Phát hiện, can thiệp sớm cho trẻ bị rối loạn phổ tự kỷ để hòa nhập tốt với cộng đồng

(Baohatinh.vn) - Gần 40% trẻ em vào điều trị tại Bệnh viện Phục hồi chức năng (PHCN) Hà Tĩnh có liên quan đến rối loạn phổ tự kỷ. Sau quá trình kiên trì thực hiện các biện pháp can thiệp, các trẻ đều cải thiện được các triệu chứng và dần hòa nhập với cộng đồng.

Năm 2018, khi em N.T.K (TP Hà Tĩnh) được 18 tháng tuổi, có biểu hiện không nói được, gọi không phản ứng, thích chơi một mình, không biết cách chơi với đồ chơi. Trước tình trạng của K., gia đình đã đưa vào Bệnh viện PHCN Hà Tĩnh để thăm khám. Qua chẩn đoán của các bác sỹ, K. bị rối loạn phổ tự kỷ (tăng động, giảm chú ý, gặp khó khăn về ngôn ngữ và khả năng giao tiếp).

Hằng ngày, K. được các y, bác sỹ tại Khoa Vật lý trị liệu - Phục hồi chức năng tiến hành các phương pháp can thiệp cá nhân và can thiệp nhóm, bên cạnh đó là phối hợp với gia đình can thiệp cho trẻ khi về nhà. Đến nay, K. đã có thể diễn đạt được nhu cầu của mình bằng lời nói, nhận biết về mọi người xung quanh và biết chơi cùng với các bạn khác.

Việc phát hiện và can thiệp sớm cho trẻ bị rối loạn phổ tự kỷ là giải pháp quan trọng.

Còn đối với bé N.V.L (Hương Khê), dù đã lên 3 tuổi song chỉ nói được một vài từ, nhận thức so với độ tuổi rất chậm, hạn chế giao tiếp với mọi người xung quanh. Trước tình hình đó, hằng ngày, bé được phụ huynh đưa xuống Bệnh viện PHCN Hà Tĩnh. Sau hơn 3 năm kiên trì thực hiện các biện pháp can thiệp tại bệnh viện, tại nhà và cả ở trường học nên bé L. cải thiện rõ rệt về ngôn ngữ, đi học lớp 1 và chủ động hơn trong giao tiếp với mọi người.

“Hành trình điều trị cho cháu thực sự là rất dài và cho đến nay vẫn đang tiếp diễn. Tuy nhiên, nhìn thấy cháu có thể giao tiếp được với mọi người, tự tin đến lớp học như bao trẻ khác, mình cũng cảm thấy ấm lòng và tự tin hơn” - chị Đ.T.H (mẹ của cháu N.V.L) chia sẻ.

Đó là 2 trong hàng trăm trẻ bị rối loạn phổ tự kỷ được Bệnh viện PHCN Hà Tĩnh tiến hành can thiệp hiệu quả, qua đó, cải thiện được các triệu chứng, từng bước giúp trẻ hòa nhập với cộng đồng.

Việc đưa trẻ đi khám để có sự can thiệp sớm sẽ giúp cải thiện được các triệu chứng, từng bước giúp trẻ hòa nhập với cộng đồng.

Thạc sỹ tâm lý Chu Thị Hoài - Khoa Vật lý trị liệu - Phục hồi chức năng cho biết: “Trung bình mỗi ngày, bệnh viện can thiệp cho từ 120-140 trẻ em, trong đó có từ 30-50 trẻ em bị rối loạn phổ tự kỷ. Đặc trưng của trẻ bị rối loạn phổ tự kỷ là hạn chế về giao tiếp, không thiết lập mối quan hệ với mọi người, hành vi mang tính rập khuôn. Trong khi đó, rất nhiều phụ huynh luôn có tâm lý ngại hoặc chủ quan nên thường đưa trẻ đi khám muộn dẫn đến hiệu quả can thiệp, điều trị thấp”.

Theo chia sẻ từ các chuyên gia y tế, việc điều trị, can thiệp đối với các trẻ bị rối loạn phổ tự kỷ thường mất rất nhiều thời gian nên đòi hỏi sự kiên trì của chính các phụ huynh. Cùng với các biện pháp can thiệp của bệnh viện còn rất cần sự đồng hành, phối hợp của gia đình khi trẻ ở nhà và của nhà trường khi trẻ đến lớp để giúp các em từng bước cải thiện được các triệu chứng, dần hòa nhập được với cộng đồng.

Bác sỹ Nguyễn Thị Diện - Giám đốc Bệnh viện PHCN Hà Tĩnh chia sẻ: “Trẻ bị rối loạn phổ tự kỷ chủ yếu là hạn chế khả năng tiếp xúc, giao tiếp, chính vì vậy, việc can thiệp hành vi là phương pháp rất quan trọng. Để đáp ứng được nhiệm vụ này, thời gian qua, chúng tôi đã gửi cán bộ đi học các lớp chuyên sâu liên quan đến can thiệp, điều trị chứng tự kỷ do các trường như: Đại học Y Hà Nội, Đại học Y TP Hồ Chí Minh, Đại học Y dược Huế, Bệnh viện Nhi Trung ương… phối hợp, liên kết với các tổ chức quốc tế đào tạo.

Đặc biệt, những người được lựa chọn chăm sóc, can thiệp cho các trẻ phải là những người có lòng trắc ẩn, thực sự cảm thông, sẻ chia và đồng hành cùng các em trong quá trình điều trị”.

Các y, bác sỹ Bệnh viện PHCN tỉnh hướng dẫn cho các trẻ có các triệu chứng chậm hơn so với các bạn cùng lứa tuổi đi thăng bằng.

Trong thời gian qua, Bệnh viện PHCN Hà Tĩnh đã tiếp nhận, can thiệp cho hàng trăm trẻ em bị rối loạn phổ tự kỷ. Nhiều em khi đến bệnh viện không biết nói, không thiết lập các mối quan hệ với người xung quanh, tuy nhiên, trải qua thời gian can thiệp của các y, bác sỹ, sự kiên trì, đồng hành của chính các phụ huynh nên các em đều cải thiện về giao tiếp, kiểm soát được các hành vi của bản thân, có thể đi học được.

“Trong quá trình can thiệp, thấy các em có những tiến triển như dần biết nói, biết làm chủ hành vi của bản thân, chủ động giao tiếp với bạn bè và dần hòa nhập với cộng đồng, chúng tôi vui mừng khôn xiết vì những nỗ lực của các y, bác sỹ, sự kiên trì, đồng hành của gia đình đã bước đầu có kết quả. Mong rằng, khi con nhỏ có những dấu hiệu chậm hơn so với các bạn cùng lứa tuổi, phụ huynh không nên chủ quan mà cần cho trẻ đi khám, phát hiện sớm các dấu hiệu của rối loạn phổ tự kỷ để trẻ được can thiệp kịp thời, giúp trẻ hòa nhập tốt với cộng đồng” - Thạc sỹ Hoài chia sẻ.

Chủ đề Sức khỏe cộng đồng

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói