Hầu hết tai nạn cháy xe thường xảy ra do sự kết hợp của nhiều nguyên nhân khác nhau, các yếu tố đó đến từ con người, nguyên nhân cơ học và nguyên nhân hóa học. Việc hiểu được các yếu tố trên sẽ giúp các chủ xe hạn chế được các tình huống đáng tiếc có thể xảy ra với phương tiện của mình.
Có nhiều yếu tố khác nhau khiến cho ôtô bị cháy. Ảnh: Hoàng Đông. |
Dưới đây là 6 nguyên nhân hàng đầu gây ra các vụ hỏa hoạn ôtô:
1. Lỗi thiết kế từ nhà máy
Hầu hết hãng xe sẽ đưa ra thông báo triệu hồi để sửa chữa trước khi lỗi xuất hiện phổ biến. Ảnh: AARP. |
Về cơ bản, không phải lỗi thiết kế nào cũng gây ra hỏa hoạn, tuy nhiên có một vài lỗi sẽ tạo điều kiện thuận lợi để gây ra cháy. Chẳng hạn như việc bố trí các dây điện bên trong xe không đủ an toàn sẽ tiềm ẩn nguy cơ xảy ra hỏa hoạn do chập mạch, hay các bộ phận phát ra nguồn nhiệt cao được đặt gần bình chứa nhiên liệu cũng có khả năng khiến chiếc xe bốc cháy.
Thông thường, các nhà sản xuất sẽ phát hiện các sự cố này trước khi nó xuất hiện phổ biến. Hãng sẽ đưa ra các lệnh triệu hồi để thay thế cũng như bố trí lại thiết kế.
2. Không thường xuyên kiểm tra và bảo dưỡng xe
Tự kiểm tra xe sẽ giúp phát hiện kịp thời các hư hỏng. Ả nh: Business Insider. |
Tương tự lỗi thiết kế từ nhà máy, không kiểm tra và bảo dưỡng phương tiện thường xuyên sẽ không gây ra hỏa hoạn ngay lập tức. Những chi tiết như dây điện bị hở, rò rỉ nhiên liệu... nếu không được phát hiện kịp thời sẽ khiến cho chiếc xe tiềm ẩn nguy cơ bốc cháy khá cao.
Để giảm thiểu những nguy cơ tiềm ẩn, chủ xe nên định kỳ kiểm tra và mang xe đi bảo dưỡng theo đúng lịch mà nhà sản xuất đưa ra. Trong trường hợp sử dụng xe cho những hành trình xa và di chuyển liên tục, việc kiểm tra các chi tiết bên trong động cơ, khoang lái cũng quan trọng không kém.
3. Lắp thêm phụ kiện
Nâng cấp phụ kiện cho xe giúp tăng thêm khả năng an toàn, tuy nhiên cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Ảnh: Car From Japan. |
Hầu hết chủ xe đều tự trang bị thêm cho chiếc xe của mình các phụ kiện như camera hành trình, đèn... nhằm tăng khả năng an toàn khi di chuyển. Thế nhưng lắp đặt các phụ kiện không đúng cách, cũng như không có các bộ phận đảm bảo an toàn như cầu chì, quạt tản nhiệt... sẽ tiềm ẩn không ít nguy cơ xảy ra quá nhiệt và cháy nổ.
Khách hàng cần tìm hiểu, lựa chọn những nơi lắp ráp phụ kiện có tên tuổi, uy tín để hạn chế xảy ra các sự cố cho xế cưng của mình. Nếu là người có kiến thức về điện, chủ xe cũng cần quan sát kỹ lưỡng khi giao xe cho thợ lắp ráp để có thể phát hiện kịp thời các sai sót.
4. Quá nhiệt ở bộ chuyển đổi xúc tác
Bộ chuyển đổi xúc tác có vai trò xử lý lượng nhiên liệu bị dư khi di chuyển qua ống xả. Ảnh: The Press-Enterprise. |
Bộ chuyển đổi xúc tác có vai trò xử lý lượng nhiên liệu bị dư khi di chuyển qua ống xả. Trong trường hợp động cơ xe hoạt động không hiệu quả do buồng đốt không đốt cháy hết lượng nhiên liệu, nhiệt độ hoạt động trung bình của bộ chuyển đổi xúc tác từ 648,9-871,1 độ C có thể tăng lên mức 1.093 độ C. Mặc dù nó có thể chịu được ngưỡng nhiệt độ cao hơn 1.000 độ C, tuy nhiên các chi tiết xung quanh sẽ bị ảnh hưởng bởi nhiệt độ cao hơn mức trung bình vài trăm độ C.
Nhằm hạn chế hiện tượng quá nhiệt ở bộ chuyển đổi xúc tác, chủ xe nên định kì kiểm tra khả năng hoạt động của buồng đốt bằng cách quan sát bugi, xem lượng nhiên liệu tiêu thụ trung bình... Hành động này không chỉ giảm nguy cơ gây cháy, mà còn giúp tiết kiệm nhiên liệu cho xe.
5. Động cơ nóng quá mức
Cần quan sát đèn báo nhiệt độ động cơ khi di chuyển trên đường nhằm giảm thiểu rủi ro xảy ra hư hỏng. Ảnh: SAYS. |
Về lý thuyết, một động cơ quá nóng sẽ không có khả năng tự bốc cháy. Tuy nhiên nó sẽ khiến cho các chất lỏng bên trong như dầu nhớt, chất làm mát tràn ra ngoài, nếu vô tình các chất lỏng này tiếp xúc với các bộ phận có nhiệt độ cao như ống xả sẽ dễ dàng bắt lửa.
Hầu hết hãng xe đều có các biện pháp để giảm nhiệt độ động cơ như lắp thêm quạt tản nhiệt, thế nhưng trong một vài trường hợp như quạt tản nhiệt không hoạt động, cạn nước làm mát... sẽ khiến cho động cơ bị quá nhiệt. Chủ xe nên thường xuyên kiểm tra các chi tiết này, cũng như quan sát đồng hồ báo nhiệt độ động cơ bên trong khoang lái.
6. Tai nạn giao thông
Các bộ phận như bình ắc-quy, thùng chứa nhiên liệu có thể bị hư hỏng khi xảy ra tai nạn. Ảnh: Car Crash Compialtion. |
Một vụ tai nạn giao thông cũng có thể biến thành một vụ hỏa hoạn do rất nhiều yếu tố. Thông thường các vị trí dễ xảy ra va chạm trên xe như phần đầu và đuôi xe được thiết kế hấp thụ lực, tuy nhiên trong một vài trường hợp thì các chi tiết bên trong như ắc-quy, bình nhiên liệu... cũng sẽ bị tác động khi xảy ra tai nạn.
Vì đây là nguyên nhân khách quan và khó có thể lường trước nên người lái cần thoát ra khỏi xe càng sớm càng tốt khi xảy ra va chạm, điều này giúp giảm thiểu nguy hiểm với tính mạng người lái và hành khách bên trong. Ngoài ra, lái xe cẩn thận cũng giúp hạn chế đến mức tối thiểu tai nạn giao thông.