Những người thầm lặng“gieo mầm” nhân ái ở Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Với tâm nguyện hướng đến những mảnh đời khó khăn, bất hạnh trong xã hội để kêu gọi cộng đồng cùng chung tay hỗ trợ, các nhóm thiện nguyện ở Hà Tĩnh đã không quản ngại vất vả, lặng lẽ mang hạnh phúc cho đời.

Những người thầm lặng“gieo mầm” nhân ái ở Hà Tĩnh

Cảnh bản làng tan hoang sau lũ quét ở miền Tây Nghệ An, dịp đầu tháng 10/2022. Ảnh: Báo Nghệ An

Những bước chân thầm lặng…

Đầu tháng 10/2022, ngay sau khi các phương tiện truyền thông đưa tin về trận lũ quét ở huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) khiến nhiều gia đình rơi vào cảnh vô cùng khốn khó, nhóm thiện nguyện Minh Tâm Hà Tĩnh (Minh Tâm HT) đã vội thông báo các thành viên để bàn về việc cứu trợ. Sau 3 ngày chuẩn bị, Phó Trưởng nhóm Nguyễn Văn Cường (SN 1987), thủ quỹ nhóm Nguyễn Thị Thảo (SN 1981) cùng ở huyện Can Lộc và thành viên Trịnh Thị Quỳnh (SN 1989, ở huyện Đức Thọ) nhận nhiệm vụ lên đường. Kết nối với 4 nhóm thiện nguyện khác là Mái ấm hướng thiện, CLB Xuyên đêm (TP Hà Tĩnh) và nhóm thiện nguyện Tâm nguyện, CLB Tấm lòng yêu thương (Hà Nội), các thành viên đã vượt qua quãng đường hàng trăm km hướng về miền Tây Nghệ An.

Với số tiền 180 triệu đồng (trong đó, nhóm Minh Tâm HT 40 triệu đồng) quyên góp từ cộng đồng, đoàn đã hỗ trợ khẩn cấp cho hàng trăm người dân ở vùng lũ Kỳ Sơn.

Những người thầm lặng“gieo mầm” nhân ái ở Hà Tĩnh

Các thành viên nhóm thiện nguyện Minh Tâm HT trao hỗ trợ cho người dân Kỳ Sơn (Nghệ An) bị lũ cuốn trôi nhà cửa tài sản, trong dịp đầu tháng 10/2022.

“Đến tận nơi, chúng tôi càng chứng kiến rõ hơn khung cảnh hoang tàn sau trận lũ. Hàng chục ngôi nhà của bà con đã bị lũ cuốn. Nhiều người mất nhà cửa, tài sản, thậm chí mất người thân, khó khăn vô cùng”, anh Nguyễn Văn Cường (SN 1987, ở thị trấn Nghèn, Can Lộc) - Phó Trưởng nhóm Minh Tâm HT cho hay.

Chuyến đi về với đồng bào miền Tây Nghệ An vừa qua là một trong nhiều chương trình thiện nguyện mà nhóm Minh Tâm HT thực hiện trong suốt thời gian qua. Nhóm được thành lập vào tháng 9/2020, do bác sỹ Nguyễn Thị Hương - Phó Giám đốc Trung tâm Y tế Can Lộc làm Trưởng nhóm từ sự kết nối, tập hợp các cá nhân có niềm say mê làm thiện nguyện.

Những người thầm lặng“gieo mầm” nhân ái ở Hà Tĩnh

Ban chủ nhiệm và một số thành viên nhóm Minh Tâm HT hội ý chuẩn bị cho những kế hoạch thiện nguyện trong thời gian tới.

Trong 21 thành viên của nhóm hiện tại (ban đầu 15 thành viên) đa phần là cán bộ, nhân viên, giáo viên đang công tác tại các cơ quan Nhà nước. Dù công việc bận rộn nhưng các thành viên đều sắp xếp thời gian, sẵn sàng lên đường đến những nơi có hoàn cảnh nghèo khó cần giúp đỡ. Những đối tượng nhóm hướng đến hỗ trợ là người nghèo, người gặp hoạn nạn, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, như: người già neo đơn, trẻ em mồ côi…

Đến nay, sau hơn 2 năm hoạt động, nhóm thiện nguyện Minh Tâm HT đã vận động được gần 9,4 tỷ đồng (bao gồm tiền mặt và hàng hóa, trong đó, riêng năm 2020 và 2021 vận động được gần 9 tỷ đồng), thực hiện hàng chục chương trình hỗ trợ cho đồng bào vùng lũ, đến với người nghèo vùng sâu, vùng xa… trên địa bàn trong và ngoài tỉnh.

Những người thầm lặng“gieo mầm” nhân ái ở Hà Tĩnh

Từ tháng 9/2020 đến nay, Chương trình Bát cháo tình thương được nhóm Minh Tâm HT tổ chức thường xuyên vào thứ 3 hàng tuần, tại Trung tâm y tế Can Lộc.

Bên cạnh các chương trình hỗ trợ khẩn cấp như: hỗ trợ bà con vùng lũ Cẩm Xuyên vào tháng 10/2020, chung tay hỗ trợ Nhân dân và lực lượng phòng chống dịch COVID-19 năm 2021, nhóm còn hỗ trợ hàng trăm trường hợp là người già neo đơn, người tàn tật, người có cuộc sống khó khăn…

Đặc biệt, từ đầu năm 2022, nhóm đã lên kế hoạch vận động và kết nối với các mạnh thường quân nhận đỡ đầu hằng tháng cho 9 trẻ mồ côi và 3 trường hợp hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn huyện Can Lộc. Trong đó, đỡ đầu 9 trẻ mồ côi với mức hỗ trợ từ 500 nghìn - 1 triệu đồng/tháng/em, hỗ trợ 3 hoàn cảnh đặc biệt éo le từ 1,7-2,4 triệu đồng/tháng/gia đình. Theo cam kết của nhà tài trợ, thời gian hỗ trợ sẽ kéo dài cho đến lúc các cháu trưởng thành đối với trẻ mồ côi và các trường hợp đặc biệt vượt qua được nghịch cảnh.

Những người thầm lặng“gieo mầm” nhân ái ở Hà Tĩnh

Hiện nay, nhóm Minh Tâm HT đang nhận đỡ đầu 9 trẻ mồ côi trên địa bàn Can Lộc, với mức hỗ trợ từ 500 ngàn đồng - 1 triệu đồng/cháu/ 1 tháng. Trong ảnh: Đại diện nhóm trao hỗ trợ tháng 8 và 9 cho em Trần Đức Nguyên (xã Thanh Lộc, Can Lộc).

Minh Tâm HT là một trong hàng chục nhóm, quỹ thiện nguyện ở Hà Tĩnh như: Quỹ Nhân ái Hồng La do thầy giáo Trần Quốc Thường (ở Đức Thọ đứng chủ), nhóm Hướng thiện từ trái tim do anh Lê Thái Bình (ở huyện Kỳ Anh làm Trưởng nhóm), nhóm Mái ấm hướng thiện (ở TP Hà Tĩnh) do chị Nguyễn Phương Dung đại diện đã và đang có những hành trình thầm lặng đồng hành cùng những hoàn cảnh khó khăn, éo le trong cuộc sống.

Những người thầm lặng“gieo mầm” nhân ái ở Hà Tĩnh

Nhóm thiện nguyện Hướng thiện từ trái tim, Bếp cơm 0 đồng Hương Vũ phối hợp cùng Hội Chữ thập đỏ huyện Kỳ Anh trao cứu trợ tại xã Nậm Cắn (Kỳ Sơn, Nghệ An) dịp vừa qua.

Theo thầy Trần Quốc Thường - người sáng lập và Trưởng nhóm Nhân ái Hồng La: Nhóm được thành lập năm 2014, tiền thân là Quỹ Khuyến học - Nhân ái Trường THCS Nguyễn Biểu, hiện có 9 thành viên chính thức và 10 tình nguyện viên. Sau 8 năm hoạt động, nhóm đã vận động được khoảng 6 tỷ đồng, thực hiện hàng chục chương trình cho người nghèo, hoàn cảnh khó khăn, như: áo ấm cho các cụ già, đàn gà cho em, quà cho bệnh nhân tâm thần, tiếp sức đến trường, xây nhà tình nghĩa, xe đạp cho em, xe lăn cho người bại liệt…

Những người thầm lặng“gieo mầm” nhân ái ở Hà Tĩnh

Hiện, Quỹ Nhân ái Hồng La đang hỗ trợ thường xuyên 24 sinh viên nghèo đang học tập tại các trường đại học trên cả nước. Trong ảnh: Thầy Trần Quốc Thương (thứ 2 từ phải qua) cùng các em sinh viện được hỗ trợ đang học tập tại Hà Nội.

Thời gian qua, Nhân ái Hồng La đã xây dựng được 15 ngôi nhà tình nghĩa cho hoàn cảnh khó khăn; qua kết nối với các nhà hảo tâm, mạnh thường quân, nhóm cưu mang hằng tháng cho trên 100 hoàn cảnh. Trong đó, có 24 sinh viên nghèo, 40 học sinh mồ côi đang học tập tại các trường trên địa bàn tỉnh và các trường đại học trên cả nước, cùng 40 cụ già cô đơn, mù lòa, bại liệt của huyện Đức Thọ…

…mang theo trái tim ấm áp

Nhắc đến những kỷ niệm đáng nhớ trên hành trình thiện nguyện của mình, các thành viên trong nhóm Minh Tâm HT vẫn kể về trường hợp của 2 thành viên trong nhóm là vợ chồng anh Nguyễn Văn Cường và chị Nguyễn Thị Thủy. Trong trận lũ lịch sử tháng 10/2020, mặc dù con còn nhỏ nhưng anh chị đã gửi con lại nhờ mẹ chăm sóc cùng nhóm đi vận động hỗ trợ bà con vùng lũ Cẩm Xuyên ròng rã cả tháng trời. Hay chị Nguyễn Thị Hương, Trịnh Thị Quỳnh đều từng phẫu thuật cột sống, việc vận động mạnh hay ngồi xe đường dài rất khó khăn nhưng vẫn theo đoàn lên tận vùng sâu huyện Hương Khê để hỗ trợ các em nhỏ hoàn cảnh khó khăn trước thềm năm học mới… “Khi biết tin nơi nào đó có người cần giúp đỡ, dường như chúng tôi chỉ nghĩ làm thế nào để có thể đến nhanh nhất, hỗ trợ bà con” - anh Cường bày tỏ.

Những người thầm lặng“gieo mầm” nhân ái ở Hà Tĩnh

Anh Nguyễn Văn Cường (thị trấn Nghèn, Can Lộc) - Phó trưởng nhóm Minh Tâm HT.

Được biết, ngoài vận động cộng đồng chung tay giúp sức hỗ trợ người nghèo, các thành viên nhóm Minh Tâm HT còn tự đóng góp hằng tháng bổ sung vào nguồn quỹ của nhóm. Theo bác sỹ Nguyễn Thị Hương - Trưởng nhóm Minh Tâm HT, việc này nhằm mục đích tạo nguồn hỗ trợ kịp thời các hoàn cảnh cần giúp đỡ đột xuất khi chưa có nguồn từ vận động cộng đồng. Ngoài ra, mỗi chuyến đi cứu trợ, các thành viên đều tự bỏ tiền túi của mình để trang trải chi phí đi lại, ăn ở; các khoản hỗ trợ đều công khai minh bạch tài chính để nhà hảo tâm nắm rõ.

Những người thầm lặng“gieo mầm” nhân ái ở Hà Tĩnh

Bác sỹ Nguyễn Thị Hương - Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Can Lộc là Trưởng nhóm thiện nguyện Minh Tâm HT.

Đối với nhóm Quỹ Nhân ái Hồng La, trong 9 thành viên chính thức và 10 tình nguyện viên có nhiều người xuất phát điểm hoàn cảnh đặc biệt. Đó là ông Dương Quỹ Đạo - Phó Trưởng nhóm, nguyên Giám đốc Làng Trẻ em mồ côi Hà Tĩnh là thương binh hạng 2/4; cô Trần Thị Hồng từng bị tai nạn giao thông phải cưa cụt chân trái. Hay nhóm Hướng thiện từ trái tim (Kỳ Anh) do anh Lê Thái Bình làm Trưởng nhóm - dù bị khuyết tật, đi lại khó khăn nhưng anh đã có mặt ở nhiều địa bàn, giúp đỡ nhiều hoàn cảnh... Họ đều là những người sức khỏe yếu, bệnh tật nhưng bằng trái tim ấm áp của mình đã đi đến nhiều hoàn cảnh khó khăn, mang tình yêu thương đến với những người không may mắn.

Những người thầm lặng“gieo mầm” nhân ái ở Hà Tĩnh

Thầy Trần Quốc Thường - Chủ nhiệm nhóm Quỹ Nhân ái Hồng La.

“Từng có chút suy nghĩ về những dị nghị, hoài nghi của một số người đối với việc làm của mình nhưng rồi niềm tin về những giá trị tốt đẹp giúp chúng tôi thêm động lực. Tôi tin khi chúng ta gieo vào cánh đồng của cuộc đời những hạt mầm nhân ái, tình yêu thương sẽ lan tỏa và ngày càng xanh tươi”. Chia sẻ của thầy Trần Quốc Thường - Trưởng nhóm Nhân ái Hồng La cũng là tình cảm, lẽ sống của biết bao trái tim thiện nguyện, đang nỗ lực đưa hơi ấm của cộng đồng đến với những cảnh đời bất hạnh, những hoàn cảnh khó khăn.

Chủ đề Nhịp cầu nhân ái

Đọc thêm

Vốn cổ quê hương trong tình yêu của các ca sĩ trẻ

Vốn cổ quê hương trong tình yêu của các ca sĩ trẻ

Không phải ngẫu nhiên mà Hà Tĩnh là quê hương của nhiều ca sĩ thành danh trong dòng nhạc dân gian. Nhiều giọng ca người Hà Tĩnh chia sẻ, từ nhỏ họ đã được nuôi dưỡng tình yêu với nghệ thuật truyền thống thông qua những câu hò, điệu ví. Chất dân ca cứ thế ngấm dần vào giọng nói, tiếng hát một cách tự nhiên như hơi thở.
Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh - “ngọc quý” của muôn đời

Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh - “ngọc quý” của muôn đời

Trong kho tàng di sản văn hóa quý giá của miền quê xứ Nghệ, dân ca ví, giặm là những “hạt ngọc’’ lấp lánh. Bằng tâm hồn đẹp đẽ, phong phú, bằng tình yêu sâu sắc và mãnh liệt với di sản của cha ông, những thế hệ cư dân Nghệ An, Hà Tĩnh đã làm lung linh, tỏa sáng những viên ngọc quý ấy.
Xem nghệ nhân trình diễn di sản văn hóa được UNESCO ghi danh

Xem nghệ nhân trình diễn di sản văn hóa được UNESCO ghi danh

Tại các gian hàng trưng bày và trình diễn di sản văn hóa được UNESCO ghi danh trong khuôn khổ Festival “Về miền ví, giặm – Kết nối tinh hoa di sản” được tổ chức tại Hà Tĩnh, du khách sẽ có cơ hội khám phá những dấu ấn văn hóa của các vùng miền trong nước.
Cuốn biên niên sử của cộng đồng người Xứ Nghệ

Cuốn biên niên sử của cộng đồng người Xứ Nghệ

Dân ca ví, giặm là một bộ phận chủ đạo trong kho tàng thơ ca trữ tình dân gian do cộng đồng người Việt ở 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh sáng tạo nên trong quá trình lao động sản xuất và sinh hoạt cộng đồng.
Nơi tỏa sáng các di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam

Nơi tỏa sáng các di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam

Festival “Về miền ví, giặm - Kết nối tinh hoa di sản” năm 2024, tại Hà Tĩnh không chỉ là nơi trình diễn di sản xứ Nghệ mà còn là không gian để các di sản văn hóa phi vật thể từ mọi miền đất nước hội tụ tỏa sáng.
Tiếng búa ghi danh nâng tầm ví, giặm

Tiếng búa ghi danh nâng tầm ví, giặm

Giây phút tiếng búa của Chủ tịch Ủy ban Liên chính phủ Công ước UNESCO về bảo vệ di sản phi vật thể vang lên, ghi danh dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại 10 năm trước, vẫn còn đọng mãi trong tôi những cảm xúc dâng trào.
Yêu câu ví, giặm quê mình

Yêu câu ví, giặm quê mình

Trước ngày “khai hội” kỷ niệm 10 năm dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO ghi danh là “Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại” (2014-2024), những người con quê hương Nghệ An - Hà Tĩnh đã mang câu ví, giặm ngọt ngào đến với muôn phương không khỏi bồi hồi, xao xuyến…
“Quả ngọt” mùa giá rét

“Quả ngọt” mùa giá rét

Khi không khí lạnh tràn về, những vườn quả đã ủ hương lên mật, ruộng nương, hạt tí tách nẩy mầm, cũng là lúc người nông dân Hà Tĩnh chộn rộn chờ đón những mùa đông ấm áp, đủ đầy.
Cô giáo say mê dân ca ví, giặm

Cô giáo say mê dân ca ví, giặm

Nhiều năm qua, cô Phan Thị Thùy Diễm (Tổng phụ trách Đội Trường THCS Thành Mỹ, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh) đã không ngừng truyền dạy làn điệu dân ca cho các thế hệ học sinh.