Niềm tự hào của người Chứt ở bản Rào Tre

(Baohatinh.vn) - Hồ Viết Đức là niềm tự hào của người Chứt ở bản Rào Tre (Hương Khê, Hà Tĩnh) khi trở thành sinh viên đại học. Hành trang đến giảng đường của em mang theo cả ước mơ của đồng bào dưới chân núi Cà Đay.

Hồ Viết Đức (SN 2005) sinh ra và lớn lên dưới chân núi Cà Đay, bản Rào Tre, xã Hương Liên (Hương Khê), hiện là sinh viên khoa Luật, Trường Đại học Hà Tĩnh. Tính đến nay, Đức là người Chứt thứ 2 ở bản Rào Tre đỗ đại học.

1-2409.jpg
Đức đỗ vào Trường Đại học Hà Tĩnh với số điểm 20,65.

Cũng như bao thế hệ con em người Chứt từ khi về trú ngụ dưới chân núi Cà Đay, hành trình tìm con chữ của Đức không hề dễ dàng. Dù được quan tâm, hỗ trợ của các cấp chính quyền nhưng đến nay, bản làng còn rất nghèo khó, hằng năm vẫn cần Nhà nước hỗ trợ gạo cứu đói. Thậm chí, Đức còn vất vả hơn nhiều bạn bè khi bố em mất sớm, mẹ thường xuyên đau ốm.

Vượt qua rất nhiều khó khăn, Đức đã nỗ lực học tập để đỗ vào Trường đại học Hà Tĩnh với số điểm 20,65. Ngày nhận giấy báo trúng tuyển, khắp thôn bản ai nấy đều vui mừng khôn xiết. Bà con ai cũng gửi lời chúc mừng và coi em là tấm gương sáng về học tập, là nguồn động lực để các em nhỏ trong bản nỗ lực phấn đấu. Bà con cũng gửi gắm những ước mơ với mong mỏi người Chứt sẽ vươn ra, hòa nhập với xã hội.

Đức trăn trở: "Đồng bào người Chứt nhận thức chưa cao nên chưa thực sự chú ý đến việc học. Hơn nữa, em cũng thừa nhận là trình độ học tập nhìn chung còn thua kém so với các vùng, địa phương khác nên một số học sinh người Chứt dễ chán nản, bỏ cuộc giữa chừng. Nhiều bạn bè cùng trang lứa với em đã nghỉ học để đi làm, lấy vợ, lấy chồng và sinh con. Đó là một trong những nguyên nhân làm đồng bào em cứ nghèo và còn lạc hậu".

3.jpg
Đức được thầy cô và bạn bè quan tâm, chia sẻ, hỗ trợ nhập học tại Trường Đại học Hà Tĩnh.

Từ khi còn học trung học phổ thông, Đức đã khát khao được vượt qua ngọn núi Cà Đay để khám phá và xây dựng tương lai. Đức yêu bản làng, nhưng em đã hiểu, muốn giúp đỡ quê hương thì cần có tri thức, khi có thành công thì mới có khả năng giúp đỡ dân bản.

"Ban đầu, em rất yêu thích các môn thể thao và muốn định hướng học theo đam mê của mình. Tuy nhiên, thể hình của người Chứt nói chung và cá nhân em khá thấp bé, vì vậy, em phải tạm gác niềm yêu thích này. Được sự định hướng của các thầy, cô giáo và các chú bộ đội biên phòng, em tìm hiểu và mong muốn được học ngành luật" - em Hồ Viết Đức chia sẻ thêm.

Từ khi học trung học cơ sở (Trường THCS&THPT dân tộc nội trú Hà Tĩnh), Đức đã phải phải sống xa gia đình, vì thế, em sớm biết tự lập. Ở môi trường mới - Trường Đại học Hà Tĩnh, em nhanh chóng hòa nhập và có thêm nhiều bạn mới. Chỉ sau 2 tuần nhập học, Đức đã tự tin hơn rất nhiều.

2.jpg
Đức được Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Tĩnh hỗ trợ mỗi tháng 1,5 triệu đồng và Trường Đại học Hà Tĩnh miễn học phí, hỗ trợ chỗ ở miễn phí.

Chia sẻ về những ngày đầu ở giảng đường, Đức tự tin: "Em sẽ cố gắng hết mình để theo kịp các bạn. Hoàn cảnh em rất khó khăn, phải nhờ sự giúp đỡ của nhiều người và các tổ chức mới được đi học, vì vậy, em không muốn làm phụ lòng của các cô, các bác, các chú bộ đội biên phòng, thầy cô giáo và người dân ở bản. Ở trường đại học, em cũng được thầy cô và bạn bè quan tâm, chia sẻ, hỗ trợ. Bây giờ, em mơ ước sẽ hoàn thành tốt chương trình học và có việc làm ổn định ở thành phố. Khi có đủ năng lực, em sẽ trở về xây dựng quê hương, giúp đỡ bản làng".

Trung tá Nguyễn Văn Thiên - Tổ trưởng Tổ công tác Biên phòng bản Rào Tre, Đồn Biên phòng Bản Giàng (Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh) chia sẻ: Không chỉ bà con dân bản mà chúng tôi và cả chính quyền địa phương cũng rất phấn khởi trước thành tích của Đức. Có những người như Đức, tương lai của người Chứt sẽ sang trang mới. Để giúp Đức yên tâm học tập, Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Tĩnh đã quyết định hỗ trợ em mỗi tháng 1,5 triệu đồng theo chương trình “Nâng bước em đến trường”.

Sau khi nhập học, nhà trường đã hướng dẫn em Đức thực hiện các thủ tục xin được miễn học phí. Cùng đó, nhà trường cũng hỗ trợ chỗ ở miễn phí cho Đức trong ký túc xá. Chúng tôi đang cử cán bộ tư vấn, hỗ trợ các vấn đề học tập, sinh hoạt; hỗ trợ các thủ tục để xin học bổng khác cho Đức nhằm giúp đỡ em yên tâm học tập.

Thầy giáo Biện Văn Quyền

Phó Trưởng ban Tư vấn quảng bá tuyển sinh Trường Đại học Hà Tĩnh

Chủ đề Học sinh giỏi Hà Tĩnh

Đọc thêm

Trường THCS Lê Văn Thiêm - 40 năm chắp cánh tri thức, kết nối tương lai

Trường THCS Lê Văn Thiêm - 40 năm chắp cánh tri thức, kết nối tương lai

Trong suốt hành trình 40 năm phát triển, Trường Năng khiếu thị xã Hà Tĩnh xưa và Trường THCS Lê Văn Thiêm nay luôn là lá cờ đầu của ngành GD&ĐT tỉnh nhà. Không chỉ đảm đương sứ mệnh là “nôi” bồi dưỡng nhân tài, chắp cánh ước mơ cho các thế hệ học sinh, Trường THCS Lê Văn Thiêm đang bắt nhịp xu thế, phát triển mô hình trường học tiên tiến, năng động, từng bước hội nhập quốc tế.
Người thầy dành trọn tình yêu thương cho học trò

Người thầy dành trọn tình yêu thương cho học trò

Hơn 17 năm gắn bó với sự nghiệp “trồng người”, thầy Trần Xuân Thắng (Trường THPT Cẩm Bình, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) đã dành trọn tình yêu thương cho học trò, chắp cánh cho các em bước tới tương lai.
“Cùng con học bài”

“Cùng con học bài”

Phong trào “Cùng con học bài” do Hội LHPN huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) triển khai không chỉ nhằm truyền đạt kiến thức mà còn là cơ hội để bố mẹ gắn kết hơn với con cái.