Ông Mike Pence từ bỏ tranh cử tổng thống Mỹ

Cựu phó tổng thống Mỹ Mike Pence tuyên bố rút khỏi cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2024, nói rằng lúc này "không phải thời điểm của tôi".

Ông Pence được đón tiếp nồng nhiệt khi bước lên phát biểu tại hội nghị thường niên các nhà tài trợ của Liên minh Do Thái đảng Cộng hòa ở thành phố Las Vegas, bang Nevada ngày 28/10, song gây bất ngờ khi trở thành ứng viên lớn đầu tiên của cuộc đua vào Nhà Trắng tuyên bố dừng chiến dịch tranh cử.

“Đi khắp đất nước 6 tháng qua, tôi có mặt tại đây để nói rằng rõ ràng lúc này không phải thời điểm của tôi”, ông Pence, 64 tuổi, nói. “Sau nhiều lời cầu nguyện và cân nhắc, tôi đã quyết định dừng chiến dịch tranh cử tổng thống”, ông cho hay.

Những người tham dự hội nghị đều bất ngờ trước quyết định của cựu phó tổng thống, sau đó là những tiếng vỗ tay kéo dài.

"Tôi kêu gọi tất cả người Cộng hòa ở đây hãy mang đến cho đất nước chúng ta một lãnh đạo mang tiêu chuẩn đảng Cộng hòa. Đó cũng phải là người lãnh đạo đất nước bằng sự nhã nhặn", cựu phó tổng thống Mỹ nói thêm, dường như ngầm chỉ trích ông Donald Trump. Mối quan hệ giữa ông Pence và ông Trump đã rạn nứt vào cuối nhiệm kỳ, khi ông Trump thực hiện các nỗ lực lật ngược kết quả bầu cử 2020.

Ông Mike Pence từ bỏ tranh cử tổng thống Mỹ

Ông Mike Pence tại hội nghị thường niên các nhà tài trợ của Liên minh Do Thái đảng Cộng hòa ở thành phố Las Vegas, bang Nevada ngày 28/10. Ảnh: Reuters

Việc ông Pence rút khỏi chiến dịch tranh cử gây bất ngờ, nhưng chỉ là vấn đề thời gian. Dù đã có danh tiếng và kinh nghiệm chính trường, chiến dịch tranh cử của ông vẫn không thu hút nhiều cử tri và nhà tài trợ. Nếu không rút khỏi cuộc đua, ông sẽ phải đối mặt việc không được mời tham gia cuộc tranh luận giữa các ứng viên sơ bộ ở thành phố Miami ngày 8/11 do không nhận được sự ủng hộ rộng rãi trong các cuộc thăm dò.

Ông Pence tuyên bố tranh cử hồi tháng 6 nhưng bị đánh giá là nhà vận động thiếu sức thu hút, chiến dịch tranh cử của ông gần cạn tiền mặt trong tháng này. Ông cũng thất bại trong việc gây ấn tượng ở Iowa, một trong những bang đầu tiên tổ chức bầu cử sơ bộ, dù đã dành nhiều thời gian và tiền bạc tại đây.

Tổng số tiền gây quỹ trong quý ba của ông Pence tính đến ngày 15/10 cho thấy chiến dịch tranh cử của ông đang nợ 620.000 USD và có 1,2 triệu USD tiền mặt trong tay. Con số này kém hơn nhiều so với một số đối thủ Cộng hòa và không đủ cho cuộc đua vào Nhà Trắng.

Một số cựu phó tổng thống Mỹ từng tranh cử thành công vào Nhà Trắng, như ứng viên Cộng hòa George H.W. Bush năm 1988, ứng viên Dân chủ Al Gore năm 2000. Tổng thống Joe Biden cũng từng là phó tổng thống cho ông Barack Obama. Tuy nhiên, Pence không thể vượt qua nền tảng chính trị ủng hộ ông Trump, cũng như các đối thủ thu hút nhiều cử tri sơ bộ và các nhà tài trợ hơn, như cựu thống đốc Nam Carolina Nikki Haley và Thống đốc Florida Ron DeSantis.

Ông Trump chưa bình luận về thông báo rút lui của cựu phó tổng thống. Ứng viên Haley ca ngợi Pence là người đấu tranh cho Mỹ và Israel. DeSantis đăng trên mạng xã hội X rằng Pence là “người có nguyên tắc, luôn giữ vững đức tin, đã làm việc không biết mệt mỏi để thúc đẩy các giá trị bảo thủ”.

Hôm 26/10, ứng viên đảng Cộng hòa Larry Elder, 71 tuổi, thông báo bỏ cuộc và bày tỏ ủng hộ ông Trump. Nhiều ứng viên sơ bộ của đảng Cộng hòa được cho là cũng sắp rút khỏi cuộc đua. Hiện ông Trump vẫn dẫn đầu với khoảng cách khá lớn so với các ứng viên còn lại.

Theo Huyền Lê/VNE (AFP, Reuters)

Đọc thêm

Đảng cầm quyền Hàn Quốc trước nguy cơ phân rã

Đảng cầm quyền Hàn Quốc trước nguy cơ phân rã

Sau khi Quốc hội Hàn Quốc ngày 14/12 thông qua dự luật luận tội Tổng thống Yoon Suk Yeol do ông đã ban bố thiết quân luật đêm 3/12, nhiều nhà lãnh đạo của đảng Quyền lực Quốc dân (PPP) cầm quyền đã nộp đơn từ chức, trong khi sự chia rẽ nội bộ giữa những người ủng hộ và phản đối việc luận tội Tổng thống Yoon có xu hướng ngày càng gia tăng, khiến PPP đứng trước nguy cơ bị phân rã.
Bệnh lạ khiến 31 người tử vong tại CHDC Congo

Bệnh lạ khiến 31 người tử vong tại CHDC Congo

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), từ ngày 24/10 đến ngày 5/12, CHDC Congo ghi nhận 406 ca mắc bệnh chưa rõ nguyên nhân với các triệu chứng như sốt, đau đầu, ho, sổ mũi và đau nhức cơ bắp.