Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thị Nữ Y: Thời gian tới, thành phố Hà Tĩnh cần kiểm tra lại các cam kết chủ đầu tư đang sử dụng đất sai mục đích, chậm tiến độ mà trước đây các cơ quan chức năng đã làm việc, yêu cầu phải thực hiện đúng quy định
Đoàn giám sát đã chia làm 3 tổ đi kiểm tra thực tế tại điểm sử dụng đất, các cơ sở chăn nuôi của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn. Qua đó nắm tình hình, kết quả sử dụng đất, công tác bảo vệ môi trường tại từng dự án cụ thể.
Đoàn giám sát kiểm tra tình trạng sử dụng đất không đúng mục đích tại Rạp 26/3 (đường Phan Đình Phùng, phường Nam Hà)
... kiểm tra tình trạng sử dụng đất không đúng mục đích theo hợp đồng thuê đất tại Công ty cổ phần Lương thực Hà Tĩnh (đường Đặng Dung, phường Nam Hà)
Thực tế kiểm tra và báo cáo của UBND thành phố đã cho thấy, hiện ở thành phố đang có 42 tổ chức, cá nhân sử dụng đất trái quy hoạch, kế hoạch của địa phương hoặc sai mục đích được giao, kém hiệu quả, chậm tiến độ trên 12 tháng, năng lực chủ đầu tư hạn chế...
Tại buổi làm việc, UBND thành phố báo cáo giai đoạn 2014 - 2016, trên địa bàn đã triển khai 97 dự án với 85 ha đất các loại bị thu hồi. Ngoài ra, UBND thành phố cũng đã giao đất có thu tiền cho 1.238 hộ gia đình với diện tích gần 208.187m2. Tổng tiền thu từ đất trong giai đoạn trên là 1.499.819 triệu đồng, trong đó thành phố được hưởng 446.612 triệu đồng và nguồn này được sử dụng để chi đầu tư hạ tầng, xây dựng các chương trình mục tiêu, hỗ trợ các cơ chế chính sách và các nhiệm vụ khác.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Quang Đức báo cáo tình hình quản lý đất đai và môi trường trên địa bàn
Trong quá trình sử dụng đất, tuy không có hộ gia đình nào vi phạm buộc phải thu hồi nhưng có 4 lô đất của các chủ đầu tư không có nhu cầu sử dụng hoặc quá thời hạn đầu tư bị UBND thành phố và các đoàn liên ngành cấp tỉnh thu hồi...
Về lĩnh vực môi trường, hiện tổng lượng rác thải trên địa bàn là 104 tấn/ngày đêm, tỷ lệ thu gom đạt 92%. Công tác thu gom, lưu trữ, vận chuyển, xử lý nguồn chất thải rắn sinh hoạt đã được quan tâm thực hiện khá tốt. Hiện thành phố phải trích hàng chục tỷ đồng ngân sách hỗ trợ công tác xử lý rác thải do mức thu phí từ các đối tượng xả rác thải sinh hoạt không đủ (tại các xã là 15.000đ/hộ/tháng và các phường là 20.000đ/hộ/tháng).
Bên cạnh quan tâm xử lý rác thải sinh hoạt, công tác bảo vệ môi trường trong chăn nuôi cũng được các địa phương, người chăn nuôi quan tâm. Từ 2014-2016, UBND thành phố đã hỗ trợ gần 1 tỷ đồng làm bể biogas, xử lý sinh học phân hữu cơ vi sinh. Ngoài sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, ý thức bảo vệ môi trường của các hộ chăn nuôi ngày càng được nâng lên...
Ông Đỗ Khoa Văn - Giám đốc Sở KH&CN - thành viên Đoàn giám sát báo cáo tình trạng một số khu đất được giao cho các tổ chức, cá nhân không đúng mục đích, kém hiệu quả mà Tổ số kiểm tra 2 của đoàn giám sát đã tiến hành kiểm tra.
Tại buổi làm việc, các thành viên Đoàn giám sát, lãnh đạo một số sở, ngành đã tập trung trao đổi một số vấn đề cùng quan tâm như: Một số dự án được giao đất nhưng chậm tiến độ, nhà đầu tư có dấu hiệu đối phó để kéo dài tiến độ thực hiện dự án mà không bị thu hồi đất; việc đấu giá một số khu đất đắc địa trước đây là trụ sở làm việc của các cơ quan thực hiện chậm; việc xử lý tài sản trên đất một số khu đất buộc phải thu hồi gặp khó khăn; nhiều quyết định của UBND tỉnh không được thành phố thực hiện nghiêm túc; thành phố có hàng ngàn hộ chăn nuôi nhỏ lẻ quy mô nông hộ nhưng tỷ lệ hộ có bể biogas còn ít...
Chủ tịch UBND thành phố Hà Văn Trọng: Do tính chất đặc thù của thành phố là đất đai có giá trị cao, có nhiều doanh nghiệp đến đầu tư nên công tác quản lý nhà nước về đất đai gặp nhiều khó khăn. Hiện, UBND thành phố đang phối hợp với Sở TN&MT kiểm tra, rà soát để có đánh giá đúng tình hình sử dụng đất và có hướng xử lý, nhất là đối với các dự án sử dụng sai mục đích, chậm tiến độ đầu tư...
Kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thị Nữ Y - Trưởng đoàn giám sát cho rằng, thành phố là địa bàn “nóng”, phức tạp, có nhiều tồn đọng trong lĩnh vực đất đai, môi trường. Các dự án sử dụng đất sai mục đích, chậm tiến độ không chỉ khiến nhân dân bức xúc, gây lãng phí tài nguyên mà còn ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị. Nhiều tổ chức, doanh nghiệp chưa thực sự nghiêm túc trong việc chấp hành pháp luật sau khi được giao đất, cho thuê đất, thậm chí có dấu hiệu đối phó...
Phó chủ tịch HĐND tỉnh lưu ý, thời gian tới, thành phố Hà Tĩnh cần tăng cường quản lý nhà nước về đất đai, trong đó tập trung rà soát, đánh giá lại tình hình giao đất, cho thuê đất; kiểm tra lại các cam kết chủ đầu tư đang sử dụng đất sai mục đích, chậm tiến độ mà trước đây các cơ quan chức năng đã làm việc, yêu cầu phải thực hiện đúng cam kết; tổng hợp danh mục, dự án đang sử dụng sai mục đích, chậm tiến độ để có biện pháp xử lý, thậm chí thu hồi lại đất; rà soát lại các trụ sở cũ của các cơ quan, đơn vị để có hướng xử lý hiệu quả.
Ngoài ra, trong quá trình phát triển đô thị, thành phố Hà Tĩnh cần tiếp tục quan tâm đến công tác bảo vệ môi trường, xử lý tốt rác thải sinh hoạt và chất thải chăn nuôi trong các khu dân cư...