Niềm vui tháng Bảy của nhiều gia đình liệt sỹ

(Baohatinh.vn) - Tháng 7 này trở nên đặc biệt hơn với nhiều gia đình liệt sỹ ở Hà Tĩnh khi phần mộ người thân được đưa về yên nghỉ nơi đất mẹ, khi tấm bằng “Tổ quốc ghi công” được trao tặng trang nghiêm, trọng thể.

Gần 50 năm qua, cứ mỗi độ tháng 7 về, vợ chồng ông Trần Văn Tùng (SN 1945, ở tổ dân phố Tuy Hòa, phường Thành Sen) lại cùng con cháu sửa soạn cho hành trình vượt hơn 1.000 km vào Nghĩa trang Trảng Bom (Đồng Nai) để thắp nén tâm nhang, tưởng nhớ người em trai là liệt sỹ Trần Văn Tịnh (SN 1952, hy sinh năm 1975).

Gia đình ông Trần Văn Tùng vui mừng khi đưa được phần mộ của liệt sỹ Trần Văn Tịnh về quê hương sau gần nửa thế kỷ hy sinh.

Những chuyến đi ấy đã trở thành một thông lệ, như một lời hẹn ước của tình thân, nhưng tháng 7 năm nay, hành trình ấy đã bớt phần gian nan bởi phần mộ của liệt sỹ Trần Văn Tịnh đã được đưa về an táng tại mảnh đất quê nhà.

Trong niềm xúc động nghẹn ngào, ông Tùng chia sẻ: "Giữa những ngày tháng 4 lịch sử của năm 1975, em tôi Trần Văn Tịnh cùng đồng đội trực tiếp tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh. Ngày 27/4, em đã anh dũng hy sinh khi chỉ còn ít ngày nữa là giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước".

Năm 1977, ông Tùng đã vào miền Nam và tìm thấy phần mộ của liệt sỹ Trần Văn Tịnh, nhưng ngày đó chiến tranh vừa kết thúc, công tác quy tập mộ liệt sỹ đang tiến hành dang dở nên ông chưa thể đưa em trai về được.

Liệt sỹ Trần Văn Tịnh đã cống hiến tuổi xuân, cuộc đời mình cho Tổ quốc.

Sau đó, liệt sỹ được an táng tại Nghĩa trang Trảng Bom và vì nhiều lý do khác nhau, liệt sỹ Tịnh đã nằm lại nơi đây cùng đồng đội. Mỗi năm, vào dịp lễ tết, đặc biệt là ngày 27/7, ông Tùng cùng con cháu đều vào thắp hương tưởng nhớ, tri ân. Khi tuổi đã cao, sức khỏe yếu dần, ông Tùng quyết định đưa phần mộ của em trai về quê hương để tiện hương khói.

Tuy nhiên, khi liên hệ chính quyền địa phương và ngành chức năng 2 tỉnh Hà Tĩnh, Đồng Nai để làm thủ tục thì phát hiện những sai sót về thông tin quê quán, năm sinh của liệt sỹ trong hồ sơ lưu trữ. Khi gia đình gặp phải khó khăn đó thì được ông Lê Viết Hòa (SN 1954, trú tổ dân phố Tuy Hòa, phường Thành Sen) - người bạn thuở thiếu thời của liệt sỹ Trần Văn Tịnh đã tận tình giúp đỡ.

Ông Hòa đã cùng thân nhân liệt sỹ và một số cựu chiến binh lên đường vào Đồng Nai, liên hệ các cấp ngành của 2 tỉnh và nhờ sự hỗ trợ, giúp đỡ của con em Hà Tĩnh tại miền Nam để tháo gỡ vướng mắc, khớp nối thông tin trong hồ sơ, hoàn tất các thủ tục theo quy định.

Bằng sự nỗ lực, trách nhiệm của cán bộ các cấp, ngành và tâm huyết của gia đình, bạn bè, ngày 23/4/2025, liệt sỹ Trần Văn Tịnh đã được trở về an nghỉ tại Nghĩa trang Liệt sỹ Núi Nài, trong vòng tay chào đón của gia đình, đồng đội.

Ông Tùng xúc động chia sẻ: “Gần 50 năm qua, mỗi lần vào thắp hương cho em, tôi lại tự hỏi không biết đến khi nào mới đưa được em về quê nhà, nay điều mong mỏi ấy đã thành hiện thực. Khi thấy phần mộ của em nằm ở nghĩa trang quê nhà, tôi thấy ấm áp, an lòng. Chúng tôi vô cùng biết ơn các cấp, ngành và bà con, bạn bè đã hết lòng giúp đỡ để gia đình hoàn thành tâm nguyện”.

Tháng 7 này, niềm vui cũng đến với gia đình liệt sỹ Lê Ngọc Lân (SN 1944, thôn An Lộc, xã Thạch Châu, nay là xã Mai Phụ). Liệt sỹ Lân hy sinh ngày 13/8/1966, phần mộ được an táng tại Nghĩa trang Liệt sỹ thị trấn Nông trường Việt Trung (Quảng Trị). Gần 60 năm qua, dòng họ, gia đình và thân nhân liệt sỹ Lê Ngọc Lân vẫn đau đáu một nỗi niềm khi người thân đã nằm lại nơi chiến trường nhưng vẫn chưa được công nhận là liệt sỹ. Đó cũng là lý do gia đình chưa thể đưa liệt sỹ về an táng tại quê nhà.

Gia đình liệt sỹ Lê Ngọc Lân đã hoàn thiện hồ sơ giấy tờ theo quy định để liệt sỹ được cấp bằng "Tổ quốc ghi công".

Sau nhiều nỗ lực của gia đình để hoàn thiện hồ sơ, thủ tục theo quy định, tháng 4/2025, liệt sỹ Lê Ngọc Lân đã được công nhận liệt sỹ. Lễ trao bằng “Tổ quốc ghi công” được chính quyền địa phương, ban, ngành liên quan tổ chức trang nghiêm, trọng thể với sự tham dự, chứng kiến của đông đảo cán bộ, đảng viên, Nhân dân địa phương và con cháu dòng họ.

Lễ trao bằng "Tổ quốc ghi công" cho liệt sỹ Lê Ngọc Lân được chính quyền địa phương, các ban ngành liên quan tổ chức trang nghiêm, trọng thể.

Không giấu được niềm xúc động, tự hào, anh Lê Văn Tĩnh (SN 1986, cháu họ - người thờ cúng liệt sỹ Lê Ngọc Lân) cho biết: “Khi nhận bằng “Tổ quốc ghi công” của bác, con cháu dòng họ đều xúc động, nghẹn ngào. Tháng 7 năm nay trở nên ý nghĩa hơn bao giờ hết bởi bác tôi đã chính thức được công nhận là liệt sỹ. Chúng tôi đang chuẩn bị các thủ tục để đưa phần mộ của bác về an táng tại quê nhà, để bác được trở về trong vòng tay của họ hàng, người thân”.

Cán bộ, đảng viên, Nhân dân và con cháu dòng họ rước bằng "Tổ quốc ghi công", di ảnh của liệt sỹ Lê Ngọc Lân về nhà thờ dòng họ.

Những câu chuyện ấm lòng trong mùa tri ân này không chỉ là niềm vui mà còn là sự xoa dịu nỗi đau, mất mát đối với gia đình, thân nhân các liệt sỹ.

Tuy nhiên, trong số hơn 26.600 người con ưu tú của Hà Tĩnh đã ngã xuống trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ thì vẫn còn hơn 12.000 liệt sỹ chưa tìm thấy hài cốt hoặc chưa xác định được danh tính. Những con số này nhắc nhở mỗi chúng ta hôm nay và thế hệ mai sau phải sống có trách nhiệm hơn nữa, nỗ lực hơn nữa để chung tay xoa dịu nỗi đau chiến tranh, đền đáp, tri ân công ơn của các anh hùng liệt sỹ đã ngã xuống vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc.

Chủ đề NGÀY THƯƠNG BINH - LIỆT SỸ

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói