Những "người hùng" thầm lặng...

(Baohatinh.vn) - “Kịch!”, chiếc xe máy mất chìa vừa được dắt tới, người thợ khóa ngắm nghía rồi nhanh chóng gọt giũa chiếc phôi sao cho vừa vặn. Chỉ vài phút sau, tiếng nổ máy vang lên báo hiệu “bản sao” đã được chế tác thành công. Cái nghề lặng thầm, không danh phận là vậy nhưng thợ khóa lại chính là “người hùng” giải cứu cho khách hàng trong những tình huống “khóc dở, mếu dở”.

Lặng thầm “giải cứu”

Đường Nguyễn Chí Thanh (TP Hà Tĩnh) từ lâu đã nổi danh với tên gọi “phố cắt khóa” với hơn 20 tiệm. Nghe có vẻ “hoành tráng” là vậy nhưng đồ nghề của người thợ chỉ vỏn vẹn chiếc máy cắt và dăm ba xâu chìa phôi treo lủng lẳng.

nhung nguoi hung tham lang

Nghề thợ khóa đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mẩn nhưng thu nhập mang lại không cao.

“25 năm trong nghề, chiếc kìm, cái búa, chiếc giũa đã trở thành một phần của cuộc đời tôi. Ngay cả chỗ ngồi này cũng đã bao lần chứng kiến sự thay da đổi thịt của phố phường. Yêu và tâm huyết với nghề là vậy nhưng dù giỏi đến đâu, khéo léo và tỉ mẩn đến cỡ nào thì tôi vẫn chỉ là người thợ vô danh, lại càng chẳng mơ đến chuyện làm giàu và cũng chẳng ai nhớ đến mình trừ khi mất chìa khóa” - ông Việt Hà - một người thợ khóa lâu năm tâm sự.

Nghề cắt, sửa khóa tự mò mẫm, nghiên cứu là chính. Không thể đếm xuể bao nhiêu chiếc ổ khóa được mua về rồi chính tay người thợ đập bỏ để mày mò. Cuộc trò chuyện bị ngắt quãng giữa chừng khi ông Hà có khách ghé tiệm. Cầm chiếc chìa khóa rồi tỉ mẩn đo đạc đưa vào máy cắt, ông không quên giới thiệu: “Ngày càng có những mẫu khóa đẹp và thời thượng đòi hỏi thợ sửa khóa không ngừng học hỏi, nâng cao tay nghề. Tất cả các loại khóa cùng chung nhãn hiệu, dòng sản xuất đều chung nguyên lý cơ bản nên để mở được, phải luôn ghi nhớ cấu tạo”.

Nếu trước đây, đồ nghề sửa khóa chỉ đơn giản là ê-tô và chiếc cưa sắt, người thợ phải thao tác hoàn toàn bằng tay thì bây giờ, công việc đỡ nhọc nhằn và tiết kiệm thời gian hơn bởi có thêm máy móc hỗ trợ. Chính vì vậy, để cho ra đời “bản sao” của một chiếc chìa khóa chỉ mất từ 3-5 phút.

Thu nhập của thợ khóa khá thất thường. Hiện tại, mức giá rẻ nhất là 10 ngàn đồng/chiếc và con số này còn dao động phụ thuộc vào nhãn hiệu, tính năng của các loại khóa. Nếu ngồi tại chỗ, thông thường, thợ khóa chỉ kiếm được tầm 80-100 ngàn đồng/ngày. Trường hợp khách gọi đến tận nơi, tuy vất vả hơn nhưng bù lại, thợ có thêm đồng ra đồng vào, có khi là được vài trăm ngàn đồng. Tuy nhiên, đây chỉ là thu nhập đối với những người thợ trung niên, riêng các bác cao tuổi, mắt mờ, tay run, đường cắt không còn chính xác thì thu nhập không đáng kể.

Giữ trọn chữ tín

Làm nghề thợ khóa giữa thời buổi “vàng thau lẫn lộn”, nếu không tỉnh táo, rất dễ tiếp tay cho kẻ gian. 25 năm trong nghề, ông Hà gặp không ít tình huống khó xử.

Có lần, một thanh niên khoảng 20 tuổi gọi ông đến nhà, thuyết phục mở két sắt. Song thấy không có ai ở nhà, đoán anh chàng có ý định trộm tiền của bố mẹ nên ông nhất quyết từ chối.

Cũng có trường hợp, khách hàng dắt chiếc xe máy đến bảo làm mất chìa khóa, nhờ ông đánh hộ. Nhìn dáng vẻ lấm lét, mất bình tĩnh của cậu khách, nghi ngờ đây là chiếc xe bị lấy trộm, ông tìm cách giữ chân kẻ gian, báo công an. Những câu chuyện đó nhanh chóng được giới thợ khóa truyền tai nhau.

Để tránh rơi vào trường hợp “tình ngay lý gian”, họ tự bảo ban, 2 đối tượng phải cẩn trọng, dè chừng là thanh niên và nhà không có người. Người thợ sửa khóa, cắt chìa cũng luôn tâm niệm, không bao giờ cắt chìa vẽ trên giấy, in trên cục xà phòng... vì thường chỉ kẻ trộm mới sử dụng hình thức này. Và, tránh dạy nghề cho người lạ, khi chưa biết rõ nhân thân của họ.

Người ta thường nói, ranh giới giữa trung thực - gian dối của người thợ khóa thường rất mong manh bởi họ có “trợ thủ” đắc lực trong tay. Bởi thế, với nghề thợ khóa, ai có lòng tham rất dễ sa ngã. Theo lời bông đùa của những người thợ, dù ngay thẳng là vậy nhưng họ vẫn chột dạ mỗi khi hàng xóm chẳng may bị mất trộm.

“Chuyện mới xảy ra hôm mùng 3 tết thôi, chị hàng xóm trọ ngay cạnh nhà tôi bị trộm viếng thăm, khoắng sạch số tiền tiết kiệm trong phút chốc. Chẳng biết có phải vì sự việc diễn ra nhanh quá nên chị ấy nghi ngờ không, nhưng ánh mắt ngờ vực của người hàng xóm khiến tôi cảm thấy chạnh lòng, lạc lõng” - ông Mạnh - một thợ sửa khóa cho biết.

Những vụ mất trộm tinh vi, liều lĩnh trong thời gian gần đây khiến người dân nâng cao cảnh giác. Cũng vì vậy, người thợ khóa không tránh khỏi cảm giác buồn tủi bởi khách hàng để ý, theo dõi từng cử động nhỏ khi mở khóa tại nhà. Điều đó khiến những người thợ tự nhắc nhở bản thân luôn phải giữ uy tín để khách hàng đặt trọn niềm tin và cũng là cách để họ giữ lời hứa với nghề.

Đọc thêm

Chật vật tìm lao động xuất khẩu sang Nhật

Chật vật tìm lao động xuất khẩu sang Nhật

Nhu cầu lao động ở Nhật Bản tăng nhưng nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn khi tìm nguồn, phải “mua” lại từ môi giới với giá 20-30 triệu đồng mỗi người để kịp đơn hàng.