Nhiều địa phương chưa triển khai tiêm phòng gia súc, gia cầm

(Baohatinh.vn) - Theo kế hoạch, công tác tiêm vắc -xin phòng bệnh đợt 1 cho gia súc, gia cầm trên địa bàn Hà Tĩnh bắt đầu từ tháng 15/3 đến 15/5. Tuy nhiên, sau gần một tháng triển khai, đến nay, tỷ lệ tiêm phòng đạt thấp, thậm chí, nhiều địa phương chưa triển khai.

Xã Thịnh Lộc ( Lộc Hà, Hà Tĩnh ) bắt đầu triển khai tiêm phòng gia súc định kỳ đợt 1/2018

Huyện Cẩm Xuyên là địa phương có số lượng đàn vật nuôi khá lớn và hàng năm, địa phương này cũng xảy ra các “ổ” dịch trên đàn gia súc, gia cầm. Bởi vậy, tiêm vắc- xin phòng bệnh cho gia súc, gia cầm kịp thời là biện pháp hữu hiệu nhất để phòng chống dịch bệnh. Thế nhưng, sau gần một tháng triển khai, đến nay, tại Cẩm Xuyên, chỉ mới lắc đác một vài xã tổ chức tiêm phòng.

Anh Phan Vĩnh Toàn – Cán bộ Trung tâm Ứng dụng KHKT cây trồng và vật nuôi huyện cho rằng: Hiện tại, vắc xin LMLM cho trâu bò chưa có nên nhiều địa phương đang chờ. Với hình thức tiêm “cuốn chiếu” từng xã một. Trong khi đó đối với đàn trâu bò phải tiêm 2 mũi phòng bệnh lở mồm long móng (LMLM) và tụ huyết trùng nên việc tổ chức tiêm 2 lần là hết sức tốn kém và khó khăn. “Tiến độ tiêm phòng chậm dẫn đến đàn gia súc dễ mắc bệnh, rất khó khống chế. Vì vậy, huyện đang tập trung chỉ đạo các địa phương khẩn trương tiến hành tổ chức tiêm phòng cho các loại gia súc khác như đàn lợn, chó và gia cầm...” – Anh Toàn cho biết thêm.

Cũng từ nguyên nhân trên, cho đến thời điểm này nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh chưa triển khai tiêm phòng gia súc, gia cầm định kỳ đợt 1/2018 như: huyện Kỳ Anh, Thị xã Kỳ Anh, Nghi Xuân, Can Lộc...dẫn đến tỉ lệ tiêm phòng gia súc, gia cầm đến thời điểm này đạt thấp. “Vắc xin tiêm phòng LMLM cho đàn trâu bò hiện chưa có vì Chi cục Chăn nuôi – Thú y đang làm thủ tục đấu thầu, dự kiến khoảng cuối tháng 4/2018 mới cung ứng về cho các địa phương” Ông Trần Hùng - Chi cục Trưởng Chi cục Chăn nuôi - Thú y cho biết.

Thống kê từ Chi cục Chăn nuôi – Thú y, hầu hết các địa phương đã nhận vắc-xin theo số lượng đăng ký vật nuôi bắt buộc tiêm phòng trong đợt 1/2018 ( trừ vắc xin LMLM). Tuy nhiên, sau gần một tháng triển khai mới chỉ có 7 địa phương trong toàn tỉnh tổ chức tiêm phòng dịch bệnh cho gia súc, gia cầm. Kết quả, tiêm phòng bệnh tụ huyết trùng cho trâu bò hiện chỉ đạt 1,5%; tụ huyết trùng, dịch tả lợn đạt gần 14%; dại chó 15,5%...so với tổng đàn

Chưa có vắc xin LMLM nhưng các địa địa phương cần tổ chức tiêm phòng các loại dịch bệnh khác cho gia súc gia cầm để đảm bảo tiến độ, số lượng và chất lượng theo yêu cầu.

Ông Trần Hùng cho rằng: Thời điểm giao mùa, thời tiết thay đổi đột ngột, trong khi đó, đàn vật nuôi đã hết thời gian miễn dịch của đợt tiêm phòng trong năm 2017, nguy cơ xẩy ra dịch bệnh rất cao. Vì vậy, Chi cục Chăn nuôi – Thú y cũng đã chỉ đạo các địa phương cần tiến hành tiêm vắc- xin phòng bệnh cho các loại gia súc như lợn, chó và gia cầm trước. Còn đối với trâu bò, có thể tiến hành tiêm sau, nhằm đảm bảo đúng tiến độ, phòng ngừa tốt các loại dịch bệnh trên đàn vật nuôi.

Trong những năm gần đây, gia súc, gia cầm bị “dính” bệnh đều là những địa phương có tỷ lệ tiêm phòng đạt thấp, chỉ đạt từ 40 – 50%. Số gia súc bị mắc bệnh hầu hết đều chưa được tiêm phòng vắc xin đầy đủ. Chỉ tính trong 9 tháng năm 2017, trên địa bàn tỉnh dịch LMLM gia súc xảy ra tại 12 xã, phường, thị trấn thuộc 6 huyện, thị xã, thành phố (Hồng Lĩnh, Đức Thọ, Can Lộc, Hương Khê, Cẩm Xuyên, TP Hà Tĩnh) làm 147 con mắc bệnh, trong đó 55 lợn ốm, chết tiêu hủy.

Dịch Cúm gia cầm xảy ra tại huyện Kỳ Anh, TP. Hà Tĩnh với tổng số gia cầm ốm, chết, buộc phải tiêu hủy là 2.218 con...Dịch bệnh gia súc,gia cầm xẩy ra thường xuyên là bài học cho các địa phương còn thiếu quyết liệt trong việc chỉ đạo phòng chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm trên địa bàn, người chăn nuôi còn chủ quan, lơ là chưa chú trọng đến tiêm vắc xin phòng bệnh cho đàn vật nuôi, dẫn đến thiệt hại về kinh tế, chăn nuôi thiếu bền vững...

Theo đăng ký từ các địa phương, tỉnh đã giao chỉ tiêu tiêm vắc-xin phòng bệnh bắt buộc cho gia súc, gia cầm định kỳ đợt 1/2018 với tổng số hơn 58.000 con trâu, bò,lợn và chó; hơn 2,8 triệu con gia cầm gồm vịt và gà. Ngoài ra, các địa phương cần giám sát, theo dõi người dân tái đàn để kịp thời tiêm phòng bổ sung. Mặt khác, sau khi được tỉnh cấp 8.628 lít hóa chất sát trùng Benkocit, các cơ sở giết mổ gia súc tập trung, các trang trại chăn nuôi lợn nái ngoại cần tiến hành vệ sinh, tiêu độc khử trùng để phòng chống dịch bệnh hiệu quả.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói