Bệnh nhân đến với Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS nhận được sự quan tâm, đồng hành của cán bộ nơi đây.
Hơn 10 năm gắn bó, đồng hành với bệnh nhân bị nhiễm H., đã quen thuộc với từng gương mặt, từng hoàn cảnh nhưng kỷ niệm về những ngày đầu gắn bó với công tác tiếp cận bệnh nhân vẫn khiến y sỹ Phạm Thị Thanh Huyền - Khoa Điều trị ARV của Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh không thể nào quên. Chị cho biết: “Sự phân biệt, kỳ thị luôn là rào cản bệnh nhân đến với trung tâm. Vì thế, cán bộ, nhân viên trong khoa phải đi đến từng nhà để tuyên truyền, vận động người bệnh tiếp cận với thuốc. Cũng bởi nỗi ám ảnh về sự phân biệt, kỳ thị nên nhiều gia đình đã không tiếc lời xua đuổi, xúc phạm, thậm chí dọa đánh chúng tôi”.
Trách nhiệm với bệnh nhân, với cộng đồng là động lực để chị Huyền và đội ngũ y, bác sỹ kiên trì trong tuyên truyền, vận động. Người bệnh, người nhà đã dần mở lòng, tin tưởng và tìm đến với khoa để điều trị ngày càng đông. Chuyện đã qua từ lâu nhưng chị Huyền vẫn còn nhớ như in những trường hợp đặc biệt. Đó là bệnh nhân ở TP Hà Tĩnh phải tư vấn nhiều năm trời mới chấp nhận điều trị. Hay những ca bệnh nặng, bệnh viện trả về lo hậu sự như bệnh nhân H. ở thị trấn Thạch Hà, bệnh nhân X. ở Hương Long (Hương Khê) được người nhà đưa đến khoa trong tình trạng chỉ còn da bọc xương, nằm thoi thóp trên cáng. Thế nhưng, chỉ sau 3 tháng điều trị tích cực với việc tuân thủ nghiêm ngặt phác đồ điều trị, sức khỏe của các bệnh nhân dần bình phục.
Đến trung tâm tìm hiểu thông tin, tôi tình cờ gặp chị P., một bệnh nhân ở Lộc Hà đã từng nhiều lần có ý định tự tử khi phát hiện mắc căn bệnh thế kỷ. Chị nói: “Đó là vào năm 2011, chồng tôi đi làm ăn ở miền Nam về rồi bị ốm và mất. Cùng với nỗi đau lớn ấy, tôi thực sự hoang mang khi nghe những lời đồn về căn bệnh của chồng. Sự thực như sét đánh ngang tai khi kết quả xét nghiệm HIV của tôi dương tính. Tôi gần như tuyệt vọng, chỉ biết kêu gào, khóc lóc và ý định tự tử đến ngay lúc ấy. Thế nhưng, các y, bác sỹ ở trung tâm và đặc biệt là các chị ở bộ phận xét nghiệm đã giúp tôi tái sinh cuộc đời”.
Chị P. chỉ là một trong vô số những trường hợp mà các chị Nguyễn Thị Nga và Phan Thị Lân - kỹ thuật viên xét nghiệm tại trung tâm tư vấn, động viên điều trị. Gắn bó với nghề đã hơn 20 năm và tiếp xúc với những mẫu máu của bệnh nhân nhiễm H. kể từ những ngày đầu thành lập trung tâm, các chị cũng không thể nhớ nổi mình đã tư vấn cho bao nhiêu người.
Nhân viên Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh phát tờ rơi tuyên truyền cho các bạn trẻ. Ảnh: Thục Chi
Chị Lân cho biết: “Có nhiều người, sau khi xét nghiệm, phát hiện mình bị bệnh đã nghĩ đến cái chết. Cũng có người kết quả âm tính nhưng vẫn cứ ảo tưởng mình bị bệnh khiến chúng tôi phải tư vấn đến cả chục lần. Làm nghề này không chỉ đơn thuần là xét nghiệm rồi đưa kết quả cho người bệnh mà còn phải luôn lắng nghe những tâm sự, biết giấu kín bí mật riêng tư của những người bệnh, tư vấn để họ lạc quan, yên tâm điều trị”.
Bác sỹ Đặng Công Dũng - phụ trách cơ sở Mothadone cho biết: “Tôi ấn tượng nhất là bố một người bệnh bị nhiễm HIV đã ôm lấy chúng tôi cảm ơn và khóc. Người cha già ấy chia sẻ rằng, đến hôm nay, ông mới thực sự cảm thấy cuộc sống có ý nghĩa khi nghe thấy tiếng chào hỏi lễ phép của con trong những lần đi uống thuốc và khi trở về. Trước đây, người con cư xử với ông chỉ là sự hăm dọa để lấy tiền đi chích hút”.
Sự cống hiến lặng thầm của những lương y ở Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh đã mang lại nhiều kết quả tốt đẹp. Bên cạnh nhiều bệnh nhân vơi bớt nỗi đau thể xác, vượt qua mặc cảm, tự tin hòa nhập cộng đồng, từ mái nhà “trung tâm”, nhiều cặp đã nên duyên chồng vợ. Tương lai của họ đang rộng mở, bởi việc tuân thủ nghiêm ngặt phác đồ điều trị không chỉ giúp họ ổn định sức khỏe mà còn cho họ niềm hạnh phúc lớn lao, được làm cha, làm mẹ.