Những di tích chiến tranh bị lãng quên trong lòng hồ Kẻ Gỗ (Bài 1):

Công trình đại thủy nông Kẻ Gỗ là biểu tượng cho sức mạnh đoàn kết của nhân dân. Thế nhưng, ít người biết hồ Kẻ Gỗ còn còn ôm trọn trong lòng những di tích của một thời bom đạn, những trận đánh B52 tàn khốc của đế quốc Mỹ với sự hy sinh xương máu của những chiến sỹ ngày đêm bảo vệ huyết mạch giao thông, để xe vào tiền tuyến. Sau 35 năm chiến tranh kết thúc, một phần con đường 22, sân bay dã chiến Libi và biết bao hài cốt liệt sỹ vô danh vẫn còn nằm sâu trong lòng hồ lạnh lẽo.

Con đường 22 huyền thoại

Xin được nói rõ nguồn gốc của con đường 22 huyền thoại. Vào cuối những năm 60 của thế kỷ trước, nhằm cứu vãn chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”, đế quốc Mỹ lên kế hoạch bắn phá miền Bắc. Đón đầu âm mưu của địch, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra chỉ thị “Chuẩn bị chiến trường trên vùng đường 9 và vùng giáp ranh tạm thời”. Ngày 27/12/1970, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh họp phiên bất thường nghiên cứu, quán triệt chỉ thị nói trên và đi đến nhận định: địch sẽ tăng cường bắn phá bằng không quân và hải quân. Từ đó, Ban Thường vụ xác định, dù xẩy ra tình huống nào thì cuộc chiến tranh ở Hà Tĩnh cũng sẽ diễn ra hết sức ác liệt và tàn khốc. Đảng bộ, quân, dân Hà Tĩnh cùng các lực lượng phải làm tròn nhiệm vụ, chiến đấu giỏi, quyết tiêu diệt địch, bảo vệ và tăng cường hậu phương, chi viện tiền tuyến hết sức mình.

Phần còn lại của con đường 22 huyền thoại
Phần còn lại của con đường 22 huyền thoại

Ông Nguyễn Đình Hiến – Nguyên Trưởng ty Giao thông Hà Tĩnh, một trong những nhân chứng lịch sử thời bấy giờ nhớ lại: “Dưới sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, cùng với nhiệm vụ vận tải phục vụ chiến trường, đầu năm 1970, Ty Giao thông Hà Tĩnh cùng các lực lượng trong toàn tỉnh tập trung chỉ đạo làm mới tuyến đường 21, 22 tránh Ngã ba Đồng Lộc. Thời bấy giờ tuyến đường 1A không còn là tuyến vận tải chính khi không quân Mỹ liên tục cày xới, tàu chiến Mỹ án ngữ ngay đèo Ngang sẵn sàng nhả đạn. Phương án làm mới đường 21, 22 là hoàn toàn đúng đắn nhằm góp phần “chia lửa” cho Quốc lộ 1A và đường 15, khơi thông mạch máu giao thông Bắc – Nam. Năm đó, anh Trạc (Phó Chủ tịch UBND tỉnh), tôi và nhiều đồng chí khác đã trực tiếp tham gia phát động làm đường.”

Ngã ba Thình Thình, nay thuộc xã Thạch Điền (Thạch Hà), cách Khe Giao hai chục cây số về phía Đông Nam – nơi giao nhau của đường chiến lược 21 và đường 22. Đường 22 được mở sau khi đường 21 đã khai thông. Đường khởi phát từ ngã ba Thình Thình chạy qua hồ Kẻ Gỗ vào Kỳ Thượng, qua Kỳ Lạc (Kỳ Anh) đến Quảng Bình. Nhắc đến đường 22, đến những chiến công và sự hy sinh thầm lặng của các chiến sỹ, lực lượng TNXP, ông Nguyễn Đình Hiến chắc rằng, phần lớn người dân Hà Tĩnh thời bấy giờ đều biết đến.

Trong những ngày tháng gian nan cả nước lên đường đi đánh Mỹ ấy, một lực lượng lớn có lúc lên đến 6 nghìn người gồm dân công hoả tuyến các huyện Thạch Hà, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh, Đội TNXP 53, lực lượng TNXP tỉnh Hà Nam, Nam Định, Hà Nội, Hải Phòng, Công ty Đường bộ 4 của Bộ Giao thông Vận tải, Xí nghiệp gạch ngói Cẩm Thành, trong đó chủ lực là thanh niên xung phong đã dồn sức mở con đường huyết mạch này. Những ký ức hào hùng, những mất mát đau thương trong tháng ngày khói lửa ấy vẫn luôn trăn trở trong nghĩ suy của biết bao TNXP đã một thời gắn bó tuổi xuân của mình với mảnh đất nơi đây.

Dưới lòng hồ thơ mộng này vẫn còn đọng lại những nỗi đau thời hậu chiến
Dưới lòng hồ thơ mộng này vẫn còn đọng lại những nỗi đau thời hậu chiến

Bà Dương Thị Vịn - Phó Chủ tịch hội Cựu TNXP Hà Nội (nguyên là Bí thư Đoàn 41 Hà Nội) bồi hồi nhớ lại: “Cuối những năm 60, đơn vị chúng tôi nhận lệnh vào Khu 4 xây dựng tuyến giao thông chiến lược đi chiến trường B. Đi bộ ròng rã gần 3 tháng trời, vừa mới đến đơn vị đã bắt tay ngay vào đào đất, làm con đường 22 chiến lược. Một số đóng ở ngã ba Thình Thình, số còn lại đóng ở những đoạn đường ngầm gần đó. Những địa danh như ngầm Sen, ngầm cây Mít, cây Gạo, Ba Lòi, rào Còi, rào Môn vốn là chốn rừng thiêng nước độc, đã thành chốn thân quen của lực lượng TNXP lúc bấy giờ. Mồ hôi, công sức của các anh chị thấm đẫm từng vạt đất, ngọn cây trên những địa danh đã đi vào lịch sử.

Ban ngày, máy bay Mỹ gầm rú bầu trời, các chị tranh thủ học văn hóa. Ban đêm từng đoàn xe vận tải quân sự bật đèn ngầm, nối đuôi nhau vào tiền tuyến miền Nam. Thỉnh thoảng, một tốp máy bay Mỹ ập tới thả pháo sáng soi tìm mục tiêu rồi bắn rốc két, rải bom bi, bom phá… lửa khói ngút trời, đất đá, mảnh bom bay ào ào khắp trận địa. Chỉ tính riêng lực lượng TNXP Hà Nội đã có hơn 30 đồng đội nằm lại nơi chốn rừng thiêng nước độc này. Ở những đội khác như Hà Nam, Nam Định các đồng chí ấy cũng hy sinh nhiều lắm. Có nhiều đêm, máy bay Mỹ đánh ác, cả lán hàng chục chị em chỉ còn sống sót một vài người.

Đầu những năm 1971, con đường chiến lược 22 được hoàn thành nhanh chóng như một kỳ tích của lực lượng TNXP ở đây, nối ngã ba Thình Thình qua Kỳ Thượng, Kỳ Lạc (Kỳ Anh) sang Quảng Bình. Để có được con đường hơn 62 km đó, hàng trăm chiến sỹ TNXP tình nguyện đã ngã xuống. Và trong chuyến hành trình tìm về địa chỉ đỏ này, chúng tôi đã may mắn được cùng bà Nguyễn Thị Đàn - một cựu TNXP thuộc Công ty Đường bộ 4 của Bộ GTVT về thăm lại nghĩa trang liệt sỹ huyện Cẩm Xuyên - nơi biết bao đồng đội của bà đã nằm lại sau những trận chiến ác liệt để bảo vệ tuyến đường 22, sân bay dã chiến Libi… Gửi nỗi lòng mình trong không gian trầm mặc nghi ngút khói hương, bà Đàn mong rằng, nếu có dịp sẽ đến thăm lại chiến trường xưa- nơi vẫn còn những đồng đội nằm lạnh lẽo trong lòng Kẻ Gỗ mà chắc rằng rất hiếm khi được tri ân, hương khói...

(Mời bạn đọc tiếp tục theo dõi bài 2 với tựa đề Dấu tích về sân bay dã chiến Libi).

Đọc thêm

Chật vật tìm lao động xuất khẩu sang Nhật

Chật vật tìm lao động xuất khẩu sang Nhật

Nhu cầu lao động ở Nhật Bản tăng nhưng nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn khi tìm nguồn, phải “mua” lại từ môi giới với giá 20-30 triệu đồng mỗi người để kịp đơn hàng.
Vinmec cứu sống bệnh nhân ung thư thực quản giai đoạn muộn

Vinmec cứu sống bệnh nhân ung thư thực quản giai đoạn muộn

Bệnh nhân 54 tuổi mắc ung thư thực quản giai đoạn muộn, lại bị huyết áp cao, tiểu đường. Ngỡ không qua được cửa tử khi bị nhiều bệnh viện từ chối phẫu thuật, nhưng may mắn, nhờ đội ngũ bác sĩ Vinmec Times City (Hà Nội), bệnh nhân đã được cứu sống.
Ai bị tạm dừng hưởng lương hưu từ ngày 1/7/2025?

Ai bị tạm dừng hưởng lương hưu từ ngày 1/7/2025?

Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) năm 2024 cũng quy định 3 trường hợp người đang hưởng lương hưu, trợ cấp hằng tháng bị tạm dừng hưởng chế độ như luật hiện hành nhưng có một số điều chỉnh.
5 trường hợp được hỗ trợ khi tinh giản biên chế, dôi dư trong sắp xếp đơn vị hành chính ở Hà Tĩnh

5 trường hợp được hỗ trợ khi tinh giản biên chế, dôi dư trong sắp xếp đơn vị hành chính ở Hà Tĩnh

Tại Kỳ họp thứ 23, HĐND tỉnh Hà Tĩnh khóa XVIII đã thông qua Nghị quyết chính sách hỗ trợ đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, người hoạt động không chuyên trách và các đối tượng khác tinh giản biên chế, dôi dư trong quá trình sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh.