Nở rộ nạn lừa đảo quyên góp tiền cứu trợ Thổ Nhĩ Kỳ và Syria

Sau thảm họa động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria, những phần tử cơ hội đã tận dụng thời cơ lừa người cả tin quyên góp tiền vào các quỹ từ thiện giả mạo.

Những kẻ lừa đảo sử dụng hình ảnh được báo chí quốc tế đăng tải rộng rãi, dựng lên những câu chuyện về các nạn nhân sống trong cảnh khốn cùng không nước sạch, không sưởi ấm, để lừa tiền những người hảo tâm.

Số tiền ấy, thay vì được đưa vào các quỹ từ thiện thực sự, lại bị chuyển vào tài khoản của những kẻ lừa đảo qua ví PayPal hoặc ví tiền điện tử, theo BBC.

Nở rộ nạn lừa đảo quyên góp tiền cứu trợ Thổ Nhĩ Kỳ và Syria

Gây quỹ nhờ livestream TikTok

Trên mạng xã hội TikTok, các tài khoản khi phát sóng trực tiếp có thể kiếm tiền bằng cách nhận quà từ người sử dụng khác. Những ngày qua, nhiều tài khoản TikTok đăng ảnh sự tàn phá trong trận động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria, cảnh các nỗ lực cứu hộ, đồng thời kêu gọi người theo dõi quyên góp.

“Hãy cứu giúp Thổ Nhĩ Kỳ”, “Cầu nguyện cho các nạn nhân”, hay “Quyên góp cho nạn nhân động đất” là những tiêu đề thường được sử dụng.

Một tài khoản phát sóng trực tiếp hơn 3 giờ chiếu không ảnh về các tòa nhà đổ nát và hiệu ứng âm thanh tiếng nổ. Thế nhưng, thi thoảng lại vang lên những tiếng cười đùa của chủ tài khoản. Tiêu đề của buổi phát sóng là “Hãy giúp đỡ Thổ Nhĩ Kỳ. Quyên góp tiền ngay”.

Nở rộ nạn lừa đảo quyên góp tiền cứu trợ Thổ Nhĩ Kỳ và Syria

Bức ảnh chiến sự ở Syria từ 2018 được dùng để kêu gọi quyên góp cho nạn nhân trận động đất. Ảnh: BBC .

Một video khác trên TikTok chiếu ảnh một đứa trẻ sợ hãi bỏ chạy khỏi một vụ nổ. Thông điệp của chủ tài khoản TikTok này là “Xin hãy giúp đạt mục tiêu”, đây rõ ràng là lời kêu gọi người theo dõi tặng quà TikTok.

Tuy nhiên, bức ảnh mà tài khoản TikTok này sử dụng lại không liên quan tới trận động đất vừa qua. Kết quả tìm kiếm cho thấy ảnh này lần đầu xuất hiện trên Twitter từ 2018 liên quan tới chiến sự ở Tây Bắc Syria.

Theo điều tra của BBC , nền tảng TikTok sẽ thu 70% giá trị quà tặng mà người sử dụng quyên góp cho người khác. TikTok bác bỏ con số trên, cho biết nền tảng này chỉ thu một mức phí nhỏ.

“Chúng tôi đau buồn sâu sắc trước trận động đất thảm khốc ở Syria và Thổ Nhĩ Kỳ. Chúng tôi cũng đang quyên góp cho các nỗ lực cứu trợ nạn nhân, đồng thời chủ động ngăn chặn lừa đảo cũng như các thông tin sai lệch”, người phát ngôn của TikTok nói.

Ảnh giả, tải khoản ảo

Trên Twitter, nhiều tài khoản chia sẻ những hình ảnh xúc động về trận động đất, đi kèm với ảnh là đường link dẫn tới các ví tiền điện tử và thông điệp kêu gọi quyên góp cho nạn nhân.

Một tài khoản đăng tải duy nhất một nội dung kêu gọi tài trợ 8 lần chỉ trong vòng 12 giơ đồng hồ, sử dụng ảnh lính cứu hỏa ôm một em nhỏ giữa tòa nhà đã đổ sập. Tuy nhiên qua xác minh, tờ báo Hy Lạp OEMA cho biết bức ảnh được tạo ra bởi AI Midjourney.

Một trong các ví tiền điện tử xuất hiện trong lời kêu gọi quyên góp từng được sử dụng để lừa đảo vào năm 2018. Nhiều ví điện tử được sử dụng kèm các nội dung khiêu dâm từng xuất hiện trên mạng xã hội.

Khi được liên hệ về lời kêu gọi quyên góp, chủ các tài khoản Twitter bác bỏ cáo buộc lừa đảo. Tuy nhiên, các chủ tài khoản dường như sử dụng Google Translate để trả lời câu hỏi của phóng viên, đồng thời từ chối công khai danh tính và hóa đơn mua bán, vận chuyển hàng cứu trợ.

Nở rộ nạn lừa đảo quyên góp tiền cứu trợ Thổ Nhĩ Kỳ và Syria

Tài khoản ảo được sử dụng để kêu gọi quyên góp cho nạn nhân động đất. Ảnh: BBC .

“Mục tiêu của tôi chỉ là giúp đỡ những người bị ảnh hưởng bởi động đất nếu tôi có thể gây quỹ. Nhiều người ở khu vực thảm họa đang bị rét, đặc biệt trẻ em, chúng không có thức ăn”, chủ các tài khoản cho biết.

Trên Twitter, những kẻ lừa đảo thường sử dụng tài khoản giả để gây quỹ, đồng thời kêu gọi người hảo tâm chuyển tiền vào ví PayPal.

Ax Sharma, chuyên gia an ninh mạng thuộc công ty an ninh mạng Sonatype, cho biết những tài khoản lừa đảo đăng tại tweet từ các bài báo, đồng thời trả lời tweet của người nổi tiếng để tăng độ phủ sóng.

“Chúng tạo các tài khoản cứu trợ thiên tai trông giống như thuộc về các tổ chức hợp pháp, nhưng sau đó tiền lại được chuyển vào các ví PayPal”, ông Sharma nói.

Một ví dụ là tài khoản TurkeyRelief được lập vào tháng 1, với chỉ 31 người theo dõi. Tài khoản này kêu gọi quyên góp thông qua PayPal. Tổng số tiền ví PayPal này thu được đến nay là 900 USD, nhưng tới 500 USD đến từ người tạo ra tài khoản TurkeyRelief nói trên.

Đây chỉ là một trong hơn 100 tài khoản PayPal kêu gọi quyên góp tiền cho các nạn nhân trận động đất trong những ngày gần đây.

Ông Sharma cảnh báo các nhà hảo tâm phải đặc biệt cảnh giác với những tài khoản tự xưng đang ở Thổ Nhĩ Kỳ, bởi PayPal đã chấm dứt hoạt động tại Thổ Nhĩ Kỳ từ 2016.

“Có nhiều quỹ từ thiện ngoài Thổ Nhĩ Kỳ sử dụng PayPal, nhưng nếu người gây quỹ nói đang ở Thổ Nhĩ Kỳ thì đó là dấu hiệu cảnh báo”, ông Sharma nói.

Một điểm cần cảnh giác là nếu người đứng sau các tài khoản gây quỹ chỉ đóng góp số tiền nhỏ. Theo ông Sharma, các tổ chức từ thiện thực sự có ngân sách rất lớn lên đến hàng triệu USD. Trong khi đó, nhiều tài khoản gây quỹ PayPal chỉ có chưa tới 100 USD.

Theo Reuters , số người thiệt mạng trong trận động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria đã lên tới 38.000. Các chuyên gia nhận định cơ hội để giải cứu các nạn nhân còn mắc kẹt dưới đống đổ nát đã qua.

Quan chức phụ trách cứu trợ nhân đạo của Liên Hợp Quốc cho biết giai đoạn giải cứu người sống sót trong trận động đất sắp kết thúc.

“Giờ là lúc chuyển sang giai đoạn nhân đạo, đáp ứng nhu cầu cấp bách về chỗ ở, chăm sóc y tế, thực phẩm, trường học”, CNN dẫn lời Phó tổng thư ký Liên Hợp Quốc Martin Griffiths cho hay.

Trong những ngày tới, Liên Hợp Quốc sẽ đẩy mạnh nỗ lực vận động viện trợ để đáp ứng nhu cầu nhân đạo của cả Thổ Nhĩ Kỳ và Syria trong vòng 3 tháng trước mắt.

Theo Zing

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast