Hà Tĩnh gắn bảo vệ rừng với phát triển đa dạng hệ sinh thái

(Baohatinh.vn) - Lực lượng kiểm lâm, các chủ rừng lớn và người dân Hà Tĩnh đã tập trung vào cuộc để bảo vệ rừng tại gốc gắn với giữ gìn, phát triển hệ sinh thái rừng đa dạng, phong phú.

Phát hiện sớm, xử lý nghiêm vi phạm lâm luật

Đầu tháng 3/2023, TAND huyện Hương Khê tuyên phạt Lê Quang Vinh (SN 1962, trú tại xã Phúc Trạch) 4 năm tù về tội “Hủy hoại rừng” và buộc phải bồi thường thiệt hại cho Nhà nước với tổng số tiền hơn 1,2 tỷ đồng. Hình phạt này là thích đáng vì đối tượng Lê Quang Vinh đã sẻ phát trái phép 4,7 ha rừng (trong đó gần 2,8 ha rừng phòng hộ, còn lại là rừng sản xuất) ở các khoảnh 4, 4a, 5, 5a của Tiểu khu 251A.

Đây là một trong hai vụ án liên quan đến hành vi xâm hại rừng bị lực lượng kiểm lâm phát hiện và đưa ra xét xử hình sự trong năm 2023; là một trong 27 vụ vi phạm lâm luật bị phát hiện, xử lý hình sự trong 5 năm gần đây ở Hà Tĩnh.

Hà Tĩnh gắn bảo vệ rừng với phát triển đa dạng hệ sinh thái

Tòa án nhân dân huyện Hương Khê xét xử Lê Quang Vinh tội “Hủy hoại rừng”.

Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Hương Khê Nguyễn Mạnh Tài cho biết: “Do diện tích rừng lớn, nhận thức của một bộ phận người dân chưa thực sự tốt, nguy cơ rừng bị xâm hại cao nên chúng tôi đã thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các chủ rừng, chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng khác để tuần tra, kiểm tra, kiểm soát hướng tới mục tiêu bảo vệ rừng tại gốc hiệu quả.

Nhờ đó, các vi phạm lâm luật đã được phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm, nhất là tình trạng sẻ phát rừng trái phép, khai thác và vận chuyển gỗ trái phép... Những năm gần đây, chúng tôi phát hiện, xử lý khoảng 90 – 100 vụ vi phạm/năm; riêng năm 2023 là 65 vụ, giảm 26 vụ so với năm 2022”.

Hà Tĩnh gắn bảo vệ rừng với phát triển đa dạng hệ sinh thái

Lực lượng kiểm lâm cùng cán bộ Ban Quản lý rừng phòng hộ Hương Khê tuần tra bảo vệ rừng tại gốc.

Cũng như Hương Khê, lực lượng kiểm lâm trong toàn tỉnh đã có sự tập trung vào cuộc cao, kiên trì đấu tranh, ngăn chặn các hành vi xâm hại rừng, nhất là những huyện có diện tích rừng lớn như Hương Sơn, Thạch Hà, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh, Vũ Quang...

Theo đó, công tác quản lý, bảo vệ rừng tại gốc đã được tập trung cao độ (trọng tâm là 74.501 ha rừng đặc dụng và 116.126 ha rừng phòng hộ); việc sử dụng rừng và đất lâm nghiệp của các chủ rừng được giám sát chặt chẽ, thường xuyên; các vụ lấn chiếm, chặt phá được phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm minh, đúng người, đúng hành vi...

Hà Tĩnh gắn bảo vệ rừng với phát triển đa dạng hệ sinh thái

Kiểm lâm Vũ Quang kiểm đếm tang vật tịch thu từ các vụ vi phạm lâm luật trên địa bàn.

Nhờ vào cuộc đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả nên các vụ vi phạm đã giảm dần qua các năm. Từ năm 2017 đến nay, Kiểm lâm Hà Tĩnh đã phát hiện, xử lý 1.498 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp, tịch thu 1.569 m3 gỗ các loại, thu nộp ngân sách nhà nước gần 12,5 tỷ đồng; bình quân mỗi năm có 249 vụ vi phạm (giảm 267 vụ/năm so với giai đoạn 2011 – 2017). Riêng năm 2023, toàn tỉnh đã phát hiện, xử lý 201 vụ vi phạm, tịch thu gần 72 m3 gỗ các loại, 56 cá thể/14 kg động vật rừng và xử phạt hành chính trên 2,4 tỷ đồng.

Tăng cường bảo vệ sự đa dạng sinh học

Vườn Quốc gia Vũ Quang được giao quản lý, bảo vệ, phát triển 57.030 ha rừng và đất lâm nghiệp với 49 tiểu khu, nằm trên địa bàn 10 xã, thị trấn của huyện Hương Khê, Vũ Quang, Hương Sơn. Đây được biết đến là “mỏ loài mới” ở Việt Nam, là trung tâm đa dạng sinh học của châu Á với hệ thống động thực vật phong phú, có nhiều loài đặc hữu. Vì vậy, nhiều năm qua, chủ rừng, chính quyền các địa phương, các lực lượng hữu quan đã phối hợp chặt chẽ với các nhà khoa học, các trung tâm bảo vệ động thực vật trong và ngoài nước tập trung bảo vệ, quản lý, nghiên cứu để phát triển sự đa dạng sinh học trong lâm phần.

Hà Tĩnh gắn bảo vệ rừng với phát triển đa dạng hệ sinh thái

Các lực lượng chức năng tái thả động vật hoang dã về môi trường tự nhiên ở Vườn Quốc gia Vũ Quang.

Ông Nguyễn Danh Kỳ - Giám đốc Vườn Quốc gia Vũ Quang cho biết: Công tác bảo vệ rừng gắn với bảo tồn, đa dạng sinh học là nhiệm vụ trọng tâm, luôn được đơn vị đặc biệt quan tâm. Vì vậy, năm 2023, rừng được giao không bị xâm hại, không để xảy ra cháy rừng, độ che phủ rừng đã đạt đến 98%, chất lượng rừng được nâng lên. Cùng với đó, trong năm qua, chúng tôi đã tiếp nhận 367 cá thể động vật hoang dã để chăm sóc, cứu hộ, tái thả về môi trường tự nhiên có vùng loài phân bố.

“Để làm giàu sinh thái, đa dạng sinh học, năm 2023, chúng tôi đã tăng cường nghiên cứu và hợp tác quốc tế, trong đó nổi bật là: điều tra, công bố 2 loài thực vật mới là Xú hương Vũ Quang và Xú hương Hà Tĩnh; thực hiện dự án VFBC Hợp phần Bảo tồn đa dạng sinh học do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ tài trợ. Cùng với đó, thực hiện lắp đặt 85 điểm bẫy ảnh giám sát đa dạng sinh học; triển khai các hoạt động dự án “Giải cứu sao la khỏi bờ vực tuyệt chủng”; điều tra, thu thập và nghiên cứu sự đa dạng của các loài côn trùng, nhóm động vật không xương sống ở đất; thí điểm nuôi công và thỏ rừng...” - ông Trần Danh Kỳ thông tin thêm.

Hà Tĩnh gắn bảo vệ rừng với phát triển đa dạng hệ sinh thái

Hà Tĩnh tập trung bảo vệ rừng tại gốc gắn với giữ gìn, phát triển hệ sinh thái rừng đa dạng, phong phú.

Cùng với Vườn Quốc gia Vũ Quang, công tác bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ động vật hoang dã đã được lực lượng kiểm lâm và các cấp, ngành quan tâm hơn. Từ năm 2020, Kiểm lâm Hà Tĩnh đã chủ trì ra quân truy quét, tháo dỡ, tiêu hủy 552.836 các loại dụng cụ bẫy bắt chim di cư, thả về tự nhiên 4.070 chim mồi; vận động 292 tổ chức, hộ gia đình, cá nhân giao nộp 1.455 cá thể động vật hoang dã để thả về môi trường tự nhiên.

Riêng năm 2023, các lực lượng chức năng đã tiêu huỷ 116.391 dụng cụ bẫy, bắt chim tự nhiên; thả 986 cá thể chim mồi; vận động 114 tổ chức, hộ gia đình, cá nhân giao nộp 367 cá thể động vật hoang dã...

Hà Tĩnh gắn bảo vệ rừng với phát triển đa dạng hệ sinh thái

Hà Tĩnh tăng cường hợp tác với lực lượng bảo vệ rừng các tỉnh lân cận trong và ngoài nước để bảo vệ rừng hiệu quả, làm giàu hệ sinh thái, đa dạng hệ sinh học. Trong ảnh: Hà Tĩnh và tỉnh Khăm Muồn (Lào) ký kết chương trình hợp tác bảo vệ rừng giáp ranh ở khu vực biên giới.

Ông Nguyễn Cự Duẩn - Trưởng phòng Thanh tra - Pháp chế (Chi cục Kiểm lâm Hà Tĩnh) cho biết: “Công tác bảo vệ rừng gắn với phát triển hệ sinh thái được lực lượng kiểm lâm chủ động tham mưu, chỉ đạo, triển khai thực hiện kịp thời, đồng bộ các giải pháp như: tăng cường tuyên truyền vận động, tập trung bảo vệ rừng tại gốc; kiểm tra, kiểm soát lâm sản tốt, giám sát chặt chẽ diễn biến rừng và đất lâm nghiệp; quyết liệt ngăn chặn tình trạng săn bắt kết hợp tiếp nhận và tái thả động vật hoang dã về tư nhiên...

Nhờ vào cuộc thường xuyên, liên tục, có trọng tâm, trọng điểm nên các vụ xâm hại rừng được phát hiện sớm, xử lý kịp thời, đủ sức răn đe; số vụ vi phạm giảm mạnh, số động vật hoang dã được tái thả về tự nhiên tăng qua các năm...”.

Chủ đề Lâm nghiệp - bảo vệ rừng

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast