Thầy Phạm Thanh Hiền luôn trăn trở, tìm tòi kiến thức nhằm nâng cao chất lượng mỗi bài giảng
Học trò đầu tiên của thầy cũng chính là cô con gái đầu lòng Phạm Thị Thanh Nga. Năm 1997, khi Nga học lên bậc THPT, nhận thấy sức học của con còn yếu nên thầy Hiền bắt đầu chú trọng đến việc học tập của con.
“Thời đó, tài liệu tham khảo không nhiều như bây giờ nên thầy thường tận dụng bài kiểm tra của con. Mỗi lần có bài kiểm tra, Nga cất lại đưa về để 2 bố còn cùng tìm ra chỗ sai và có cách giải đúng. Do 25 năm rồi tôi mới cầm đến sách nên nói là bố bày cho con nhưng 2 bố con cùng học với nhau, nhiều kiến thức khác lắm” - thầy Hiền chia sẻ.
Đến cuối năm, thấy con gái học khá dần lên, kết quả thi đại học với số điểm cao là minh chứng cho sự nỗ lực của 2 bố con. Rồi những đứa trẻ trong xóm cũng thỉnh thoảng mang sách hỏi bài thầy. Lớp học đầu tiên của thầy Hiền bắt đầu với 3 cô cậu học trò hàng xóm.
Tiếng lành đồn xa, phụ huynh trong làng, rồi trong xã đưa con đến gửi nhờ thầy kèm cặp. Ái ngại về bản thân chưa tốt nghiệp đại học, bao năm qua chỉ quanh quẩn với chiếc máy may nên thầy Hiền không dám nhận. Cho đến năm 1999, khi một cán bộ trong xã động viên: “25 năm qua, kể từ năm 1973, khi anh đậu đại học đến nay, cả làng chưa ai đậu đại học. Nếu anh chỉ may một chiếc áo thì cũng chỉ một người mặc, cùng lắm chỉ 6 tháng nó còn mới. Nhưng nếu anh dạy học tốt cho 1 người thì cái đẹp đó sẽ nhân lên và ngày càng được làm mới hơn nữa”.
Chính lời nói đó đã khiến thầy Hiền thay đổi suy nghĩ. Nhìn quanh xóm, thấy lớp trẻ chỉ mới dừng lại ở mức tốt nghiệp THPT, thầy càng mong dân trí của xã sớm được nâng cao. Tuy nhiên, mãi đến năm 2001, thầy mới tự tin khai giảng lớp học đầu tiên. Chính bí thư xã lại là một trong những người tiên phong đưa con nhờ thầy Hiền kèm cặp.
Thầy Hiền đảm nhiệm dạy cả 3 môn thi đại học khối A là Toán, Lý, Hóa. Hàng ngày, cứ hơn 1h sáng, gian phòng làm việc của thầy mới tắt điện. Giáo án, sách giáo khoa tham khảo và internet là những kho tư liệu quý giá để ông giáo làng tìm kiếm kiến thức cho mình và các học trò. Trong lớp học, thầy cũng phân công lớp trưởng và các cán bộ lớp như một lớp học bình thường. Những em học khá, có kiến thức vững hơn được giao làm lớp phó học tập các bộ môn.
Trước đây, lớp học của thầy Hiền có khoảng 80 HS. Tính từ năm 2003 đến nay, số lượng HS đã lên đến con số trên 700. Trong đó, số em đỗ vào các trường đại học, cao đẳng dao động ở mức 70%. Có năm, lớp học của thầy chỉ có 18 em và 100% đậu đại học. Năm 2016, chỉ với hơn 30 HS, lớp học của thầy Hiền có đến 20 em đậu từ 27 điểm trở lên.
“Nhiều năm gần đây, HS thi lại chủ yếu chọn trường y và quân sự. Năm ngoái, nhiều em đậu với số điểm cao và hiện là học viên các trường quân sự, số em còn lại cũng đậu vào các trường đại học, cao đẳng trong cả nước” - thầy Hiền cho biết.
Không chỉ dạy học, thầy Hiền còn tham gia nhiều hoạt động trong cộng đồng dân cư. Thầy hiện là Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh của thôn. Với những đóng góp của thầy giáo làng Phạm Thanh Hiền, những năm qua, UBND tỉnh và UBND huyện đã nhiều lần tặng bằng khen, giấy khen. Đặc biệt, năm 2016, thầy Hiền vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen về thành tích “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.