Ô nhiễm môi trường trang trại chăn nuôi: Chất thải - sức ép lớn!

(Baohatinh.vn) - Ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi ở Hà Tĩnh đang ngày càng trở nên nghiêm trọng bởi hầu hết các cơ sở chăn nuôi đều xả thải trực tiếp ra môi trường. Và, nguồn chất thải vượt quá khả năng “chịu tải” của tự nhiên đã gây ô nhiễm đất đai và nguồn nước, đe dọa tác động trực tiếp tới cuộc sống của hàng ngàn hộ dân...

o nhiem moi truong trang trai chan nuoi chat thai suc ep lon
o nhiem moi truong trang trai chan nuoi chat thai suc ep lon

Nhiều người dân phản ánh trang trại chăn nuôi lợn nằm sát đập Hồ Vậy (xã Sơn Tây, Hương Sơn) xả thải gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Đa phần các trang trại chăn nuôi trên địa bàn Hà Tĩnh có quy hoạch khá nhỏ lẻ, chắp vá, thiết bị chuồng trại không đồng bộ. Hầu hết, các trang trại nằm gần khu dân cư, thậm chí rất nhiều trang trại nằm ở đầu nguồn nước nên mức độ ô nhiễm rất cao… Tình trạng chất thải xả bừa bãi trong khu dân cư, chảy ra những cánh đồng hoa màu đang hàng ngày, hàng giờ “đầu độc” nguồn đất canh tác và nguồn nước ngầm cũng như cuộc sống, sinh hoạt của người dân địa phương.

Dự án chăn nuôi bò tại địa bàn xã Cẩm Mỹ và Cẩm Quan (Cẩm Xuyên) của Công ty CP Chăn nuôi Bình Hà (thuộc Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai) mặc dù mới đưa vào hoạt động nhưng ô nhiễm môi trường đã ở mức “báo động đỏ”, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống sinh hoạt của hàng ngàn hộ dân trên địa bàn các xã lân cận. Dự án được triển khai ngay tại thượng nguồn của các con sông chảy về khu dân cư, phân bò thải thẳng ra môi trường làm cho nguồn nước bị ô nhiễm, đục ngầu, bốc mùi hôi thối.

Điều nguy hại nữa, Công ty CP?Chăn nuôi Bình Hà chưa xây dựng được nhà máy xử lý phân, các công trình phụ trợ như bể lắng, bể xử lý phân chưa có nên hầu hết phân và rác thải đang đổ trực tiếp ra môi trường. Việc chôn bò chết được thực hiện rất sơ sài, chỉ đào hố, rải vôi rồi lấp đất chứ không trải bạt chống thấm, không xử lý đề phòng dịch bệnh lây lan.

Cách đó không xa, tại xã Cẩm Lạc (Cẩm Xuyên), người dân ven sông Rác đoạn đi các thôn Nam Văn, Nam Hà, Hoa Thám cũng phải sống trong cảnh ô nhiễm môi trường trầm trọng. Dòng nước của sông Rác đã chuyển sang màu xanh sẫm, bốc mùi khó chịu, thời gian gần đây, trên sông còn xuất hiện nhiều xác chết động vật được bọc đơn giản bằng túi nilon hoặc bì tải.

Ông Trần Văn Đạt - Trưởng thôn Nam Văn cho biết, dọc sông Rác từ thôn Nam Văn lên đến đầu nguồn có một số trang trại quy mô lớn và rất nhiều mô hình chăn nuôi lợn quy mô nhỏ, nhưng việc xử lý chất thải của nhiều cơ sở không đảm bảo môi trường. Bằng chứng là nước sông Rác đang bị ô nhiễm nghiêm trọng do chất thải từ lợn gây ra. Trước đây, nước sông có thể dùng để tắm, rửa, nhưng khoảng vài năm trở lại nay, khi lội qua sông thường bị dị ứng, nổi mẩn ngứa, khó chịu. Vào mùa hè, nước bốc mùi hôi thối, ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống người dân ven sông.

Người dân thôn Hồ Vậy (xã Sơn Tây, Hương Sơn) cũng đang phải khổ sở với vấn nạn ô nhiễm môi trường. Đến khu vực thôn, chúng tôi cũng có thể xác nhận thông tin của người dân là có cơ sở khi có thể đánh giá bằng cảm quan bởi mùi hôi nồng nặc bốc lên từ đập Hồ Vậy. Theo người dân sống gần hồ, mấy năm gần đây, đến mùa hè, khi mực nước hạ xuống, càng ô nhiễm nặng, xuất hiện hiện tượng cá chết. Có những ngày, mùi hôi nặng đến mức... buồn nôn! Một số hộ dân không thể sử dụng nước giếng để phục vụ cho sinh hoạt.

Ông Dương Văn Minh - một người dân trong thôn cho biết thêm: “Từ khi có trang trại lợn gần đập Hồ Vậy thì nước giếng ngày càng có mùi hôi, nổi váng, đến nay, gia đình chỉ có thể dùng phục vụ tưới tiêu, không thể dùng trong sinh hoạt”.

Tương tự, nhiều hộ dân tại thôn Làng Chè (xã Sơn Kim 1, Hương Sơn) thường xuyên mất mùa, năng suất thấp do chất thải chăn nuôi lợn của trang trại phía trên nguồn nước đập Khe Rồng khiến lúa bị tốt lốp. Chưa kể từ khi có trang trại chăn nuôi lợn cũng đã xảy ra thảm họa ốc vàng tàn phá lúa non. Riêng nguồn nước ở các khe suối nơi đây đã bị ô nhiễm nặng, thường xuyên bốc mùi khó chịu.

Mới đây, tình trạng nước trong hồ Vực Trống ở xã Thượng Lộc (Can Lộc) có dấu hiệu ô nhiễm nặng. Nước hồ chuyển màu xanh đục, đặc quánh, bốc mùi hôi thối kéo theo nhiều loại thủy sản biến mất và khiến hàng ngàn hộ dân không có nước sạch sinh hoạt. UBND huyện Can Lộc điều tra nguyên nhân và phát hiện trang trại của ông Trần Tất Đạt ở xóm Trà Sơn, xã Phú Lộc xả nước thải trực tiếp vào nguồn nước; tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng sản xuất sang đất nông nghiệp khác; không thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường...

Số liệu từ Sở NN&PTNT, Hà Tĩnh hiện có 252 trang trại chăn nuôi tập trung quy mô từ 300 - 4.500 con. Trong đó, có 7 trang trại bò với tổng đàn hơn 10.000 con; 245 trang trại lợn, tổng đàn 150.000 con (không tính lợn sữa).

Cuối năm 2016, đoàn liên ngành do Sở Tài nguyên - Môi trường Hà Tĩnh chủ trì tổ chức kiểm tra ngẫu nhiên tại 12/252 trang trại chăn nuôi tập trung trên địa bàn. Kết quả, gần 100% trang trại chăn nuôi này đều vi phạm nghiêm trọng về môi trường.

Tính đến cuối tháng 5/2017, toàn tỉnh mới chỉ có 1 dự án chăn nuôi được cấp giấy xác nhận hoàn thành các công trình bảo vệ môi trường và 2 dự án đang trình hồ sơ xin cấp giấy xác nhận...

Đọc thêm

Chật vật tìm lao động xuất khẩu sang Nhật

Chật vật tìm lao động xuất khẩu sang Nhật

Nhu cầu lao động ở Nhật Bản tăng nhưng nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn khi tìm nguồn, phải “mua” lại từ môi giới với giá 20-30 triệu đồng mỗi người để kịp đơn hàng.
Vinmec cứu sống bệnh nhân ung thư thực quản giai đoạn muộn

Vinmec cứu sống bệnh nhân ung thư thực quản giai đoạn muộn

Bệnh nhân 54 tuổi mắc ung thư thực quản giai đoạn muộn, lại bị huyết áp cao, tiểu đường. Ngỡ không qua được cửa tử khi bị nhiều bệnh viện từ chối phẫu thuật, nhưng may mắn, nhờ đội ngũ bác sĩ Vinmec Times City (Hà Nội), bệnh nhân đã được cứu sống.
Ai bị tạm dừng hưởng lương hưu từ ngày 1/7/2025?

Ai bị tạm dừng hưởng lương hưu từ ngày 1/7/2025?

Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) năm 2024 cũng quy định 3 trường hợp người đang hưởng lương hưu, trợ cấp hằng tháng bị tạm dừng hưởng chế độ như luật hiện hành nhưng có một số điều chỉnh.
5 trường hợp được hỗ trợ khi tinh giản biên chế, dôi dư trong sắp xếp đơn vị hành chính ở Hà Tĩnh

5 trường hợp được hỗ trợ khi tinh giản biên chế, dôi dư trong sắp xếp đơn vị hành chính ở Hà Tĩnh

Tại Kỳ họp thứ 23, HĐND tỉnh Hà Tĩnh khóa XVIII đã thông qua Nghị quyết chính sách hỗ trợ đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, người hoạt động không chuyên trách và các đối tượng khác tinh giản biên chế, dôi dư trong quá trình sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh.