Những người thầm lặng xoa dịu nỗi đau cho các mảnh đời bất hạnh ở Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Luôn có mặt kịp thời can thiệp, trợ giúp các hoàn cảnh bất hạnh, nhiều năm qua, cán bộ, nhân viên Trung tâm Công tác xã hội - Giáo dục nghề nghiệp cho người khuyết tật Hà Tĩnh đã giúp hằng trăm trường hợp ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng...

Những người thầm lặng xoa dịu nỗi đau cho các mảnh đời bất hạnh ở Hà Tĩnh

Cán bộ Trung tâm Công tác xã hội - Giáo dục nghề nghiệp cho người khuyết tật Hà Tĩnh tặng quà cho học sinh khó khăn ở Trường Tiểu học Thạch Văn (Thạch Hà) dịp 31/3/2023.

Dịp đầu tháng 3/2023 vừa qua, trên địa bàn tỉnh xẩy ra vụ việc 2 bé gái lớp 5 và lớp 7 bị lạm dụng và xâm hại tình dục. Nhận được tin báo từ cộng tác viên (CTV) ở địa phương, ngay lập tức, Trung tâm Công tác xã hội - Giáo dục nghề nghiệp cho người khuyết tật Hà Tĩnh (Trung tâm Công tác xã hội) đã phối hợp chính quyền nắm bắt thông tin cụ thể, đồng thời, lập đoàn công tác trực tiếp xuống tận nơi can thiệp, hỗ trợ nạn nhân.

Cùng với thăm hỏi động viên gia đình, đề nghị các cơ quan chức năng xử lý vụ việc, bảo trợ việc khám, giám định sức khỏe bảo vệ người bị hại, các nữ cán bộ của trung tâm đã tiếp cận các cháu gái và gia đình để hỗ trợ về mặt tâm lý. Bằng nghiệp vụ của mình, sau một thời gian, các nạn nhân bước đầu đã ổn định tâm lý.

Những người thầm lặng xoa dịu nỗi đau cho các mảnh đời bất hạnh ở Hà Tĩnh

Trẻ em bị xâm hại không chỉ tổn thương về mặt cơ thể mà tâm lý ảnh hưởng nặng nề trong suốt cuộc đời. Minh họa internet.

Vụ việc trên là một trong hàng chục trường hợp trẻ em bị bạo hành và xâm hại tình dục mà cán bộ trung tâm đã hỗ trợ, can thiệp thành công trong thời gian qua. Theo báo cáo của Trung tâm Công tác xã hội Hà Tĩnh, từ năm 2019 lại đây, trung tâm đã can thiệp, trợ giúp tâm lý cho 30 trẻ em bị bạo lực, xâm hại; phối hợp hỗ trợ 30 trường hợp phụ nữ bị bạo lực và có nguy cơ bị bạo lực gia đình. Trong đó, điển hình như vụ nữ sinh một trường THPT ở huyện miền núi Hà Tĩnh bị tổn thương tâm lý nặng nề, sau khi bị 3 bạn nam cùng trường xâm hại năm 2022...

Chị Trần Thị Mỹ Thuận - cán bộ Trung tâm Công tác xã hội tỉnh cho biết: “Đối với các nạn nhân của bạo hành và xâm hại tình dục là trẻ vị thành niên hoặc phụ nữ yếu thế, ngoài sức khỏe, tinh thần cũng bị tổn thương nặng nề. Vì vậy, bên cạnh can thiệp bảo vệ quyền lợi trong các vấn đề về pháp luật, vấn đề khó khăn nhất là hỗ trợ về mặt tâm lý để các nạn nhân sớm ổn định tinh thần. Do vậy, chúng tôi luôn xem các nạn nhân như người thân của mình, từ đó, kiên nhẫn trò chuyện, tác động tâm lý... để họ mở lòng, giải tỏa những uẩn ức, tái hòa nhập cuộc sống”.

Những người thầm lặng xoa dịu nỗi đau cho các mảnh đời bất hạnh ở Hà Tĩnh

Chị Trần Thị Mỹ Thuận trong buổi truyền thông phòng chống xâm hại cho học sinh.

Ông Bùi Xuân Thọ - Trưởng phòng Công tác xã hội (Trung tâm Công tác xã hội tỉnh) chia sẻ: “Điều chúng tôi trăn trở nhất là trẻ bị xâm hại phần lớn đều thuộc diện có hoàn cảnh đặc biệt, gia đình nghèo hoặc có bố mẹ ly hôn. Đôi khi chính gia đình và cộng đồng xung quanh các em còn chưa nhận thức hết được tầm quan trọng và ý nghĩa của hoạt động chăm sóc và bảo vệ trẻ em.

Hoạt động trợ giúp không chỉ kéo dài trong vài tháng mà còn liên quan đến cả việc tạo dựng môi trường sống an toàn cho các em về sau. Trong khi, các nội dung can thiệp, hỗ trợ theo Quyết định số 486/QĐ-UBND ngày 01/3/2022 của UBND tỉnh Hà Tĩnh vẫn chưa triển khai được một cách sâu rộng đến toàn hệ thống chăm sóc và bảo vệ trẻ em. Chính vì vậy, để có thể tăng cường các hoạt động, rất cần có các cơ chế phối hợp toàn diện hơn giữa các ban, ngành, các cấp liên quan”.

Cùng với công tác can thiệp, trợ giúp đối tượng cần bảo vệ khẩn cấp, Trung tâm Công tác xã hội còn thường xuyên thực hiện nhiều chương trình truyền thông về phòng chống tai nạn thương tích đuối nước, phòng chống xâm hại trẻ em, phòng chống mua bán người, nâng cao nhận thức pháp luật về bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình. Qua đó, nhằm nâng cao nhận thức cho trẻ em và người dân tại các địa bàn trên toàn tỉnh. Chỉ riêng năm 2022 và 3 tháng đầu năm 2023, trung tâm đã tổ chức được 58 chương trình truyền thông với trên 12.000 lượt trẻ em và hàng nghìn người dân tham gia.

Những người thầm lặng xoa dịu nỗi đau cho các mảnh đời bất hạnh ở Hà Tĩnh

Một nội dung trong truyền thông chống đuối nước trẻ em do Trung tâm Công tác xã hội tỉnh thực hiện.

Bằng những phương pháp truyền đạt mới mẻ, các buổi truyền thông đã nhận được sự hưởng ứng sôi nổi của học sinh và giáo viên tại các trường học; góp phần tăng cường nhận thức của người dân trong việc bảo vệ quyền lợi cho trẻ em. Đồng thời giúp học sinh phòng tránh các tai nạn thương tích, đuối nước, hướng dẫn các kỹ năng phòng, chống xâm hại, bạo lực cần có cho trẻ em.

Thầy Hồ Thái Thương - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thạch Văn (Thạch Hà) cho biết: “Thời gian qua, các vụ việc về trẻ em bị bạo hành, xâm hại, trẻ bị đuối nước có dấu hiệu gia tăng. Chính vì vậy, các chương trình truyền thông của Trung tâm Công tác xã hội tỉnh có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc chung tay cùng các nhà trường cũng như cộng đồng nâng cao ý thức chăm sóc và bảo vệ trẻ. Từ đó, xây dựng được nền tảng về kiến thức, kỹ năng trong phòng tránh thương tích, đuối nước và bạo hành, xâm hại cho trẻ em trong trường học”.

Những người thầm lặng xoa dịu nỗi đau cho các mảnh đời bất hạnh ở Hà Tĩnh

Thầy Hồ Thái Thương - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thạch Văn (Thạch Hà) chia sẻ về ý nghĩa của chương trình truyền thông của Trung tâm Công tác xã hội tỉnh tại các trường học.

Để công tác trợ giúp đạt hiệu quả, những năm qua, Trung tâm Công tác xã hội tỉnh không ngừng mở rộng mạng lưới CTV xã hội tại các địa phương bằng nhiều khóa tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ. Đến nay, mạng lưới CTV của trung tâm đã phủ sóng khắp các địa phương trên toàn tỉnh. Nhờ đó, trung tâm luôn nắm bắt được các thông tin về các đối tượng cần trợ giúp để kịp thời can thiệp hỗ trợ.

Bên cạnh hoạt động trong lĩnh vực công tác xã hội, trung tâm còn huy động Quỹ Bảo trợ trẻ em hàng chục tỷ đồng, hỗ trợ 23.053 trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, hoàn cảnh đặc biệt bằng hàng nghìn suất quà; tổ chức các đợt khám chữa bệnh miễn phí; trao học bổng, tặng xe đạp, sổ tiết kiệm; xây dựng thư viện các trường học; hỗ trợ đột xuất các đối tượng; tư vấn các chế độ chính sách, hỗ trợ sinh kế cho 3.056 lượt đối tượng...

Thông qua sự kết nối của trung tâm với các nhà hảo tâm, những mảnh đời bất hạnh đã tìm được sự “an yên” về tinh thần lẫn sự ổn định cuộc sống. Cùng đó, hoạt động dạy nghề và giới thiệu việc làm cũng đã được triển khai thường xuyên, mang lại những cơ hội thay đổi cuộc sống cho nhóm đối tượng là người khuyết tật.

Những người thầm lặng xoa dịu nỗi đau cho các mảnh đời bất hạnh ở Hà Tĩnh

Lãnh đạo Trung tâm Công tác xã hội tỉnh và đại diện chính quyền phường Đức Thuận (TX Hồng Lĩnh) đến động viên và trao quà cho các cháu mồ côi trên địa bàn (tháng 9/2022).

Phát huy những kết quả đạt được, thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục tham mưu, phối hợp cùng các cấp, các tổ chức và địa phương nâng cao hơn nữa vai trò của công tác xã hội trong việc tuyên truyền về các chính sách, pháp luật liên quan đến quyền lợi của các đối tượng yếu thế trong xã hội. Đồng thời, tăng cường nắm bắt và kịp thời can thiệp, hỗ trợ các đối tượng; huy động các nguồn hỗ trợ từ cộng đồng để giúp các hoàn cảnh éo le, trẻ em thiếu may mắn; dạy nghề và giới thiệu việc làm cho người khuyết tật” có hiệu quả hơn.

Ông Thái Ngọc Lâm
Giám đốc Trung tâm Công tác xã hội Hà Tĩnh

Chủ đề Làng nghề LĐVL

Đọc thêm

Trao tặng nhiều phần quà cho học sinh khó khăn

Trao tặng nhiều phần quà cho học sinh khó khăn

Nhân kỷ niệm 110 năm ngày sinh đồng chí Lý Tự Trọng (20/10/1914-20/10/2024), các tổ chức đoàn đã tổ chức nhiều hoạt động thiện nguyện hướng đến các em học sinh khó khăn.
Chung tay hỗ trợ 2 bé mồ côi ở Hương Sơn

Chung tay hỗ trợ 2 bé mồ côi ở Hương Sơn

Huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) chỉ đạo quyết liệt việc hoàn thành hồ sơ công nhận hộ nghèo cho 2 cháu mồ côi ở xã Quang Diệm, giúp các cháu được hưởng chính sách của Nhà nước.