Ổ dịch Covid-19 lớn bùng phát, Bắc Kinh áp dụng “cơ chế thời chiến”

Sự xuất hiện của ổ dịch mới tại Bắc Kinh, bắt nguồn từ 1 khu chợ buôn bán thực phẩm, đã làm dấy lên lo ngại nơi đây có nguy cơ trở thành Vũ Hán thứ 2.

Thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc đang tái áp đặt biện pháp phong tỏa chặt chẽ và triển khai xét nghiệm hàng loạt sau khi một ổ dịch Covid-19 mới xuất hiện tại khu chợ buôn bán thực phẩm lớn nhất thành phố, làm dấy lên lo ngại về sự tái bùng phát dịch bệnh Covid-19.

Ổ dịch Covid-19 lớn bùng phát, Bắc Kinh áp dụng “cơ chế thời chiến”

Thủ đô Bắc Kinh ở trong tình trạng báo động về làm sóng dịch Covid-19 thứ 2. (Nguồn: AP).

“Bắc Kinh đang bước vào thời điểm đặc biệt”

Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc cho biết, Bắc Kinh đã ghi nhận 36 ca mắc Covid-19 mới vào hôm nay (15/6), nâng tổng số ca mắc lên 79, kể từ khi phát hiện ca lây nhiễm đầu tiên tại thành phố này trong gần 2 tháng qua.

Những trường hợp mắc mới đều liên quan đến chợ Tân Phát Địa ở quận Phong Đài, phía tây nam của thành phố, nơi cung cấp hầu hết các loại trái cây và rau tươi cho khu vực thủ đô. Khu chợ này cũng bán thịt và nhiều loại hải sản khác. Chợ Tân Phát Địa đã đóng cửa vào hôm 13/6 vừa qua.

Ổ dịch đã lan sang các tỉnh Liêu Ninh và Hà Bắc, với 5 ca mắc mới đều có tiếp xúc với bệnh nhân Covid-19 tại Bắc Kinh. Ổ dịch mới đã phá vỡ chuỗi ngày bình yên trên khắp Trung Quốc. “Bắc Kinh đang bước vào thời điểm đặc biệt”, Người phát ngôn chính quyền thành phố Bắc Kinh Xu Hejian hôm 14/6 cho biết trong một cuộc họp báo.

Truyền thông Trung Quốc trước đó đã nhiều lần ca ngợi các biện pháp chống dịch của chính phủ Trung Quốc, cho rằng những biện pháp này ngăn chặn hiệu quả virus SARS-CoV-2, đối lập với sự thất bại của Mỹ và các nước phương Tây.

Sự xuất hiện đột ngột của ổ dịch mới tại Bắc Kinh, trước đây từng được coi là một trong những thành phố an toàn nhất Trung Quốc, đã làm gia tăng lo ngại về nguy cơ bùng phát làn sóng lây nhiễm dịch bệnh lần thứ 2 và khả năng tái áp đặt các biện pháp phong tỏa từng khiến nền kinh tế trì trệ.

Tân Hoa xã dẫn lời Phó Thủ tướng Trung Quốc Tôn Xuân Lan ngày 14/6 cho biết, nguy cơ dịch bệnh tái bùng phát là rất cao bởi chợ Tân Phát Địa rất đông đúc và lượng người ra vào cũng rất nhiều.

Áp dụng “cơ chế thời chiến”

Quận Phong Đài hôm 13/6 đã công bố “cơ chế thời chiến” và thành lập một trung tâm chỉ huy để ngăn chặn sự lây lan của virus SARS-CoV-2. Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc đã đăng tải video cho thấy lực lượng bán quân sự đeo khẩu trang tuần tra chợ Tân Phát Địa sau khi khu chợ này đóng cửa cuối tuần qua.

Nhà chức trách cũng phong tỏa 11 khu dân cư gần chợ, nghiêm cấm mọi người ra vào. Người dân sẽ được kiểm tra thân thiệt hàng ngày, được giao đồ ăn và nhu yếu phẩm. Bắc Kinh cũng tiến hành xét nghiệm axit nucleic để sàng lọc người mắc Covid-19, thành lập 193 cơ sở lấy mẫu trên toàn thành phố. Hơn 76.000 người đã được xét nghiệm vào hôm qua (14/6), trong đó 59 người có kết quả dương tính, người phát ngôn Xu Hejian cho biết.

Xét nghiệm axit nucleic hoạt động bằng cách phát hiện mã di truyền của virus SARS-CoV-2, hiệu quả hơn nhiều các xét nghiệm khác trong việc phát hiện bệnh nhân mắc Covid-19, đặc biệt là ở giai đoạn cửa sổ.

Quận Phong Đài đã thu thập mẫu xét nghiệm từ 8.950 người làm việc tại chợ Tân Phát Địa. Đến thời điểm hiện tại đã xét nghiệm hơn 6.000 mẫu và tất cả kết quả đều âm tính. Nhà chức trách cũng theo dõi và thu thập mẫu của gần 30.000 người đã đến Tân Phát Địa trong vòng 14 ngày trước khi khu chợ này đóng cửa. Tất cả 12.000 xét nghiệm được thực hiện cho đến thời điểm hiện tại đều có kết quả âm tính.

Chính quyền thành phố Bắc Kinh đã yêu cầu bất cứ ai từng đến khu chợ này và những người đã tiếp xúc với họ phải ở trong nhà trong 2 tuần để theo dõi y tế. Bắc Kinh cũng hoãn việc mở cửa lại các lớp học cho học sinh tiểu học, ban đầu được dự kiến là vào ngày 15/6. Một số quan chức địa phương đã bị cách chức sau khi ổ dịch bùng phát.

Đây không phải là lần đầu tiên virus SARS-CoV-2 bùng phát trở lại tại Trung Quốc. Vào tháng 5 vừa qua, một vài nơi tại khu vực đông bắc nước này đã nhanh chóng bị phong tỏa sau khi xuất hiện các ca mắc “nhập khẩu” khiến dịch bệnh bùng phát trong các cộng đồng địa phương.

Liệu Bắc Kinh có nguy cơ trở thành Vũ Hán thứ 2?

Ổ dịch mới bùng phát tại Bắc Kinh sẽ là thách thức mới nhất đối với chiến lược ngăn chặn Covid-19 của Trung Quốc. Chính quyền thành phố Bắc Kinh vẫn đang cố gắng truy tìm nguồn gốc ổ dịch này, cam kết tiến hành các cuộc điều tra dịch tễ nghiêm ngặt nhất.

Trong bài viết trên trang cá nhân Twitter, Hu Xijin – tổng biên tập tờ Thời báo Hoàn cho rằng Bắc Kinh sẽ không trở thành Vũ Hán thứ 2. “ Bắc Kinh sẽ không trở thành Vũ Hán 2.0. Thế giới sẽ chứng kiến năng lực mạnh mẽ của Trung Quốc trong việc kiểm soát dịch bệnh, trong đó có vai trò lãnh đạo của chính phủ, sự tôn trọng đối với khoa học, thiện chí hợp tác của người dân và các biện pháp phối hợp trên toàn quốc. Chúng ta sẽ chiến thắng thêm 1 lần nữa”.

Zhang Yuxi, quản lý khu chợ Tân Phát Địa nói với tờ Tin tức Bắc Kinh rằng, virus SARS-CoV-2 đã được phát hiện trên thớt của một người bán cá hồi nhập khẩu, làm dấy lên lo ngại sự lây nhiễm có thể lan rộng hơn. Một số siêu thị đã loại bỏ mặt hàng cá hồi.

Trong khi các cuộc điều tra vẫn đang được tiến hành, một nhà nghiên cứu thuộc Trung tâm phòng chống dịch bệnh Bắc Kinh cho biết, trình tự bộ gen của virus SARS-CoV-2 tìm thấy tại khu chợ này tương tự như chủng virus ở châu Âu.

“Vẫn chưa rõ virus này có nguồn gốc từ đâu. Nó có thể từ hải sản hoặc thịt mang mầm bệnh rồi lây sang người tiếp xúc, hoặc truyền qua dịch tiết của những người mắc bệnh đã đi vào khu chợ”, Yang Peng, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) ở Bắc Kinh chia sẻ với CCTV./.

Theo Hồng Anh/VOV.VN (biên dịch)

Đọc thêm

Bạo lực gia tăng tại Colombia

Bạo lực gia tăng tại Colombia

Ngày 19/1, Lực lượng quân đội Colombia cho biết sẽ tăng cường các hoạt động ở khu vực Tây Bắc đất nước để ngăn chặn làn sóng bạo lực bùng phát trong những ngày qua.
WMO cảnh báo khẩn về khí hậu toàn cầu

WMO cảnh báo khẩn về khí hậu toàn cầu

Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) xác nhận rằng năm 2024 là năm nóng nhất từng được ghi nhận, đánh dấu một cột mốc đáng lo ngại về biến đổi khí hậu toàn cầu.