Niềm tin và lẽ sống từ những trang hồi ký chiến trường của người liệt sỹ quê Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Những dòng tâm tư người chiến sỹ quê Hà Tĩnh trước khi hy sinh xin gửi đến bạn đọc như một nén tâm nhang kính cẩn dâng lên hương hồn các anh hùng liệt sỹ, đồng thời gửi gắm đến thế hệ trẻ về giá trị của cuộc sống trong hòa bình.

Liệt sỹ Trần Huy Hiệp, sinh ngày 14/11/1949, quê xã Kỳ Phong, huyện Kỳ Anh, lớn lên tại xóm Đồng Vinh, khu phố Bắc Hà (nay là khối phố 3, phường Tân Giang, thành phố Hà Tĩnh).

Trong cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ nhất của đế quốc Mỹ, Trần Huy Hiệp sơ tán theo cơ quan của bố mẹ là Xí nghiệp Chiến thắng Phà Phao (Thạch Kênh, Thạch Hà), theo học tại Trường cấp III Lý Tự Trọng (Trường cấp III của huyện Thạch Hà lúc đó).

Niềm tin và lẽ sống từ những trang hồi ký chiến trường của người liệt sỹ quê Hà Tĩnh

Liệt sỹ Trần Huy Hiệp, sinh ngày 14/11/1949, quê xã Kỳ Phong, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh.

Được sinh ra trên quê hương có bề dày truyền thống cách mạng, lớn lên chứng kiến cảnh đế quốc Mỹ ném bom tàn phá quê hương, đặc biệt, những ngày trực tiếp chứng kiến những người bạn học của mình ngã xuống khi máy bay Mỹ ném bom xuống Trường cấp III Lý Tự Trọng (ngày 19/8/1968) ngay khi đang trong giờ học, Trần Huy Hiệp đã nung nấu chí căm thù giặc Mỹ và mong muốn sớm được lên đường nhập ngũ.

Ngay sau khi thi tốt nghiệp cấp III, anh đã làm đơn tình nguyện xung phong đi bộ đội. Anh nhập ngũ ngày 7/8/1969, sau một thời gian luyện quân ở miền Bắc, đầu năm 1970 thì vào Nam chiến đấu. Theo thư anh gửi về báo tin với gia đình, sau 6 tháng vừa hành quân, vừa chống càn, anh đã được kết nạp vào Đảng. Sau bức thư đó, gia đình không nhận được thư hay tin tức nào nữa.

Đến năm 1976, gia đình nhận giấy báo tử (1-5-1976) với thông tin liệt sỹ Trần Huy Hiệp đã hy sinh ở mặt trận phía Nam. Qua đồng đội, biết được là anh đã hy sinh vào đêm 6 rạng ngày 7/4/1972, tham gia đánh đồn Xẻo Bần (trước thuộc huyện An Biên, tỉnh Rạch Giá, nay thuộc xã Thuận Hoà, huyện An Minh, tỉnh Kiên Giang).

Khi hy sinh, anh là Trung đội phó (B phó), Đại đội 4, Tiểu đoàn đặc công 7, Trung đoàn 20, Sư đoàn 4 Hậu Giang.

Với tâm nguyện đi tìm hài cốt của liệt sỹ Trần Huy Hiệp để đưa về quê cha, đất tổ, gia đình đã nhiều lần xuống tại kênh Ba Chục, xã Thuận Hoà, huyện An Minh, tỉnh Kiên Giang để tìm mộ. Tuy đã được sự giúp đỡ của Phòng Chính sách Quân khu 9, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Kiên Giang, Phòng Lao động -Thương binh và Xã hội các huyện xung quanh huyện An Biên, nhưng gia đình vẫn chưa tìm hài cốt của liệt sĩ Hiệp và 8 liệt sỹ khác đã hy sinh trong trận đánh cùng ngày.

Vừa rồi, gia đình vào Kiên Giang, tiếp tục tìm những đồng đội cùng chiến đấu với anh, tôi mới biết được địa chỉ của bác Nguyễn Xuân Hướng (hiện sống ở xóm Nội Thôn, xã Tây Đô, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình), thời điểm đánh vào đồn Xẻo Bần là Chính trị viên phó Đại đội 4, Tiểu đoàn đặc công 7, Trung đoàn 20, Sư đoàn 4 Hậu Giang, cùng mũi 1 của anh Trần Huy Hiệp.

Theo lời kể của bác Nguyễn Xuân Hướng: Trận đánh vào đồn Xẻo Bần có 3 mũi, mũi 1 do anh Hiệp làm mũi trưởng, sau khi vào trinh sát, tấn công thắng lợi, địch phải rút vào lô cốt, ta thu được vũ khí, bắt được tù binh. Nhưng sau đó, trong lúc băng bó vết thương cho tù binh thì bị địch trong lô cốt phát hiện, ném lựu đạn ra và hai chiến sỹ là Trần Huy Hiệp và Đinh Công Oanh (là y tá, quê Xuân Giang, Nghi Xuân, Hà Tĩnh) đã hy sinh. Hai liệt sỹ được chôn cất cách đồn Xẻo Bần khoảng 500m về phía Tây Nam.

Niềm tin và lẽ sống từ những trang hồi ký chiến trường của người liệt sỹ quê Hà Tĩnh

Cuốn sổ chỉ to bằng bàn tay chiến sĩ, ngoài bìa có dòng chữ “Hồi ký – Tâm tư chiến sỹ”

Bác Hướng còn trao lại cho gia đình chúng tôi một kỷ vật vô cùng quý giá - đó là cuốn sổ viết chung của các chiến sỹ. Cuốn sổ chỉ to bằng bàn tay chiến sĩ, ngoài bìa có dòng chữ “Hồi ký – Tâm tư chiến sỹ”. Trong cuốn sổ đó có những trang viết của anh Trần Huy Hiệp, đặc biệt có những trang viết chỉ trước khi hy sinh 1 tuần về mẹ, về các em, về đồng đội đã hy sinh.

Trong những trang viết của mình, liệt sỹ Trần Huy Hiệp để lại những dòng lưu bút đầy lưu luyến về gia đình, đặc biệt tình cảm sâu đậm đối với người mẹ: “Con xa Má vào một ngày gần Tết năm 1970, cái không khí miền Bắc ấm áp, dễ chịu chuẩn bị đón xuân, vào một buổi chiều nắng đẹp trên đường đi chiến đấu. Con nhớ mãi hình ảnh của Ba Má trong giờ phút chia tay”…

Trong những trang hồi ký đó còn có 2 bài thơ mà liệt sỹ Trần Huy Hiệp viết về sự hy sinh của hai đồng đội đều là đồng hương Hà Tĩnh, đó là các anh Trần Danh Thuật, Nguyễn Bá Hộ và đã ghi rõ ngày hy sinh của các anh là 23-12-1971.

Trang cuối cùng trong cuốn hồi ký, liệt sỹ Trần Huy Hiệp viết bài với tựa đề “Thách thức thi đua”, trong đó khẳng định rõ tinh thần chiến đấu của anh và đồng đội: “Trong bất kỳ tình huống khó khăn nào cũng kiên quyết hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Xác định mỗi chiến sĩ sẽ là một cảm tử quân, sẵn sàng hy sinh, xả thân cho thắng lợi của trận đánh…”

Chỉ 6 ngày sau đó, rạng ngày 7/4/1972, trong trận đánh đồn Xẻo Bần, tại Rạch Giá, người viết đã hy sinh.

Niềm tin và lẽ sống từ những trang hồi ký chiến trường của người liệt sỹ quê Hà Tĩnh

Tập hồi ký, hành trang ít ỏi của liệt sỹ Trần Huy Hiệp để lại có giá trị tinh thần vô cùng to lớn đối với gia đình chúng tôi và những thân nhân của các liệt sỹ đã vĩnh viễn không bao giờ được gặp lại người con, người anh, người cháu thương yêu của mình.

Gia đình tôi muốn thông qua những trang viết này, gửi những thông tin cho các gia đình có thân nhân đã hy sinh ở Tây Nam Bộ, nhất là 8 liệt sỹ hi sinh trong trận đánh ngày với anh trai chúng tôi (7-4-1972) với mong muốn qua đây có thể tìm được những manh mối để tìm hài cốt liệt sỹ đã hy sinh.

Hiện tại, trong số đó, chúng tôi đã liên lạc với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Yên Bái và thông tin tới gia đình liệt sỹ Hoàng Văn Tuy - Đại đội phó - quê ở Văn Chấn, Yên Bái, đồng thời tìm được gia đình liệt sỹ Đinh Công Oanh ở xã Xuân Giang, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh, thông báo cho gia đình biết nơi hy sinh.

Nhân ngày Thương binh - Liệt sỹ 27/7, những dòng tâm tư người chiến sỹ trước khi hy sinh xin gửi đến bạn đọc như một nén tâm nhang kính cẩn dâng lên hương hồn các anh hùng liệt sỹ. Đồng thời qua những trang viết này, cũng muốn gửi gắm đến thế hệ trẻ hiện nay hiểu được khát vọng, niềm tin và lẽ sống của thế hệ trẻ một thời đã sẵn sàng hiến dâng cả tuổi thanh xuân, cả cuộc đời của mình cho độc lập, tự do cho dân tộc, từ đó thấm thía hơn giá trị của cuộc sống trong hòa bình.

Ai có thông tin gì về mộ liệt sỹ Trần Huy Hiệp hoặc các liệt sỹ đã hy sinh trong trận đánh đêm 6, rạng ngày 7/4/1972, tại đồn Xẻo Bần, xã Thuận Hoà, huyện An Minh, tỉnh Kiên Giang, kính nhờ báo tin cho Trần Thị Thu Hương (em gái của Liệt sĩ Trần Huy Hiệp) - 310 Chiến Thắng, Văn Quán, Hà Đông, Hà Nội. ĐT 0912244280).

Tin liên quan:

(em gái của liệt sỹ)

Chủ đề NGÀY THƯƠNG BINH - LIỆT SỸ

Chủ đề QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN

Đọc thêm

Nhớ anh Hai Mạnh

Nhớ anh Hai Mạnh

Nhớ anh “Hai Mạnh” – Đại tướng Chu Huy Mân là nhớ về những kỷ niệm mãi ấm lòng trong những năm tháng được sống gần ông.
Trận tấn công táo bạo, dũng mãnh vào sân bay Pha Hom

Trận tấn công táo bạo, dũng mãnh vào sân bay Pha Hom

Ngày 22/12/1972, Đại đội 1, Tiểu đoàn 48 bộ đội địa phương Hà Tĩnh đã táo bạo tấn công vào sân bay Pha Hom (sân bay dã chiến) thuộc vùng núi phía bắc huyện Mường Mày, tỉnh Bolikhămxay (Lào) và giành thắng lợi vang dội. Là Chính trị viên phó đại đội trực tiếp tham gia chiến đấu, tôi ghi lại chiến công này nhân kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam.
Ngắm UAV cảm tử do Việt Nam sản xuất

Ngắm UAV cảm tử do Việt Nam sản xuất

UAV BXL.01 là loại cánh quạt chiến đấu cảm tử có khối lượng cất cánh tối đa 10kg, mang khối lượng đầu nổ 1,2kg, trần bay 1.000m, tốc độ bay 100-120km/h và hoạt động cự ly 10km do Việt Nam sản xuất.
Bồi đắp tình yêu đất nước qua “Tiết học biên cương”

Bồi đắp tình yêu đất nước qua “Tiết học biên cương”

Chương trình “Tiết học biên cương” do Đồn Biên phòng Lạch Kèn phối hợp với trường học ở huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) góp phần bồi đắp cho các em học sinh tình yêu quê hương, đất nước, ý thức trách nhiệm bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia.