Nỗi niềm công an xã: Áp lực cao, phụ cấp thấp, nhiều người xin... nghỉ việc!

(Baohatinh.vn) - Công an xã là lực lượng nòng cốt trong công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm, đảm bảo ANTT ở cơ sở. Thời gian qua, lực lượng công an của 230 xã, 11 thị trấn ở Hà Tĩnh đã phát huy hiệu quả vai trò, vị trí của mình, tuy nhiên, ở một góc khác, vẫn còn những nỗi niềm riêng...

Ban Công an xã Kỳ Xuân phổ biến kế hoạch phối hợp tuần tra đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn.

Muôn vàn kiểu vi phạm ở cơ sở

Có mặt tại trụ sở Công an xã Thạch Hội (Thạch Hà) vào một chiều nắng cuối tháng 9, vừa dựng xe máy, vừa mời chúng tôi vào phòng làm việc, Trưởng Công an xã Nguyễn Sỹ Thẩm vừa phân bua: “Làm phiền các anh phải chờ, chiều nay, anh em chúng tôi phải ra nghĩa địa để… cưỡng chế! Việc giờ mới xong”.

Thấy lạ, tôi hỏi: “Tại sao lại ra nghĩa địa để… cưỡng chế?”. Anh Thẩm cho hay: “Chuyện là thế này, có một chi họ ở địa phương, tự ý rủ nhau ra bao lấn đất chôn cho người chết trên đất nông nghiệp của dân. Chúng tôi đã tuyên truyền, vận động dỡ bỏ nhưng họ không chấp hành, nên phải cưỡng chế”.

Tìm hiểu thêm thì được biết, tình trạng xâm chiếm, bao lấn đất nông nghiệp để sau này làm chỗ hung táng đang là vấn nạn của nhiều địa phương nông thôn hiện nay, nhất là đối với những xã quỹ đất đang thu hẹp dần.

“Ngoài chuyện này, hiện ở địa phương chúng tôi, việc đối phó với nạn xúc trộm cát cũng hết sức gian nan. Bọn cát tặc thì ở trong tối, cứ rình mình sơ hở là trộm, bất kể đầu hôm hay nửa đêm. Trước đây, có lần anh Trần Hậu Thuấn - Phó Công an xã đã bị cát tặc đánh trọng thương phải nhập viện khi phát hiện ra hành vi vi phạm của chúng” - Trưởng Công an xã Thạch Hội cho biết thêm.

Với anh em công an xã Cẩm Mỹ, xã bán sơn địa có diện tích rộng nhất huyện Cẩm Xuyên (chiếm khoảng ¼ diện tích toàn huyện), thì ngoài việc phải giải quyết dứt điểm các mâu thuẫn nẩy sinh thường ngày, các tai nạn, tệ nạn như: Trộm cắp, đánh nhau, cờ bạc… thì điều “ngán” nhất đối với họ đó là giải quyết tranh chấp… trâu, bò!

Người dân vùng này có tập quán chăn thả trâu bò trong rừng, lâu lâu mới vào kiểm tra hoặc lùa về nhà một lần. Thế nên, mỗi khi trâu, bò lạc đàn hoặc sinh con là xẩy ra tranh chấp, người thì bảo do vật nuôi nhà mình sinh ra, kẻ lại bảo của mình.

“Để giải quyết một cách tâm phục, khẩu phục, chúng tôi không thể dựa ngay vào việc “kê khai” đặc điểm nhận dạng của vật nuôi tranh chấp của các bên mà phải cất công vào rừng tìm hiểu tỉ mỉ, nhờ cán bộ thú y trợ giúp chuyên môn, rồi sau đó mới tiến hành giải quyết theo cách truyền thống: Thả vật nuôi tranh chấp và 2 đàn vật nuôi của 2 gia đình ra, nếu vật nuôi tranh chấp theo đàn nào thì thuộc về nhà đó. “Để đến được bước giải quyết cuối cùng, phải mất rất nhiều thời gian, tuy nhiên, giải quyết xong thì cũng chỉ có cách… cười trừ với bên thua, dù lắm khi đã biết được ý định không trong sáng của họ khi tranh chấp” - Phó Công an xã Lê Đình Hùng chia sẻ.

Công an xã Cẩm Mỹ (Cẩm Xuyên) giải quyết tranh chấp vật nuôi giữa các hộ dân.

Phụ cấp công an viên chưa tương xứng

Toàn tỉnh hiện có trên 2.700 người thuộc lực lượng công an xã, thị trấn, trong đó có hơn 2.000 công an viên thôn, tổ dân phố. Theo quy định, hiện nay, công an viên phải kiêm nhiệm thôn phó. Tuy nhiên, do một lúc phải gánh “2 vai”, công việc gấp đôi nhưng phụ cấp lại không tăng, dẫn đến nhiều công an viên xin nghỉ việc.

Cẩm Mỹ có 12 thôn, mỗi thôn có 1 công an viên, từ đầu năm 2017 tới nay đã có tới… 6 công an viên xin nghỉ việc. Lý do được đưa ra là giống nhau: Công việc nhiều, thu nhập thấp… Ông Lê Đình Hùng - Phó Công an xã Cẩm Mỹ cho biết: “Từ khi có quy định phải kiêm nhiệm thôn phó thì bất cập nẩy sinh. Việc phải tham gia giải quyết các vấn đề về ANTT hàng ngày, hàng giờ bất kể đêm hôm đã là quá vất vả. Bây giờ kiêm thêm thôn phó thì còn phải “bao đồng” thêm cả đống việc từ tổ chức, mời dân đi họp thôn, triển khai nhiệm vụ xã giao, giải quyết kiến nghị của nhân dân trong thôn, bình bầu gia đình văn hóa, thu nộp các khoản đóng góp xây dựng… Khối lượng công việc nhân lên gấp bội, thế nhưng, phụ cấp lại không tăng, với mức 1-1,3 triệu đồng/tháng thì chỉ bằng 3-4 ngày đi làm phụ hồ nên nhiều người viết đơn xin nghỉ…”.

Theo Đại tá Lê Nguyên Hồng - Trưởng phòng Xây dựng phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc (Công an tỉnh) thì thực trạng công an viên thôn, xóm xin nghỉ việc hiện xẩy ra không ít nơi trên địa bàn tỉnh ta. Đây là bài toán nan giải, gây khó khăn trong hoạt động của lực lượng công an xã hiện nay.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói