Những giáo viên tâm huyết đưa dân ca vào trường học ở Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Với sự tâm huyết, các giáo viên Trường Tiểu học Thạch Vĩnh (xã Lưu Vĩnh Sơn - Thạch Hà - Hà Tĩnh) đã và đang nỗ lực đưa dân ca vào trường học nhằm phát huy, lưu giữ giá trị văn hóa, giáo dục lòng tự hào cho thế hệ trẻ đối với di sản của cha ông.

Được đào tạo chuyên ngành âm nhạc, lại có niềm đam mê với bộ môn này nên suốt những năm gắn bó với nghề giáo, cô Phan Thị Minh Nguyệt (giáo viên âm nhạc Trường Tiểu học Thạch Vĩnh) luôn tâm huyết trong việc truyền thụ kiến thức âm nhạc, đặc biệt là tình yêu với những khúc hát dân ca cho các thế hệ học trò.

Những giáo viên tâm huyết đưa dân ca vào trường học ở Hà Tĩnh

Những tiết học âm nhạc trở nên hứng thú với học sinh khi giáo viên lồng ghép dân ca.

“Dân ca là tài sản văn hóa quý báu của cha ông nhưng không dễ phổ biến như các thể loại âm nhạc khác. Để khơi dậy được tình yêu, sự say mê của học trò với dân ca đòi hỏi giáo viên âm nhạc phải sáng tạo, linh hoạt trong giảng dạy” - cô Nguyệt chia sẻ.

Dựa trên các làn điệu dân ca ví, giặm, cô Nguyệt đã sáng tác nhiều lời mới với nội dung về ngành giáo dục, về tình thầy trò, mái trường thân yêu… Các ca khúc mới với làn điệu dân ca mượt mà, da diết trở nên gần gũi, thân thuộc với giáo viên, học sinh. Nhiều tiết mục do cô trò nhà trường dàn dựng đã được biểu diễn trong các chương trình chào mừng, kỷ niệm của nhà trường, địa phương.

Những giáo viên tâm huyết đưa dân ca vào trường học ở Hà Tĩnh

Nhiều tiết mục văn nghệ do cô trò nhà trường dàn dựng và biểu diễn.

Không chỉ tích cực lồng ghép dân ca vào các tiết học âm nhạc, cô Nguyệt cùng các đồng nghiệp của mình đã dày công xây dựng phần mềm E.learning “Bảo tồn và phát huy làn điệu dân ca ví – giặm Nghệ Tĩnh”.

Đây là phần mềm ứng dụng công nghệ thông tin trong việc xây dựng bài giảng điện tử hỗ trợ việc dạy học của giáo viên, học sinh. Với bài giảng E.learning “Bảo tồn và phát huy làn điệu dân ca ví - giặm Nghệ Tĩnh”, giáo viên đã tích hợp được nhiều yếu tố như chữ viết, âm thanh, hình ảnh…

Qua cách trình bày sinh động, mạch lạc, người xem sẽ dễ dàng tiếp cận với các nội dung về nguồn gốc, phân loại các làn điệu dân ca; giá trị của làn điệu trong đời sống văn hóa; những làn điệu tiêu biểu…

Những giáo viên tâm huyết đưa dân ca vào trường học ở Hà Tĩnh

Giao diện bài giảng e.learning “Bảo tồn và phát huy làn điệu dân ca ví - giặm Nghệ Tĩnh” của các cô giáo Trường Tiểu học Thạch vĩnh.

Là giáo viên dạy mỹ thuật nhưng cô Lê Thu Thủy - đồng nghiệp của cô Nguyệt, là một trong những người hỗ trợ đắc lực và rất tâm huyết với “dự án” này. Cô Thủy chia sẻ: “Với sự tạo điều kiện của ban giám hiệu, sự hỗ trợ tích cực của giáo viên tin học, công trình của chúng tôi đã hoàn thành. Dù đã rất cố gắng nhưng sự thiếu thốn về trang thiết bị, trình độ kỹ thuật nên bài giảng vẫn còn những hạn chế nhất định. Nhóm thực hiện chỉ mong muốn giúp học sinh dễ dàng hơn trong tiếp cận, cảm thụ âm nhạc truyền thống, góp phần bảo tồn, lưu giữ dân ca ví, giặm quê nhà”.

Công trình đầy tâm huyết của các cô giáo Trường Tiểu học Thạch Vĩnh đã từng giành giải khuyến khích cấp quốc gia cuộc thi thiết kế bài giảng e.learning năm 2016 do Bộ GD&ĐT tổ chức. Bài giảng cũng đã được cập nhật trên các trang trực tuyến, tiện lợi cho việc truy cập của giáo viên, học sinh và những người có nhu cầu tìm hiểu.

Những giáo viên tâm huyết đưa dân ca vào trường học ở Hà Tĩnh

Hoạt động ca múa hát sân trường của giáo viên, học sinh nhà trường.

Dù rất tâm huyết với hoạt động phát triển dân ca trong nhà trường nhưng các cô giáo cũng gặp không ít khó khăn trong quá trình giảng dạy. Cô Minh Nguyệt cho biết: “Tình trạng thiếu giáo viên, eo hẹp về thời gian hạn chế rất nhiều đến việc bố trí các tiết dạy âm nhạc có lồng ghép dân ca ví, giặm. Việc tổ chức các buổi sinh hoạt ngoại khóa, thực hành biểu diễn dân ca cũng không đơn giản vì phải đầu tư tập luyện, trang phục...”.

Còn nhiều khó khăn nhưng bằng tình yêu, sự tâm huyết với âm nhạc truyền thống, các cô giáo của Trường Tiểu học Thạch Vĩnh vẫn mong muốn góp một phần nhỏ bé công sức, trí tuệ của mình để lưu giữ, phát huy giá trị di sản văn hóa dân ca ví, giặm quê nhà.

Chủ đề Nghệ thuật quần chúng

Đọc thêm

Nhiều phương pháp ôn tập sáng tạo cho học sinh lớp 12

Nhiều phương pháp ôn tập sáng tạo cho học sinh lớp 12

Học sinh cuối cấp tạo nhóm hỗ trợ nhau ôn bài, giáo viên tăng cường cho học sinh luyện đề thi thử trên các phần mềm trực tuyến… là những giải pháp đã được triển khai tại Hà Tĩnh sau khi Thông tư 29 về dạy thêm, học thêm có hiệu lực.
Miễn học phí - đầu tư cho tương lai

Miễn học phí - đầu tư cho tương lai

Thực hiện miễn học phí cho học sinh các cấp học kể từ năm học 2025-2026 là một quyết định nhân văn, mang đến niềm vui cho các nhà trường, phụ huynh Hà Tĩnh nói riêng và cả nước nói chung.
Tiếp tục đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời ở Hà Tĩnh

Tiếp tục đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời ở Hà Tĩnh

Hội Khuyến học Hà Tĩnh đề nghị hội khuyến học các cấp, ban khuyến học các cơ quan, trường học quán triệt nội dung bài viết “Học tập suốt đời” của Tổng Bí thư Tô Lâm, từ đó có chương trình hành động thiết thực, cụ thể để thực hiện.
Nữ quản lý giáo dục mầm non giàu tâm huyết

Nữ quản lý giáo dục mầm non giàu tâm huyết

Chuyên môn vững vàng, gương mẫu và tích cực xây dựng tập thể đoàn kết, vững mạnh, cô Kiều Thị Thủy (Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Thuận Lộc, TX Hồng Lĩnh) được Hội LHPN tỉnh vinh danh nữ đảng viên tiêu biểu toàn tỉnh Hà Tĩnh.