Nông dân "bội tín", doanh nghiệp “tiến thoái lưỡng nan”

(Baohatinh.vn) - Vụ đông 2017, tại Hà Tĩnh, Công ty TNHH Vitad chỉ mua được khoảng 1.200 tấn ngô sinh khối. Kết quả này chưa bằng 1/3 so với cùng kỳ năm 2016 (4.500 tấn). Nhiều địa phương đã “bội tín” với doanh nghiệp, bán sản phẩm cho doanh nghiệp khác…

Mùa thu hoạch ngô sinh khối tại Hà Tĩnh bắt đầu từ nửa cuối tháng 3

Thời gian thu hoạch ngô sinh khối vụ đông 2017 bắt đầu từ khoảng nửa cuối tháng 3/2018. Đáng lẽ, vào thời điểm này, Công ty TNHH Vitad có thể “ung dung” là đầu mối thu mua chính sản phẩm ngô sinh khối cho bà con nông dân Hà Tĩnh. Bởi, đơn vị này từng “đặt nền” xây dựng vùng nguyên liệu cho mình bằng chuỗi liên kết khép kín từ cung ứng giống, quy trình sản xuất đến bao tiêu sản phẩm. Thậm chí, lúc khó khăn về thời vụ sản xuất, tài chính, doanh nghiệp sẵn sàng cho nông dân trả chậm giống đầu vào đến kỳ thu mua. Thế nhưng, khi thời vụ thu hoạch vụ đông năm nay chuẩn bị kết thúc, doanh nghiệp này vẫn khá “chật vật” để đảm bảo số lượng nguồn cung.

Vùng sản xuất ngô sinh khối xã Phương Điền (Hương Khê) mới bắt đầu thu hoạch. Nếu như cách đây hai năm, cả khu vực rộng lớn mấy chục ha nằm trong vùng liên kết khép kín của Công ty Vitad thì năm nay lại bị “xé lẻ” trong tiêu thụ. Ông Phan Thanh Lệ - Giám đốc HTX Liên doanh ngô nguyên liệu Phương Điền cho biết: “Năm nay, giống vụ đông được tỉnh hỗ trợ 100%, thế nên công ty chỉ ký hợp đồng thu mua vào cuối vụ. HTX là đầu mối dịch vụ, chịu trách nhiệm về sản lượng theo hợp đồng, cực nỗi, gần như không mấy ai bán đủ số diện tích cam kết ban đầu. Có người giữ lại chăn nuôi, người lại bán ngoài thị trường tự do, khiến cho kế hoạch thu mua bị đảo lộn. Đợt 1, chúng tôi thu mua được 400 tấn”.

HTX Liên doanh ngô nguyên liệu Phương Điền chi trả đợt 1 cho nông dân sau khi thu mua nguyên liệu cho Công ty TNHH Vitad

Ông Nguyễn Hữu Trình, thôn 5, Phương Điền cho biết: “Khi ngô chuẩn bị đến kỳ thu hoạch, tôi nghe phong thanh Công ty Vitad không thu mua nữa vì dự án bò Bình Hà giảm đàn. Nóng ruột quá, thấy thương lái đến mua thì bán. Nghe đâu là thu mua cho một doanh nghiệp ở Quảng Bình, tôi có 6 sào thì bán 2 sào, còn 4 sào nữa thì lấy hạt để dành chăn nuôi”.

Còn bà Hồ Thị Huê, thôn 4 thì cho rằng: “Vụ này tôi bán cho Công ty Vitad 3 sào được hơn 3,5 triệu đồng. Mặc dù HTX có nhu cầu nhưng tôi phải để lại 4 sào để phục vụ chăn nuôi. Hiện, tôi đã gieo vụ mới giống ngô nếp lấy bắp tươi vì mùa tới giá sản phẩm này sẽ cao hơn sinh khối”.

Đồng ngô 2 sào của gia đình ông Nguyễn Hữu Trình thu hoạch để bán cho thương lái

Có vẫn hơn không, như ở xã Ân Phú (Vũ Quang) thì vụ này, Công ty Vitad không mua được một kg ngô sinh khối nào. Toàn bộ sản lượng ngô trên diện tích 11 ha, bà con đều tìm bán cho đầu mối của Công ty CP Sữa Vinamilk hoặc thu hoạch bông bán tươi ra thị trường.

Ông Lê Ngọc Hiền - Trưởng phòng Kinh doanh, Công ty TNHH Vitad cho biết: “Vùng sản xuất nằm trong chuỗi liên kết khép kín do công ty cung ứng giống đến bao tiêu từ hai năm nay. Tuy nhiên, vụ này, khi công ty đặt vấn đề hợp đồng thu mua thì không nhận được câu trả lời từ phía nông dân”.

Theo ông Hiền, với tình trạng sản xuất thiếu ổn định như hiện nay thì kế hoạch thu mua nguyên liệu của doanh nghiệp có nguy cơ “vỡ trận”!

Thiếu thông tin, nông dân sản xuất trong phấp phỏng vì lo thị trường tiêu thụ ngô sinh khối

Biết rằng, thị trường “thiên biến, vạn hóa”, lựa chọn DN nào là quyền của người sản xuất. Thực tế hôm nay nông dân không có lỗi. Yếu tố khách quan là chính sách hỗ trợ 100% giống ngô cho người nông dân, theo đó kế hoạch liên kết Công ty Vitad phải thay đổi từ khép kín chuỗi giá trị sang liên kết một phần (ký hợp đồng thu mua).

Tuy nhiên, trong khi DN chưa xây dựng được mạng lưới dịch vụ liên kết đồng bộ, chuyên nghiệp thì chính quyền các cấp, ngành nông nghiệp cũng chưa làm đúng vai trò của “người trọng tài” kết giữ, bảo hộ mối liên kết, tạo niềm tin cho cả người sản xuất lẫn doanh nghiệp!

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói