1: Cu đơ Hà Tĩnh
(Ảnh: Huy Tùng)
Nhắc tới đặc sản Hà Tĩnh không thể thiếu món kẹo cu đơ có truyền thống từ rất lâu đời. Kẹo gồm 3 nguyên liệu chính là lạc (đậu phộng), bánh tráng và mật mía. Những hạt lạc chắc và đều được rang lên và tách vỏ. Sau đó được trộn cùng mật mía đun sôi, thêm chút gừng tạo vị thơm rồi cho lên hai miếng bánh tráng mỏng ốp hai đầu.
Vị mật mía ngọt lịm, lạc rang giòn thơm thơm bùi bùi, đặc biệt vừa ăn vừa nhấm nháp với nước chè nóng thì không gì cưỡng được. Đây là món quà quê vừa rẻ, vừa ngon khiến người dân Hà Tĩnh không khỏi tự hào và luôn luôn nhắc đến.
2: Bánh tráng vừng đen
Màu đặc trưng của bánh tráng được tạo nên nhờ loại vừng đen đặc sản ở Hà Tĩnh. Bánh được làm từ gạo ngon, xay mịn rồi tráng thành. Lúc này, người làm bánh sẽ nhanh tay rắc đều vừng đen đã rửa sạch lên bề mặt bánh, cuối cùng đem phơi khô rồi nướng lại trên bếp than hồng cho nóng giòn.
Bánh tráng vừng đen ăn giòn rụm, có thể chấm với nước mắm ăn đơn giản hoặc kẹp cùng gỏi bắp chuối, hến xào...
3: Cà muối
Cà muối mặn ăn vừa ngon vừa rẻ, lại dễ làm. Ngon nhất là giống cà cốm chỉ to bằng viên bi muối ăn giòn tan, hoặc một số nơi sẽ dùng giống cà nhỉnh hơn một chút hình bầu dục, vỏ hơi dày nhưng cắn nổ đốp nên gọi là cà pháo. Cà được làm sạch, ngâm nước muối xong mới cho vào vại muối từ 3 tuần đến 1 tháng.
Khi ăn cà có vị giòn, thơm, nhất là ăn cùng cơm canh. Với giá thành rẻ, dễ mua nên nhiều người đã lựa chọn món cà muối làm quà khi về đất Hà Tĩnh.
4: Bánh đa nem
Bánh đa nem từ lâu được xem như là một món quà đặc sản quê hương Hà Tĩnh. Bánh đa nem Hà Tĩnh được lòng khách hàng nhờ làm từ bột gạo và mật mía nên có độ mềm dẻo, dễ cuốn và không bị gãy, khi rán lên thì giòn rụm, ít ngấm dầu mỡ và có màu vàng ngon mắt.
Bánh rán chín vừa giòn, vừa vàng, thơm, ngọt nhẹ do mật mía và gạo đặc sản quê hương. Vì thế, những tệp bánh đa nem Hà Tĩnh luôn được nhiều người lựa chọn để làm quà đi muôn nơi.
5: Bưởi Phúc Trạch
(Ảnh Dương Chiến)
Nhắc đến trái cây Hà Tĩnh thì phải nhắc đến bưởi Phúc Trạch (Hương Khê). Bưởi Phúc Trạch ngọt thanh, thơm lừng mùi vị đặc trưng, vỏ và cùi mỏng, múi bên trong dày như bàn tay, tép bưởi giòn tan, mọng nước.
Một quả bưởi Phúc Trạch hiện có giá dao động từ 60.000- 100.000 đồng. Người dân Hà Tĩnh luôn xem bưởi Phúc Trạch là đặc sản quý, dùng để làm quà khi đi xa gần.
6: Bánh gai Đức Thọ
Về Hà Tĩnh ghé qua làng Khóng (Đức Thọ), chắc hẳn không ai không biết đến món bánh gai nổi tiếng. Có truyền thống lịch sử hơn 50 năm, bánh được làm từ nếp, mật mía xay nhuyễn, gói bằng lá gai. Nhân bánh được làm từ đỗ xanh nấu chín và dừa nạo thành sợi. Khi chín, bánh gai ăn vào có vị mềm dẻo, ngọt nhẹ, bùi bùi.
Chỉ một lần được thưởng thức sẽ khó có thể quên được hương vị món bánh đặc sản của người dân Đức Thọ. Là món ăn dân dã, giá thành rẻ nên bánh gai rất được nhiều người lựa chọn để làm quà đi muôn nơi.
7: Cá nướng Hộ Độ
Qua khỏi cầu Hộ Độ (Lộc Hà) là có thể bắt gặp ngay hương vị thơm nức mũi từ những con cá nướng trên bếp than hồng. Dù có nhiều loại cá, nhưng cá được chọn nướng đưa đi làm quà thường là những loại cá nục hoa, cá thu, cá trích... - những loại cá tươi ngon được đánh bắt xa bờ.
Sau khi rã đông, làm ruột, phơi ráo, người bán nhanh tay dùng que tre xuyên từ đầu đến bụng để giữ cho cá không bị bể nát trong quá trình nướng. Nhờ hương vị đặc trưng, cá nướng Hộ Độ đã đi khắp mọi miền Tổ quốc. Nhiều người đi xa quê về nhất định phải tìm mua bằng được món cá nướng để làm quà biếu cho người thân, bạn bè.
8: Nhút mít
Nhút mít từ lâu đã trở thành món ăn quen thuộc với người dân Hà Tĩnh. Người ta sơ chế mít từ xơ đến múi rồi thái nhỏ, ngâm qua nước gạo cho hết nhựa rồi mang ra phơi nắng cho ráo nước, sau đó đem trộn với muối và gia vị.
Nhút mít ăn giòn, mùi thơm đặc trưng tạo nên hương vị đậm đà khó quên. Vào ngày hè, nhút mít có thể nấu canh chua, làm nộm, còn những ngày đông, người dân Hà Tĩnh thường đem nhút xào với thịt ba chỉ ăn kèm với cơm. Đối với những người con xa quê, còn gì thân thuộc hơn một hũ nhút mít giản dị trong bữa cơm gia đình nơi đất khách.