nam, Nhật Bản cũng tiếp nhận các thực tập sinh điều dưỡng, hộ lý đến từ các nước Đông Nam Á khác như Indonesia và Philippines theo các Hiệp định đối tác kinh tế (EPA).
Theo thông tin từ một quan chức Bộ Ngoại giao Nhật Bản tiết lộ với hãng thông tấn Kyodo News, mặc dù đại dịch Covid-19 đã khiến cho hoạt động đi lại giữa các nước bị đình trệ, Nhật Bản cũng đang đàm phán với Indonesia và Philippines để xúc tiến việc tiếp tục đưa nhân lực trong lĩnh vực điều dưỡng, chăm sóc y tế đến nước này.
Nhật Bản đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt nhân lực trong lĩnh vực điều dưỡng và chăm sóc y tế do tỷ lệ sinh giảm, già hóa dân số. Theo dự báo, nước này sẽ thiếu khoảng 340.000 điều dưỡng viên vào tài khóa 2025. Để khắc phục tình trạng này, kể từ tài khóa 2008, Nhật Bản đã tiếp nhận các điều dưỡng viên theo các EPA.