Trạm Hải đăng Cửa Nhượng đảm bảo cho tàu thuyền của ngư dân vùng biển Hà Tĩnh đi lại an toàn.
Trạm Hải đăng Cửa Nhượng thuộc Công ty Bảo đảm an toàn hàng hải Bắc Trung Bộ (Tổng Công ty Bảo đảm hàng hải Miền Bắc) cao 15m, nằm bên rìa bờ nam Cửa Nhượng.
Đứng trên ngọn hải đăng Cửa Nhượng phóng tầm mắt ra phía Đông là biển khơi mênh mông, phía Bắc là Khu du dịch Thiên Cầm và làng chài Cẩm Nhượng; phía Nam là những làng quê bình yên của xã Cẩm Lĩnh.
Ngọn hải đăng được ví như “mắt thần” nơi cửa biển. Với trách nhiệm và niềm tự hào, những người làm nhiệm vụ gác đèn biển đã hy sinh tuổi thanh xuân, tháng ngày làm bạn với đèn, với sóng nước.
Trạm Hải đăng Cửa Nhượng hiện có 4 cán bộ. Để duy trì hoạt động an toàn thường xuyên của hải đăng, hằng ngày, các cán bộ ở đây luôn phải cần mẫn kiểm tra từng chi tiết trong hệ thống phản quang; lau chùi bóng đèn và các thiết bị phụ trợ, theo dõi các thông số kỹ thuật đèn biển...
Anh Đậu Khắc Mận - Trạm trưởng Trạm Hải đăng Cửa Nhượng đã có 31 năm gắn bó với những ngọn hải đăng.
Anh Đậu Khắc Mận (SN 1968), quê xã Nghi Xuân (huyện Nghi Lộc, Nghệ An) - Trạm trưởng Trạm Hải đăng Cửa Nhượng (thuộc Công ty Bảo đảm an toàn hàng hải Bắc Trung Bộ - Tổng Công ty Bảo đảm hàng hải Miền Bắc) đã có 31 năm gắn bó với những ngọn hải đăng, hơn 20 năm đón năm mới bên ánh đèn biển. Anh đã coi trạm hải đăng như nhà của mình, coi đồng nghiệp như anh em ruột thịt.
“Trạm Hải đăng Cửa Nhượng có nhiệm vụ báo hiệu cho tàu thuyền đi qua vùng biển Hà Tĩnh xác định được vị trí, ra vào luồng Cửa Nhượng một cách an toàn. Chúng tôi luôn túc trực ngày đêm để ngọn hải đăng luôn luôn sáng”, anh Mận bộc bạch.
Nhân viên Trạm Hải đăng Cửa Nhượng làm vệ sinh, theo dõi các thông số kỹ thuật đèn biển.
Năm 1991, sau khi tốt nghiệp Trường Trung cấp Hàng hải (Hải Phòng), anh Mận được phân vào Trạm Hải đăng Đảo Mê (huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa) công tác. Năm 1995 - 1996, anh chuyển công tác vào Trạm Hải đăng Cửa Nhượng.
Công việc thầm lặng của những người gác đèn biển.
Hơn 30 năm theo nghề, với anh Mận, kỉ niệm sâu sắc gắn liền với sự nhiệt huyết, khát vọng và có sự liều lĩnh của tuổi trẻ.
“Ngày mới vào nghề, tại Trạm Hải đăng Đảo Mê, vào dịp tết, tôi được anh em cử vào đất liền với khoảng cách 12 km để mua đồ tết lại gặp gió lớn không ra đảo được. Không thể chờ thêm được khi tết đã cận kề, ngày 29 tết, tôi quyết ra đảo. Trong chuyến biển đó, thuyền chúng tôi gặp sóng to, gió lớn, có khi gần bị chìm, nhưng cuối cùng tôi cũng có mặt tại đơn vị để đón tết trong niềm vui của anh em đồng nghiệp", anh Mận chia sẻ.
Anh Hoàng Văn Chương xem lại nhật ký sau ca trực đèn.
Là người gắn bó lâu năm với nghề, anh Hoàng Văn Chương (SN 1974) ở xã Xuân Giang (huyện Nghị Xuân, Hà Tĩnh) có hơn 20 năm trong nghề.
“Tôi mới chuyển về Trạm Hải đăng Cửa Nhượng được hơn một năm. 23 năm làm nhân viên quản lý, vận hành đèn biển, nhưng tôi chỉ về ăn tết được với gia đình khoảng 5 lần. May mắn được vợ con ủng hộ, động viên nên có thêm động lực để gắn bó lâu dài với nghề", anh Chương bày tỏ.
Hằng ngày, các nhân viên Trạm Hải đăng Cửa Nhượng đều phải ghi lại các thông số kỹ thuật sau ca trực.
“Ngọn hải đăng không chỉ là điểm mốc cho tàu thuyền qua lại trong đêm tối giữa đại dương bao la, mà còn là biểu tượng niềm tin cho ngư dân, như “mắt thần” canh gác cho ngư dân an tâm bám biển, khẳng định chủ quyền biển đảo Tổ quốc. Vì vậy, dù bất kể tình huống nào, hải đăng cũng không bao giờ được tắt”, anh Chương cho biết.
Anh Nguyễn Tiến Thành vui vẻ chia sẻ mong muốn năm mới sớm tìm được người yêu.
Còn với anh Nguyễn Tiến Thành (SN 1993) ở thị trấn Nghèn (Can Lộc) là nhân viên trẻ nhất của Trạm Hải đăng Cửa Nhượng, mới được điều về công tác hơn 10 tháng. Ngày ngày chỉ quanh quẩn với bóng đèn, thiết bị, những bậc thang hải đăng, những trang nhật ký công việc nhưng với Thành, đó là những trải nghiệm rất thú vị của cuộc đời.
“Tôi mới đi làm được hơn 3 năm, nhưng hầu như chỉ sống và làm việc với ngọn hải đăng thôi. Tôi thấy vui khi được chuyển về Trạm Hải đăng Cửa Nhượng, khi trạm nằm gần khu dân cư sinh sống. Nhiều lúc cũng thấy buồn vì xa gia đình, nhưng bù lại có sự hỗ trợ, động viên của tất cả anh em ở trạm, có sự chia sẻ từ bộ đội biên phòng, chính quyền địa phương nên vơi đi nỗi buồn, cô đơn, càng có thêm động lực hơn với công việc”, anh Thành vui vẻ bộc bạch.
Anh Thành kiểm tra các thông số kỹ thuật, vệ sinh đèn biển.
Sau khi tốt nghiệp, anh Thành được điều vào Trạm Hải đăng Cửa Việt (Quảng Trị) công tác. Kể về kỷ niệm khi làm người gác đèn biển, Thành cho biết: “Vào một đêm khoảng tháng 11/2018, có 2 ngư dân xã Triệu An (huyện Triệu Phong, Quảng Trị) xách nào cá, mực, tôm sau chuyến đi biển trong mưa bão lên trạm giao lưu và cảm ơn. Nhờ có ánh sáng hải đăng, giữa bão giông trùng trùng, họ đã nhắm hướng tiến vào đất liền để tránh, trú bão an toàn. Chúng tôi coi đây là động lực rất lớn để anh em cố gắng vượt qua khó khăn, yên tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ".
Ngoài công việc trực đèn, các anh còn cần mẫn tăng gia, cải thiện đời sống
“Ngọn hải đăng như “mắt biển”, có nhiệm vụ định vị, bảo đảm an toàn cho tàu thuyền ngư dân ra vào cửa biển nên bọn em coi đây là niềm tự hào, niềm vui nghề nghiệp. Ước mong trong năm mới của em là có người yêu, biết đồng cảm, chia sẻ với em về công việc đặc thù của mình", anh Thành chia sẻ.