Giữa những ngày thời tiết nắng nóng, ở bất cứ đâu trên các con phố đến làng quê cũng thấy nhan nhản những quán nước mía "siêu sạch” nằm trên vỉa hè, trong quán tạp hóa. Chỉ khoảng từ 5 - 10.000 đồng, khách hàng có thể thưởng thức nước mía ngay tại chỗ bán khi có nhu cầu.
Những quán nước mía không được che đậy dựng lên khắp nơi từ thành thị đến nông thôn
Quảng cáo “siêu sạch”, thế nhưng quá trình chế biến từ những chiếc máy này khó có thể nói là đảm bảo vệ sinh. Những chiếc xe di động không được che chắn, bã mía vương vãi khắp nơi, cạnh đó là đống mía cây đã bào vỏ không che đậy mặc cho ruồi nhặng và bụi bặm. Không ít bó mía đã chuyển sang màu đỏ, thậm chí thâm đen vì để qua nhiều ngày, nhưng vẫn được sử dụng.
.
Bã mía vương vãi xung quanh những chiếc máy ép mía
Ghé một điểm bán nước mía trên đường Phan Đình Phùng (TP Hà Tĩnh) chúng tôi thấy bà chủ quán cầm những khúc mía đã được nạo vỏ sẵn, màu vàng úa, rồi đưa vào máy ép cho ra sản phẩm. Tất cả quá trình chế biến, bà đều không dùng găng tay.
Ngoài ra, do máy có thiết kế khép kín, toàn bộ phần lốc máy bên trong được che chắn hoàn toàn nên người bán khó có thể vệ sinh nên tạo môi trường thuận lợi cho các loại vi khuẩn sinh sôi nảy nở.
Từ nạo vỏ mía, pha chế, thu tiền, người bán hàng đều không dùng găng tay
Mặc dù biết những quán nước mía không thực sự “siêu sạch” như quảng cáo, nhưng nhiều khách hàng vẫn vô tư thưởng thức vì: “Biết là không đảm bảo bảo nhưng trời quá nóng, nước mía thì tiện lợi, dễ giải khát” – một vị khách nói.
Đây là những ly nước mía được quảng cáo "siêu sạch"
Trên thực tế, lâu nay, người bán nước mía chỉ cần vài bộ bàn ghế, tấm biển quảng cáo và một máy ép đã thành chủ quán nước mía “siêu sạch” mà không hề vướng trở ngại nào. Thiết nghĩ cơ quan chức năng cần sớm có biện pháp rà soát, tổ chức kiểm tra việc đảm bảo an toàn thực phẩm đối với dịch vụ này, góp phần bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.