Những giả thuyết có thể giải mã bí ẩn MH370

Các nhà nghiên cứu đang đưa ra nhiều giả thuyết mới, trong nỗ lực tìm kiếm xác máy bay MH370 mất tích bí ẩn hơn 10 năm trước.

Bộ trưởng Giao thông Malaysia Anthony Loke ngày 20/12 xác nhận nước này đã cho phép công ty Ocean Infinity, trụ sở ở Texas, Mỹ, tiến hành chiến dịch mới nhằm tìm kiếm xác máy bay MH370 tại khu vực mới với tổng diện tích khoảng 15.000 km2 ở phía nam Ấn Độ Dương.

"Chúng tôi có trách nhiệm, nghĩa vụ và cam kết cần thực hiện với gia đình các nạn nhân. Chúng tôi hy vọng rằng cuộc tìm kiếm lần này sẽ thu được kết quả tích cực, xác định được xác máy bay và khép lại bi kịch cho người thân các nạn nhân", ông Loke nói.

Đã hơn 10 năm kể từ khi chuyến bay MH370 của hãng hàng không Malaysia Airlines mất tích ngày 8/3/2014. Chuyến bay chở 239 hành khách từ Kuala Lumpur tới Bắc Kinh biến mất khỏi màn hình radar chưa đầy hai giờ sau khi cất cánh.

Dữ liệu radar quân sự và dân sự cho thấy máy bay đã vòng lại eo biển Malacca rồi bay thẳng xuống Ấn Độ Dương. Sau khoảng 7,5 giờ bay, MH370 cạn nhiên liệu, rồi bay theo quán tính và lao xuống biển 11 phút sau đó.

Có rất nhiều giả thuyết về chuyến bay MH370, từ bị không tặc tấn công, mất oxy trong khoang máy bay cho đến phi công tự sát. Tuy nhiên, không có bất kỳ bằng chứng nào về sự cố kỹ thuật, cuộc gọi cầu cứu hoặc yêu cầu đòi tiền chuộc kể từ lúc mất tích. Chính phủ Australia, Trung Quốc và Malaysia đã chi khoảng 130 triệu USD để tìm kiếm MH370.

Các cuộc điều tra chính thức cho thấy MH370 đi chệch khỏi lộ trình dự kiến đến Bắc Kinh, thay vào đó hướng về phía tây nam qua Ấn Độ Dương. Dựa trên phân tích tín hiệu giữa máy bay và vệ tinh, các chuyên gia kết luận MH370 ở đâu đó ngoài khơi bờ biển phía tây Australia.

Hàng loạt đơn vị tìm kiếm cứu nạn đã quần thảo trên vùng biển có diện tích lên tới 120.000 km2, nhưng không phát hiện được manh mối nào trước khi dừng lại vào năm 2017. Ocean Infinity từng mở hai cuộc tìm kiếm MH370 vào năm 2018, song cũng không tìm được gì.

Nhưng Ocean Infinity không bỏ cuộc. Giới chức Malaysia cho hay công ty này gần đây đã đệ trình phương án tìm kiếm mới với những "manh mối đáng tin cậy, dựa trên nghiên cứu của nhiều chuyên gia và đã cân nhắc nhiều quan điểm khác nhau".

Một trong số đó là báo cáo năm 2023 của ba nhà nghiên cứu Richard Godfrey, tiến sĩ Hannes Coetzee, và giáo sư Simon Maskell, cho rằng xác máy bay MH370 có thể nằm ở vùng biển cách thành phố Perth của Australia khoảng 1.560 km về phía tây.

Người Malaysia đi ngang bức tường vẽ tranh tưởng niệm chuyến bay MH370 tại thủ đô Kuala Lumpur tháng 2/2016. Ảnh: AP
Người Malaysia đi ngang bức tường vẽ tranh tưởng niệm chuyến bay MH370 tại thủ đô Kuala Lumpur tháng 2/2016. Ảnh: AP

Các nhà nghiên cứu sử dụng công nghệ Truyền sóng Vô tuyến Tín hiệu Yếu (WSPR) để xây dựng giả thuyết của mình về vị trí MH370 lao xuống biển. "Công nghệ này đã được phát triển trong ba năm qua và kết quả cho thấy bằng chứng mới đáng tin cậy", ba nhà nghiên cứu cho hay.

Theo họ, kết quả phân tích bằng WSPR trùng khớp với đánh giá của hãng Boeing và mô hình về mảnh vỡ trôi dạt trên Ấn Độ Dương do Đại học Tây Australia tiến hành.

WSPR là một mạng lưới toàn cầu được thiết lập năm 2008, trong đó những người chơi máy phát sóng vô tuyến nghiệp dư trên toàn cầu thường dùng phần mềm gửi những tín hiệu công suất thấp lên các dải tần số trung bình và cao để kiểm tra đường truyền.

Những tín hiệu vô tuyến yếu này có thể được truyền đến máy thu cách xa tới 10.000 km và được lưu trữ trong cơ sở dữ liệu khổng lồ có tên là WSPRnet.

Khi một máy bay bay qua một tín hiệu vô tuyến yếu như vậy, nó gây cản trở hoặc làm ngắt quãng tín hiệu và sẽ được ghi nhận trong WSPRnet. Các nhà nghiên cứu đã xem xét 125 tín hiệu ngắt quãng như vậy để tìm cách xác định đường bay của MH370 trong hơn 6 giờ kể từ lần liên lạc vô tuyến cuối cùng của nó.

"Hãy tưởng tượng WSPR như một mạng lưới dây bẫy vô tuyến", Simon Maskell, giáo sư về hệ thống tự động tại Đại học Liverpool, Anh, nói. "Các dây bẫy đó có thể kích hoạt khi máy bay đi ngang qua".

Giáo sư Maskell cũng đang áp dụng công nghệ WSPR trong nghiên cứu chung với Richard Godfrey, kỹ sư hàng không vũ trụ về hưu, để nỗ lực tìm kiếm MH370 trong thập kỷ qua. Họ tin rằng những dấu vết bất thường trong kho dữ liệu WSPR sau khi MH370 mất tích sẽ giúp các chuyên gia khoanh vùng được khu vực tìm kiếm máy bay.

"Có nhiều người khác không tin vào điều này, và chúng tôi giờ phải cố gắng xác định xem ai đúng", Maskell nói.

Ngoài WSPR, một số chuyên gia cũng đang tiếp cận những công nghệ khác trong nỗ lực giải mã bí ẩn MH370.

Tiến sĩ Usama Kadri, nhà toán học tại Đại học Cardiff ở Vương quốc Anh, tin rằng thủy âm có thể giúp cung cấp manh mối về nơi các đội tìm kiếm nên tập trung nỗ lực.

Ông đã phân tích hơn 100 giờ dữ liệu từ các trạm thủy âm của Tổ chức Hiệp ước Cấm thử Hạt nhân Toàn diện (CTBTO), tìm kiếm dấu hiệu của 10 vụ tai nạn máy bay trong lịch sử và một vụ mất tích tàu ngầm.

Để giúp tìm kiếm MH370, Kadri tập trung xem xét dữ liệu thủy âm thu được từ các trạm ở Mũi Leeuwin thuộc Tây Australia và Diego Garcia, hòn đảo ở Ấn Độ Dương. Cả hai trạm đều nằm trong phạm vi có thể thu được tín hiệu sóng âm và những thay đổi áp suất trong lòng đại dương vào thời điểm MH370 lao xuống biển.

Những tác động mạnh trên đại dương như máy bay rơi tạo ra biến động đặc biệt về âm thanh. Thiết bị thủy âm từng phát hiện tín hiệu trong các vụ rơi máy bay hay động đất cách xa hơn 5.000 km. "Âm thanh có thể truyền đi rất xa trong lòng biển", Kadri nói.

Ông thêm rằng thiết bị thủy âm rất nhạy, vì vậy một vụ va chạm cường độ lớn như rơi máy bay có thể để lại tín hiệu rõ ràng. Tuy nhiên, ông thừa nhận "đại dương là nơi rất ồn ào" và có thể có rất nhiều tiếng ồn từ sóng hoặc sinh vật biển làm lu mờ tín hiệu từ MH370.

Ngoài vị trí rơi, Kadri cho biết điều quan trọng không kém là xác định cách máy bay rơi xuống nước. Nghiên cứu của ông chỉ ra nếu máy bay đâm mạnh xuống biển, tín hiệu âm thanh sẽ được ghi lại dễ dàng hơn một vụ đáp xuống bằng bụng.

Dù thủy âm có thể là phương pháp đầy hứa hẹn để phát hiện máy bay mất tích, Kadri không thể tìm thấy tín hiệu với độ chắc chắn cần thiết để thúc đẩy thực hiện cuộc tìm kiếm mới. Ông thừa nhận bí ẩn vẫn chưa được giải đáp, song gợi ý rằng các vụ nổ có thể cung cấp một số manh mối.

Thân nhân hành khách trên chuyến bay MH370 trong sự kiện tưởng niệm 10 năm máy bay mất tích tại trung tâm thương mại ở Subang Jaya, ngoại ô thủ đô Kuala Lumpur, Malaysia, ngày 3/3. Ảnh: AFP
Thân nhân hành khách trên chuyến bay MH370 trong sự kiện tưởng niệm 10 năm máy bay mất tích tại trung tâm thương mại ở Subang Jaya, ngoại ô thủ đô Kuala Lumpur, Malaysia, ngày 3/3. Ảnh: AFP

Ngày 15/11/2017, tàu ngầm ARA San Juan của Argentina chở theo 44 thủy thủ mất tích khi diễn tập. Chuyên gia tại các trạm CTBTO nhận thấy tín hiệu bất thường mà thiết bị thủy âm ghi lại chỉ ra có thể đã xảy ra vụ nổ trong lòng biển.

Hải quân Argentina sau đó đã thả thuốc nổ từ trên không xuống vị trí cuối cùng được ghi nhận của tàu ngầm. Tín hiệu từ vụ nổ có kiểm soát này tương tự tín hiệu bất thường ghi lại vài giờ sau khi tàu ngầm mất tích. Một năm sau, các đội tìm kiếm phát hiện xác tàu ngầm San Juan cách điểm ghi nhận tín hiệu bất thường 20 km. Không ai trong số 44 thành viên thủy thủ đoàn sống sót.

Giả thuyết mà Kadri đưa ra là giới chuyên gia có thể tiến hành các vụ nổ có kiểm soát tương tự trong phạm vi nghi là vị trí cuối cùng của MH370. "Ý tưởng là giải phóng lượng năng lượng mà chúng ta tin rằng MH370 có thể tạo ra khi lao xuống biển", ông nói.

Nếu các tín hiệu ghi nhận từ vụ nổ tương tự các phát hiện trước đây, điều này có thể củng cố thêm giả thuyết về vị trí rơi của MH370. Nếu tín hiệu không tương đồng, lực lượng tìm kiếm sẽ cần đánh giá lại khung thời gian hoặc vị trí mà họ từng khoanh vùng để rà soát trước đây.

Tuy nhiên, việc thực hiện những vụ nổ như vậy rất tốn kém và đòi hỏi trang thiết bị chuyên dụng, cũng như có thể gây tổn hại cho môi trường. Do đó, nghiên cứu này có thể cần được chính phủ Malaysia chấp thuận trước khi có thể tiến hành, theo Kadri.

Kadri lập luận những thí nghiệm như vậy có thể giúp phát triển việc sử dụng công nghệ thủy âm như công cụ giúp thu hẹp phạm vi tìm kiếm các vụ tai nạn máy bay trong tương lai.

Những con hà ngỗng bám xung quanh mảnh cánh tà MH370 trôi dạt vào đảo Reunion của Pháp hồi tháng 7/2015. Ảnh: LINFO.RE
Những con hà ngỗng bám xung quanh mảnh cánh tà MH370 trôi dạt vào đảo Reunion của Pháp hồi tháng 7/2015. Ảnh: LINFO.RE

Những nhóm nghiên cứu khác lại đang thử tìm kiếm dựa vào các loài giáp xác ở biển. Một mảnh vỡ lớn đã dạt vào bãi biển ở Saint-Denis trên đảo Reunion, phía tây Ấn Độ Dương vào cuối tháng 7/2015. Các chuyên gia sau đó xác nhận đó là cánh tà của MH370.

"Những con hà ngỗng đã bám vào cánh tà của máy bay. Ngay khi thấy chúng, tôi đã gửi mail cho các nhà điều tra vì tôi biết thành phần trong vỏ của chúng có thể cung cấp manh mối về địa điểm máy bay rơi", Gregory Herbert, nhà khoa học về địa chất tại Đại học Nam Florida nói hồi tháng 8/2023.

Các nhà khoa học cho biết thành phần mỗi lớp vỏ hà thể hiện nhiệt độ của nước biển vào thời điểm chúng được hình thành. Họ tin những con hà lớn nhất có thể đã bám vào mảnh vỡ MH370 ngay sau vụ tai nạn và việc phân tích cấu tạo lớp vỏ của chúng có thể dẫn đội tìm kiếm đến đúng vị trí.

Oliver Plunkett, giám đốc điều hành Ocean Infinity, cho biết sau khi thất bại trong hai nỗ lực năm 2018, việc tìm kiếm MH370 đã ám ảnh tâm trí của họ, thúc đẩy công ty không từ bỏ hy vọng giải mã bí ẩn này.

Chiến dịch tìm kiếm lần này sẽ được Ocean Infinity thực hiện theo nguyên tắc "không tính phí nếu không tìm thấy", nghĩa là họ chỉ nhận số tiền 70 triệu USD nếu phát hiện xác máy bay.

"Chúng tôi có trách nhiệm, nghĩa vụ và cam kết với các gia đình, đặc biệt là người thân của các hành khách, rằng chính phủ sẽ tiếp tục cuộc tìm kiếm này", Bộ trưởng Giao thông Malaysia Loke nói.

vnexpress.net

Đọc thêm

Bạo lực gia tăng tại Colombia

Bạo lực gia tăng tại Colombia

Ngày 19/1, Lực lượng quân đội Colombia cho biết sẽ tăng cường các hoạt động ở khu vực Tây Bắc đất nước để ngăn chặn làn sóng bạo lực bùng phát trong những ngày qua.
WMO cảnh báo khẩn về khí hậu toàn cầu

WMO cảnh báo khẩn về khí hậu toàn cầu

Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) xác nhận rằng năm 2024 là năm nóng nhất từng được ghi nhận, đánh dấu một cột mốc đáng lo ngại về biến đổi khí hậu toàn cầu.